Aa

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: “Lời Bác dặn về kiến trúc rất nôm na, bình dị, nhưng sâu sắc”

Chủ Nhật, 21/05/2023 - 06:12

“Cả trong làm việc và sinh hoạt hàng ngày, Người cũng đề cao sự giản dị, kiến trúc mở và gần gũi với thiên nhiên”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Trò chuyện với PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào bởi ông luôn điềm đạm, vui vẻ và tràn đầy hứng khởi khi nói về thơ văn, về tiểu thuyết Hừng Đông, Chuyện tình Khau Vai, về cải lương, sân khấu kịch, về “Nước non vạn dặm” và cả về những quan điểm kiến trúc nhân văn, bình dị của Bác Hồ.

“Tôi chọn cách phản ánh chân thành nhất, dung dị nhất, chân thật nhất”

PV: Khi đọc tập đầu tiên, “Nợ nước non” trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của ông, tôi rất ấn tượng với hình ảnh một gia đình nhà Nho nghèo mà thanh sạch và tràn đầy yêu thương, rất bình dị, rất xứ Nghệ. Dù đã đọc một số cuốn sách viết về thời thơ ấu của Bác Hồ, nhưng tôi vẫn xúc động. Nhiều độc giả ở các lứa tuổi khác nhau cũng rất yêu quý 2 tập sách đã ra mắt của ông. Có vẻ như xuất thân là một người con xứ Nghệ khiến ông có lợi thế khi viết tiểu thuyết này và được độc giả đón nhận?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Tôi quê ở Yên Thành, nhưng hơn 20 năm trước, khi đang làm Tổng biên tập báo Nghệ An, tôi được luân chuyển về làm Bí thư huyện ủy Nam Đàn, nên vừa là người con xứ Nghệ, vừa có cơ duyên làm việc trên quê hương Bác. Tôi cũng là người muốn tìm hiểu cặn kẽ những cái mới, lại say mê nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nên cóp nhặt được nhiều tư liệu quý về Bác Hồ.

Có lẽ vì vậy mà tôi dễ dàng đưa nếp nhà, lối ăn nói, sinh hoạt, ứng xử, những câu hò vè dân gian, dân ca ví, dặm, văn hóa ẩm thực, những vật dụng thân thuộc của người xứ Nghệ vào tiểu thuyết. Và cũng không không khó để hình dung, hư cấu, sáng tạo thêm bên cạnh những sự kiện lịch sử khi viết về Bác.

Nhưng viết tiểu thuyết về cuộc đời Bác đối với tôi là một thách thức lớn khi phải xử lý khéo léo giữa tính chân thật của lịch sử với phần hư cấu. Nhà chép sử ghi lại những sự kiện có thật liên quan đến nhân vật, còn sáng tác văn học được hư cấu, nhưng hư cấu về nhân vật không có thật trong lịch sử dễ hơn nhiều lần so với hư cấu về một nhân vật lịch sử đang là tượng đài quen thuộc của dân tộc như Bác. Nhà chép sử ghi lại cuộc đời Bác, vẫn có hành động, suy nghĩ, tư tưởng, phong cách nhưng riêng nội tâm, có lẽ chỉ nhà văn mới có quyền hư cấu và diễn tả được.

Bên cạnh đó, tư liệu, sự kiện về Bác thì rất nhiều và không chỉ được các nhà lịch sử phản ánh, mà còn có sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học… Vậy thì chọn chi tiết, sự kiện, hành động gì để bộc lộ được phẩm chất con người giữa vô vàn sự kiện, tư liệu đã có để tránh tình trạng “bội thực”? Và nếu chỉ phản ánh cái cao cả, vĩ đại mà thiếu đi những yếu tố của một con người với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, suy nghĩ, đấu tranh, giằng xé, thì sẽ thiếu đi sự kịch tính mà thể loại tiểu thuyết cần có.

“Nợ nước non” là tập quan trọng để lý giải những gì đã tác động để hình thành nên một vĩ nhân. Nhưng tôi không chủ ý xây dựng hình tượng vĩ nhân từ bé mà tâm niệm rằng, viết về tuổi thơ đứa trẻ nào cũng vậy thôi. Tôi muốn nhìn mọi thứ theo lẽ tự nhiên, một con người với đủ yêu thương, giận hờn, khổ đau và hạnh phúc, một đứa trẻ với đủ cung bậc cảm xúc, suy nghĩ trẻ thơ đúng nghĩa. Dĩ nhiên một vĩ nhân sẽ có những tố chất từ bé, nhưng tôi vẫn chọn cách viết, cách phản ánh chân thành, dung dị và chân thật nhất.

PV: Vâng, khi nghiên cứu tư liệu để viết tiểu thuyết này, hẳn ông có nhiều ấn tượng về lối sống giản dị của Bác?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Sinh ra trong một gia đình nhà nho nhưng gốc nông dân và cuộc đời trải qua rất nhiều khổ đau, thiếu thốn, gian nan nên Bác có thói quen sinh hoạt, lối sống rất giản dị.

Từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được nuôi dưỡng bằng những câu ca, điệu ví dặm xứ Nghệ. Cũng có những người bà, người mẹ ru con, mong con sau này thành ông Nghè, ông Cống, nhưng khi “nước mất nhà tan”, bà ngoại và mẹ đã ru câu “…Làm người đói sạch, rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền”. Nghĩa là, khi nước mất, nam nhi phải tạm khép lại chí khoa bảng để lo trả “nợ nước non”.

Năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước, Bác vẫn nói ham muốn tột bậc nhất là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Riêng phần mình, Bác chỉ có mong muốn giản dị là “làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Có thể nói, Người là một vĩ nhân vĩ đại trong sự mộc mạc, bình dị mà vô cùng gần gũi.

Rời Việt Bắc về Thủ đô, Bác Hồ vẫn giữ lối sống bình dị. Tháng 5/1958, ngôi nhà sàn bằng gỗ 2 tầng, diện tích mỗi tầng gần 40m² kiểu nhà sàn đồng bào các dân tộc ở chiến khu xưa được xây dựng. (Ảnh: Tư liệu)

Kiến trúc mang màu sắc dân tộc và giá trị cộng đồng mới là thế mạnh

PV: Thưa ông, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiến trúc cũng rất bình dị, nhân văn?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Trong thư gửi Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam) năm 1948, Người căn dặn: “Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tinh thần đời sống mới”.

Theo chỉ đạo của Bác, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều công trình kiến trúc phục vụ kháng chiến như Trụ sở Ủy ban hành chính Tỉnh, Nhà Thông tin, Khu nhà họp Đại hội Đảng lần thứ II, nhà ở cho dân… đều có kiến trúc giản dị bằng vật liệu tranh tre, nứa, hòa vào thiên nhiên, cạnh bờ suối, rừng già… Đó cũng là những nét đẹp của kiến trúc cách mạng.

Cũng trong bức thư, Bác mong “Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Những lời Bác dặn dò về kiến trúc rất nôm na, bình dị, nhưng rất sâu sắc. Cũng dễ hiểu tại sao Người được UNESCO công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới. Hay “Tết trồng cây” là phong trào được Cụ vận động từ rất sớm, với mục đích bảo vệ môi trường, thông qua những câu thơ vận động thiết thực, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người:

“Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Cả trong làm việc và sinh hoạt hàng ngày, Người cũng đề cao sự giản dị, kiến trúc mở và gần gũi với thiên nhiên.

PV: Học theo lời Bác, các kiến trúc sư Việt Nam đã làm được nhiều điều cho con người, môi trường, hướng đến giá trị nhân văn và phục vụ cộng đồng. Có lẽ kiến trúc xanh bền vững là hướng đi để lại nhiều ấn tượng, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Những năm gần đây, kiến trúc Việt Nam có sự vươn lên rất mạnh và đạt được những giải thưởng lớn trong các cuộc thi quốc tế. Như KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên thắng Giải SIA-GETZ 2016 cho kiến trúc sư nổi bật Châu Á, cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng VASSILIS SGOUTAS PRIZE 2017 của Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA).

Cái hay của KTS. Hoàng Thúc Hào là xác định được thế mạnh của kiến trúc Việt Nam so với thế giới là những công trình kiến trúc cộng đồng, xã hội, vì văn hóa Việt Nam được hình thành chủ yếu từ các vùng nông thôn, miền núi, chứ không phải các công trình hiện đại, hoàng tráng. Có nhiều công trình không đồ sộ về quy mô nhưng Hoàng Thúc Hào hướng tới cộng đồng nghèo, tôn trọng và phát triển giá trị văn hóa trong các công trình đó.

Tôi cũng thấy xu hướng kiến trúc xanh, bền vững, mang bản sắc dân tộc đang được Hội Kiến trúc sư Việt Nam cổ vũ. Các tác phẩm đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia ngày càng có tư duy hiện đại, thân thiện với thiên nhiên, hướng đến con người, cộng đồng và mang màu sắc dân tộc hơn, thay vì xu hướng nhại cổ, phô trương phổ biến như trước đây.

kien truc viet nam

PV: Có điều gì khiến ông băn khoăn khi nhìn thấy những công trình thiên về tính thương mại quá nhiều và đôi khi còn bị lãng phí, quên đi mất giá trị chung với cộng đồng?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Trong văn hóa phương Đông, các cụ có quan niệm “Thiên nhân hợp nhất”, để nói về sự gắn bó, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Thiên nhiên che chở cho con người, như ông cha ta đã đi qua thời kỳ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, cho đến hôm nay, rừng nói riêng, thiên nhiên nói chung ngày càng có vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Đơn giản như việc phá rừng, chặt một cái cây, cũng là đang hủy hoại chính môi trường sống của chúng ta.

Kiến trúc thời Pháp có rất nhiều cây xanh, có những vườn hoa tuy không lớn nhưng hợp lý và hữu ích. Sau này, chúng ta phát triển “nóng” quá, tư duy quản lý, điều hành không theo kịp quá trình đô thị hóa gia tăng mạnh mẽ và cả sự tham lam của con người đã “bóp nghẹt” không gian sống của chính mình.

Nói đầy đủ thì phải là kiến trúc - quy hoạch, bao giờ cũng phải nhân văn, thuận tiện, phù hợp với đời sống con người và cảnh quan văn hóa. Với các cụ già, không gian sống phải có nhiều cây xanh, có lối đi bộ, nơi tập thể dục; trẻ em phải có chỗ vui chơi, sinh hoạt… Thiết chế văn hóa cần được tôn trọng từ đô thị đến nông thôn, những rạp chiếu bóng, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… cần được ưu tiên trong quy hoạch xây dựng.

Thực tế, chúng ta có những dự án kiến trúc với tổng vốn đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí còn để hoang, gây lãng phí… Chúng ta có những đại đô thị, những công trình hiện đại, tiện nghi, hoành tráng… nhưng người dân vẫn kêu ca thiếu bãi đỗ xe, công viên, bệnh viện, trường học, nhà trẻ. Hay câu chuyện mỗi mùa tuyển sinh, phụ huynh ở các đô thị lớn như Hà Nội lại thức đêm xếp hàng nộp hồ sơ cho con vẫn trở đi trở lại rất nhức nhối.

Chúng ta có nhiều khu nhà ở cao cấp, có chỗ còn bỏ hoang, nhưng người nghèo đô thị, công nhân khu công nghiệp “đỏ mắt” không tìm thấy nhà giá rẻ. Sự nhộn nhịp, tranh giành, thậm chí “cò mồi” hoạt động ở một dự án nhà ở xã hội đang mở bán ở Hà Nội cho thấy nhu cầu của người dân rất cao, nhưng công tác quy hoạch - kiến trúc chưa theo kịp, hay chưa để tâm?

Chúng ta cũng chưa có nhiều công trình kiến trúc thích ứng với môi trường cho đồng bào vùng lũ lụt, như nhà chống lũ… Chúng ta chưa quan tâm đúng mực đến nhà ở của đồng bào nghèo các dân tộc thiểu số. Diện mạo kiến trúc nông thôn đang “bê tông hóa” quá mức, chưa có nhiều kiểu nhà “giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”, phù hợp với lối sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn của nông dân như lời dạy của Bác.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top