PV: Phải nhìn nhận rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một nỗ lực đáng kể của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trong cuộc chiến chống chuyển giá vốn rất cam go và khó khăn. Tuy nhiên, trong khi hiệu quả của việc chống chuyển giá nhất là với doanh nghiệp khối FDI còn là dấu hỏi thì nguy cơ nhãn tiền khiến doanh nghiệp nội thất thế lại rất hiện hữu. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của của Nghị định 20 trong thời gian vừa qua?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Hiện ngành Thuế có hẳn một bộ phận chuyên chống chuyển giá trốn thuế. Tuy nhiên, dường như hiệu quả quản lý vẫn chưa khả quan. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhiều năm đang nằm trong diện nghi vấn chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn chưa bị “sờ gáy”. Nghị định 20 ra đời dựa trên hướng dẫn của OECD (tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) đã tạo ra một cơ sở pháp lý tốt hơn trong việc kiểm soát hoạt động chuyến giá, tránh thuế.
Cụ thể, trong thời gian vừa qua, với việc áp dụng Nghị định 20, ngành thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chuyển giá và đã có nhiều trường hợp cơ quan thuế phát hiện đấu tranh việc chuyển giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Riêng việc giảm lỗ là xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng Nghị định 20 ra đời đã góp phần không nhỏ cho hoạt động chống chuyển giá của ngành thuế. Tuy nhiên, từ khi có hiệu lực đến nay, Nghị định này đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc khiến nhiều doanh nghiệp trong nước vừa rồi phải kêu cứu ngành thuế.
PV: Vâng, một trong những vướng mắc của Nghị định 20 được nhiều doanh nghiệp phản ánh trong thời gian qua là quy định tại khoản 3 điều 8 về khống chế chi phí lãi vay không vượt 20% lợi nhuận thuần. Mục tiêu ban đầu là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI nhưng quy định này đang khiến cả các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính lớn như bất động sản, y tế, nông nghiệp, xây dựng… bị “vạ lây”. Ông có thể phân tích rõ hơn về sự chi phối của quy định này đối với việc sử dụng vốn của doanh nghiệp?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Tôi cho rằng, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 về áp trần lãi vay đang quy định không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng, có thể hiểu theo nhiều cách dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.
Lấy một ví dụ đơn giản, hiện nay, tôi có giao dịch vay vốn với doanh nghiệp liên kết nhưng đồng thời tôi lại vay ngân hàng. Vậy câu hỏi đặt ra là nên khống chế đối với toàn bộ chi phí lãi vay hay chỉ là của doanh nghiệp liên kết thôi vì trường hợp này đã thuộc đối tượng áp dụng. Khống chế toàn bộ hay chỉ khống chế phần vay của doanh nghiệp liên kết? Hai cách hiểu này đang không thống nhất, do đó cần phải điều chỉnh.
Tinh thần của Nghị định 20 là quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Còn những doanh nghiệp không có quan hệ liên kết và vay vốn ngân hàng thì trường hợp này cái lãi vay đó lẽ ra không bị khống chế. Bởi các doanh nghiệp trong nước vốn ít, phần lớn phải vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính khác. Đây là phần vốn vay độc lập không thuộc các hoạt động giao dịch liên kết.
Vấn đề bất cập của khoản 3, điều 8 thể hiện ở việc, tại khoản 3 chỉ nói là tổng chi phí lãi vay được trừ của doanh nghiệp không được vượt quá 20% lợi nhuận thuần cộng với chi phí khấu hao và chi phí lãi vay. Chính điều này làm cho nhiều người hiểu nhầm rằng doanh nghiệp nào cũng bị áp dụng như vậy. Nhưng thực ra, khoản này được đặt trong điều 8 có tên là chi phí được trừ của doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù. Như vậy, lãi vay ấy phải liên quan đến doanh nghiệp giao dịch liên kết thì mới bị khống chế.
Do vậy, quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ bao gồm cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Tuy nhiên, có thể do chưa có Thông tư hướng dẫn chi tiết từng đối tượng, nên nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra hoang mang khi cho rằng, họ sẽ phải gánh trách nhiệm thuế cho các doanh nghiệp yếu kém khác.
PV: Ông đánh giá như thế nào về mức khống chế 20% mà khoản 2, điều 8 của Nghị định này đặt ra?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Về mức trần lãi vay 20%, tôi cho rằng con số này tương đối thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là bất động sản. Môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong pháp luật về thuế lại càng phải bình đẳng.
Tuy nhiên, với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng vốn đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay, có thể là lớn hơn mức 20%. Theo đó, cần phải có một khảo sát nghiêm túc, khoa học để có tính toán chính xác, đưa ra số liệu chứng minh mức độ khống chế lãi vay phù hợp, 25% hay 30% hay một con số phần trăm khác. Nhưng quan trọng nhất là diễn đạt lại khoản 3, điều 8 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách mà không theo nhiều cách gây hỗn loạn và hoang mang cho doanh nghiệp.
PV: Ông vừa nói đến sự cần thiết của việc phải sửa đổi những bất cập trong Nghị định 20. Vậy theo ông, để thực hiện đúng tinh thần Nghị định, khoản 3, điều 8 nên được sửa đổi như thế nào?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Để không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cần phân định rõ đâu là doanh nghiệp liên kết có động cơ chuyển giá cần phải khống chế, đâu là doanh nghiệp nằm ngoài phạm vi và được miễn kê khai cũng như không khống chế lãi vay.
Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20. Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Theo đó, chỉ các doanh nghiệp liên kết nhưng khác biệt về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, có ưu đãi thuế hay có động cơ chuyển giá mới bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20 thay vì “ôm trọn” vào tất cả các doanh nghiệp như hiện tại.
PV: Ngoài ra, để vẫn đạt được mục tiêu chống tránh thuế, chuyển giá, cần có giải pháp nào khác, mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thưa ông?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Tôi cho rằng, về lâu dài cần phải nâng tính pháp lý của kiểm soát chuyển giá lên tầm luật, trước mắt là sửa đổi Luật Quản lý thuế sao cho hợp lý trong quá trình áp dụng. Đồng thời, phải tạo ra cơ chế cung cấp cơ sở dữ liệu chung cho các doanh nghiệp vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nhỏ họ kê khai giao dịch liên kết rất khó bởi vì không có cơ sở dữ liệu về giao dịch độc lập.
Trân trọng cảm ơn ông!