Aa

PGS.TS Trần Đình Thiên: “Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành“

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 19/09/2023 - 11:39

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví von như vậy khi ông đề cập tới hàng loạt khó khăn mà các doanh nghiệp đã phải đối diện trong suốt thời gian qua.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023 sáng 19/9, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, Việt Nam cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử - thời đại, với sự thay đổi và về “Nền tảng phát triển” – “Cấu trúc phát triển” – “Tính chất – quy mô phát triển”. Quá trình thay đổi đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, mang tính hệ thống và rất căn bản (toàn diện, triệt để), tạo ra những cơ hội và thách thức khác thường, đặc biệt là cho những nước đi sau.

Ở tầm nhìn trung và dài hạn, bối cảnh thế giới được khắc họa bằng những đường nét ít lạc quan. Dự báo của Ngân hàng Thế giới về “một thập niên mất mát” (trung hạn, đến 2030) và “xu hướng đối mặt với các con gió nghịch” (ngắn hạn/cho năm 2023-2024) chứa đựng cảnh báo về xu thế khó khăn trội bật kéo dài của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Là quốc gia “đi sau” nhưng có độ mở cửa – hội nhập quốc tế cao trên mọi phương diện, Việt Nam không nằm ngoài xu thế toàn cầu và thời đại đó. Thậm chí, vì một số lý do đặc thù, cả cơ hội và thách thức thời đại mà Việt Nam đối mặt là khá “khác thường”. Ở đây, kinh tế là lĩnh vực được coi là điển hình vì gắn liền với độ mở cửa cao, nền kinh tế Việt Nam có đặc trưng nổi bật là “đi sau, tụt hậu và yếu kém”, trong khi cách lựa chọn định hướng phát triển kinh tế thị trường lại đậm tính “bản sắc”.

Căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm suy yếu nền kinh tế

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam lại ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường. Sau 3 năm trải qua đại dịch covid, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển nhìn chung là tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng – ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.

Trong sự so sánh quốc tế, những thành tích kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa hiện nay.  

Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có hai vấn đề lớn được đặt ra:

Thứ nhất, xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân.

Tồn tại thực tế xu hướng suy giảm mạnh kéo dài động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suốt từ khi bắt đầu đổi mới tới nay. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao.

Thứ hai, nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng nghịch lý.

“Nghịch lý phát triển là doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành”, ông Thiên nhấn mạnh và đồng thời cũng cho rằng lực lượng doanh nghiệp Việt, tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu, song có những đặc điểm phát triển khác thường.

Một mặt, đó là những doanh nghiệp có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường, theo ông Thiên: “Bằng chứng rõ ràng, thuyết phục của nhận định đó chính là thực tế hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam – thường là gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch”, cũng thường là cao vượt trội. Xin lưu ý rằng việc trả giá vốn cao ở Việt Nam không diễn ra trong một thời gian ngắn, có tính nhất thời và đơn lẻ. Thực tế, nó đã kéo dài trường kỳ hàng chục năm.

Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, trình độ còn thấp và thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế mở. Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại – một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt, mặc dù lực lượng này là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”?

Từ góc nhìn này, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức”, sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại. Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã “ra đi”.

Đối ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp, xu thế đó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế yếu của doanh nghiệp Việt Nam.

Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023 số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số “rút khỏi thị trường” tăng mạnh. Tám tháng đầu năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” (124.700) so với số doanh nghiệp “mới thành lập” và “gia nhập lại” (149.400) đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022.

Xu thế phát triển doanh nghiệp chậm lại và khó khăn hơn trong thời gian gần đây phản ánh một tình thế mới, chưa từng thấy trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam.

Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công – trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ - được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm: mới đạt 39,6% kế hoạch.

Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%. Mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thực sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp đang “đói vốn, khát vốn”. Nó càng khó ngờ khi trong mấy tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn.

Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển.

“Đây là hai vấn đề chính dẫn tới tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn”, ông Thiên nhấn mạnh.

Cần những quyết sách mang tính đột phá cho nền kinh tế. Ảnh minh họa: VGP

Cần chuyển động mạnh mẽ, thoát khỏi sự trì trệ

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên dẫn lại lời K. Marx khẳng định: “Vốn không vận động là vốn chết, không phải là vốn. Vốn chết không chỉ gây lãng phí to lớn cho các chủ sở hữu của nó mà còn đe dọa sự tồn tại của cả hệ thống, của nền kinh tế thị trường. Hệ thống kinh mạch bị ngưng trệ sẽ dẫn đến chỗ cơ thể bị hủy diệt, vì vậy không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa chúng vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn luôn là trách nhiệm ưu tiên của các hoạt động điều hành. Năng lực – tiềm năng phải được chuyển hóa thành thực lực - động lực. Lợi thế so sánh, để phát huy được, phải biến thành lợi thế cạnh tranh. Không có sự chuyển hóa đó, nền kinh tế sẽ trì trệ, bất động, sẽ bị tiêu diệt trong cạnh tranh”.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên đề nghị cần xác lập các điều kiện sau:

Một là, hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

Ba là, bảo đảm “Tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống bao gồm: Thông suốt hạ tầng (thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm); Thông thoáng cơ chế (thể chế thị trường, công khai – minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh); Thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo…).

“Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển. Có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là: phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm”, ông Thiên nhận định. 

Biểu đồ so sánh tăng trưởng dư nợ cho vay. Nguồn: Widata

Đồng thời, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu thực tiễn đổi mới – phát triển kinh tế thị trường của chính Việt Nam và ba bài học đặc sắc về phát huy nội lực nhờ biết cách khơi thông các mạch nguồn và tạo kết nối:

Bài học thứ nhất: “Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”

Quá trình đổi mới thực sự diễn ra nhờ áp dụng một công thức phát triển đơn giản hiếm thấy: từ bỏ việc cấm đoán kinh tế tư nhân và các thị trường, chính thức thừa nhận và cho phép vận hành nền kinh tế nhiều thành phần (thực chất là cho phép kinh tế tư nhân hồi sinh) và các thị trường đầu vào được hoạt động công khai.

Nền kinh tế bao cấp phi thị trường đang khủng hoảng nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ, ngay lập tức hồi sinh và trỗi dậy một cách thần kỳ.

Bài học thành công thật sự đơn giản: khai thông các thể chế thị trường, càng triệt để, thành tích phát triển càng lớn. Mấu chốt chính là thể chế, các kênh khơi thông nguồn lực (các thị trường) và cơ chế phân bổ phù hợp (cạnh tranh thị trường).

Chỉ tiếc là mãi hơn 30 năm sau, đến năm 2018, khu vực tư nhân - lực lượng kinh tế góp phần quan trọng bậc nhất vào thành công của đổi mới mới được chính thức thừa nhận là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Bài học thứ hai: Bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo

Cho đến nay, điện vẫn luôn là một sản phẩm “khan hiếm”, mang tính “chính trị” cao và đặc biệt nhạy cảm về giá. Việc duy trì giá điện thấp theo kiểu “bao cấp” là nguyên chính gây căng thẳng cung – cầu, thậm chí xung đột trong đời sống. Nó khuyến khích tiêu dùng điện giá rẻ, đồng nghĩa với khuyến khích nền sản xuất công nghệ thấp trong khi không khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện.

Sự căng thẳng này chỉ được giải quyết khi tiềm năng điện gió – điện mặt trời được phát huy nhờ Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giá điện năng lượng tái tạo có tính khuyến khích cao. Bùng nổ các dự án điện gió, điện mặt trời ở các địa phương vốn rất nghèo do không có lợi thế phát triển nông nghiệp. Một sự đổi đời thật sự chủ yếu nhờ biết áp dụng cơ chế giá thị trường (phát triển thị trường điện). Nền kinh tế, về nguyên tắc, thoát khỏi tình trạng khan hiếm điện – giống như đất nước trước đây, từ một quốc gia đói nghèo, nhanh chóng trở thành “cường quốc lúa gạo” nhờ áp dụng nhanh cơ chế giá thị trường cho mặt hàng thuộc loại “an ninh quốc gia”. Logic giá điện thị trường được áp dụng trong bối cảnh thế giới chuyển sang thời đại năng lượng mới chứa đựng xu thế đưa Việt Nam thành một quốc gia có vị thế năng lượng toàn cầu.

Bài học thứ ba: Thiên lệch trong phát triển các thị trường tài chính – tiền tệ

Cho đến nay, sự phát triển thiên lệch các thị trường tài chính – ngân hàng là nguyên nhân cơ bản gây ra những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế. Thị trường tín dụng đang phải đóng vai là người cung cấp vốn chính – cả vốn ngắn hạn lẫn dài hạn - cho nền kinh tế; trong khi những thị trường và kênh có chức năng chính là cung cấp vốn dài hạn như thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, kênh đầu tư công chưa được quan tâm phát triển đúng tầm và đúng cách, dẫn tới chỗ phát triển chưa đến tầm và thiếu đồng bộ. Đây là một trong những căn nguyên chính của tình trạng tắc nghẽn cung – cầu về vốn, dễ tạo sóng đầu cơ và gây nhiều rủi ro hệ thống.

Một thực tế điển hình là cách phản ứng chính sách giật cục, (điển hình là cách “ứng xử” với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2023) đã gây tổn thương cho thị trường, cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các kênh cung ứng vốn nhà nước quan trọng hàng đầu như đầu tư công (và cả chi tiêu công) gặp nhiều ách tắc về cơ chế, thủ tục, sau nhiều thập niên, hầu như không cải thiện gì về tốc độ, có những mặt còn trầm trọng hơn.

Về tổng thể, tình trạng thiên lệch phát triển và khó - không thể phối hợp hoạt động của các thị trường tài chính và các kênh cung ứng vốn công được xác định là nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn và khó khăn mà khu vực kinh tế “nội” đang lâm vào. Tình trạng “không thể”, “không muốn” và “không dám” vay vốn của doanh nghiệp có căn nguyên từ cách phát triển các thị trường tài chính như vậy.

PGS.TS nhận định: “Dưới những áp lực mạnh mẽ của thực tiễn, trong sự đồng thuận phối hợp của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách và giải pháp để cải thiện tình hình.

Hiện nay, trong nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế “bản địa” nói riêng, vẫn tồn đọng nhiều vấn đề chưa giải quyết được, doanh nghiệp vẫn đối mặt không ít khó khăn, động lực tăng trưởng vẫn chưa phục hồi, thậm chí còn suy yếu. Thêm vào đó, vì những lý do ngoài kinh tế, lòng tin thị trường vẫn chưa được khôi phục đầy đủ như mong đợi. Trong khung cảnh đó, khâu thực thi chính sách vẫn “tụt hậu” khá xa so với khâu ban hành chính sách.

Tình hình thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, khó khăn, đang tác động tiêu cực mạnh đến nền kinh tế nước ta. Trong nhiều trường hợp, những tác động này “vượt ngoài tầm với” chính sách của Chính phủ. Song trong bối cảnh đó, cách tiếp cận chính sách và giải pháp mới của Nhà nước đang tạo ra những thay đổi rõ rệt, có giá trị “làm xoay chuyển tình thế” của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực “bản địa”. Điều đó cho thấy triển vọng của tư duy và cách tiếp cận chính sách, giải pháp mới đang được triển khai.

Theo tôi, cần lưu ý đến một số giải pháp chiến lược: Một là, cách tiếp cận thị trường hiện đại: giảm “xin – cho” và định hướng chuỗi (khắc phục tư duy “hàng thiết yếu” và “bản năng hành chính” trong điều hành kinh tế thị trường.

Hai là, nhận thức lại về ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với nguy cơ định hướng sai lệch chính sách của nền kinh tế nhị nguyên, quan hệ tăng trưởng và lạm phát.

Ba là, ưu tiên cao độ cho sự phát triển các thị trường đầu vào trọng điểm, đặc biệt nhấn mạnh thị trường đất đai (cấp bách hàng đầu), thị trường lao động và chuẩn bị cho tương lai – thị trường sở hữu trí tuệ.

Bốn là, phát triển có hệ thống và đồng bộ các thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu Chính phủ, từng bước mở và nối thông với các thị trường tài chính quốc tế) cùng các kênh dẫn vốn ngân sách cho nền kinh tế (đầu tư công, chi tiêu ngân sách…).

Năm là, định hướng ưu tiên cho các kênh cung cấp vốn, không phân biệt thành phần: lựa chọn ưu tiên hỗ trợ cho các ngành nghề có định hướng “tương lai” đáp ứng các yêu cầu công nghệ cao, phát thải carbon, kinh tế xanh”. 

Nghịch lý Tăng trưởng GDP cao – Lạm phát thấp

Nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%. Thực tế này “nghịch chiều” với xu hướng lạm phát tăng, GDP suy giảm tăng trưởng mạnh ở đa số các nền kinh tế trên thế giới. Nhưng không có lý do để nghi ngờ tính xác thực của thành tích mà nền kinh tế Việt Nam đạt được.

Tuy nhiên, thực tế đó dường như “xung đột” với lý thuyết. Tăng trưởng GDP cao trong điều kiện lạm phát thấp – mức lạm phát thường thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt trong năm 2023 chỉ chưa bằng ½ - được duy trì suốt mấy năm qua, trong tình trạng doanh nghiệp Việt Nam“bị khát vốn” cao độ, gây tác động tiêu cực không nhỏ đến nỗ lực tăng trưởng, là một thực tế khác thường.

Nghịch lý “lạm phát thấp >< lãi suất cao”.

Trong những năm gần đây (2021-2023), khác với nhiều nền kinh tế trên thế giới chịu lạm phát cao chưa từng thấy trong nhiều thập niên, Việt Nam lại thành công trong việc duy trì mức lạm phát thấp.

Dù vậy, doanh nghiệp Việt vẫn phải chịu mức lãi suất ngân hàng 12-15%/năm. Cách diễn đạt “nền kinh tế Việt Nam có mức lạm phát thấp nhất, lãi suất cao nhất thế giới” có thể không chính xác tuyệt đối, song phản ánh đúng thực trạng nghịch lý phát triển mà nền kinh tế đang nỗ lực tháo gỡ.

Chính phủ Việt Nam đã nhận diện rõ nghịch lý này, đang thúc đẩy hệ thống ngân hàng nỗ lực giảm mạnh lãi suất tín dụng. Nhưng để giải quyết triệt để vấn đề, cần làm rõ các nguyên nhân cơ cấu của nghịch lý.

Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường rất lớn

Trong 8 tháng đầu năm, tính bình quân mỗi tháng có 18.600 doanh nghiệp lập mới và tái gia nhập thị trường trong khi 15.600 DN “rút khỏi thị trường”, tổng lượng vốn đăng ký giảm 19,8%, phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập, đồng nghĩa với xu thế “li ti hóa” doanh nghiệp Việt tăng lên.

Thêm vào đó, cần lưu ý một thực tế khác: doanh nghiệp đóng cửa là doanh nghiệp đang tồn tại thực, tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực, trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa tồn tại “thực” và có thể không tồn tại thực. Trong trường hợp khả dĩ - doanh nghiệp mới thành lập có tồn tại và hoạt động thì đóng góp “thực” của nó cho nền kinh tế cũng chỉ diễn ra từng bước sau khi thành lập ít nhất 3 - 6 tháng, trong khi doanh nghiệp “đóng cửa” gây “tổn thất” cho nền kinh tế ngay lập tức.

Nhận định này hàm ý cảnh báo tương lai: Cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được “bù đắp” kịp thời bằng số doanh nghiệp mới “đăng ký thành lập”

Cảnh báo này ít được chú ý, trong khi các số liệu phản ánh “số doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường” lại dễ dàng được đón nhận để tạo niềm tin về thực lực doanh nghiệp Việt vẫn tăng nhanh, kể cả khi số doanh nghiệp đóng cửa tiệm cận số doanh nghiệp đăng ký thành lập.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top