“Việc Chính phủ tập trung cao độ cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là bước đi có tầm nhìn rất lớn, rất cơ bản. Hội nghị hôm nay phản ánh đúng tinh thần như thế. Cách ban hành các nghị quyết, chính sách, giải pháp của Chính phủ đều theo tinh thần là hoàn cảnh bất thường thì giải pháp, cách làm cũng phải khác thường”, đó là đánh giá của PGS.TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo chuyên gia, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp không theo logic thông thường. Chỉ có cách làm như vậy mới giúp thị trường bất động sản, nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Nếu chúng ta vẫn đưa ra những giải pháp bình thường thì không thể tháo gỡ được.
“Vì vậy, điều tôi khuyến nghị đầu tiên là phải quán triệt được tinh thần rằng tình huống khó khăn, tình thế bất thường thì cách tiếp cận, các giải pháp phải khác thường.
Việt Nam đang ở thời điểm có nhiều chính sách tốt và tập trung nhưng thực thi chính sách không dễ dàng. Cái khác thường làm cho tư duy thực thi chính sách hiện nay bị cản trở, không dám làm. Khi đưa ra những nghị quyết mới, giải pháp mới phải đi liền với cam kết về trách nhiệm, cam kết về bảo đảm cho việc thực thi trách nhiệm thì việc thực thi chính sách tốt mới đẩy nhanh lên được”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Thứ hai, tình thế hiện nay đang khó, nên như Thủ tướng nói là không thể trông chờ vào một giải pháp dễ dàng, nhanh chóng mà phải kiên trì, phải biết khó để nỗ lực. Tình hình kinh tế - xã hội cơ bản trước mắt vẫn còn khó khăn rất lớn. Tổng kết tình hình kinh tế xã hội của 7 tháng vừa qua, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới giảm 56% và số giải thể tăng lên 17% so với cùng kỳ.
Bức tranh doanh nghiệp, hoạt động bất động sản, lòng tin vẫn đang khó khăn. Vì thế, việc tập trung gỡ khó cho vấn đề này chính là sứ mệnh của Chính phủ, mà như cách đặt vấn đề của Thủ tướng là tập trung toàn tâm, toàn ý cho doanh nghiệp.
Thứ ba là tình hình thế giới đang khó khăn, đặc biệt là lãi suất tăng, lạm phát mới được kiềm chế chứ chưa hẳn giảm, khó khăn cả khu vực nội và khu vực ngoại, nên chúng ta cần nhìn nhận đánh giá khả năng vực dậy toàn diện của thị trường Việt Nam để trên cơ sở đó có đánh giá đúng về thị trường bất động sản.
Thứ tư là các giải pháp thường tập trung về phía cung, trong khi thị trường bất động sản hiện nay khó cả về cung và cầu. Đa số các giải pháp tập trung gỡ cho doanh nghiệp là rất đúng vì đó là gỡ mấu chốt của vấn đề liên quan đến cả một hệ thống, đặc biệt là hệ thống ngân hàng đang chịu gánh nặng ghê gớm.
Nhưng rõ ràng đứng trên lập trường phát triển đầy đủ, chúng ta thấy rằng cầu về bất động sản hiện nay trì trệ và có khả năng tiếp tục trì trệ. Các phân tích gần đây về tổng cầu chưa thấy điểm sáng, như việc làm, tốc độ tăng trưởng đang cải thiện nhưng còn chậm, tích cực thúc đẩy đầu tư công nhưng cũng chậm…
Khi tổng cầu yếu như vậy, thì cầu cho thị trường bất động sản cũng cần được phân tích đầy đủ để có cách tiếp cận về cầu. Nếu không, chúng ta đầu tư, xây dựng xong lại để đấy, không có thị trường tiêu thụ. Đây là điểm đang mất cân đối, rất yếu về khía cạnh chính sách.
Từ đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, về thủ tục pháp lý, vẫn phải theo tinh thần tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường.
“Chúng ta phải vượt qua được tư duy sợ hãi thông thường. Đơn cử như, hiện nay, bất động sản tồn kho tăng. Nhiều dự án tốt nhưng lại đang mắc, chưa ra được thị trường thì xử lý như thế nào? Nhà nước có mua lại các dự án đó không để bảo đảm tạo lòng tin cho cả phía doanh nghiệp lẫn phía người mua? Tôi cho rằng, những giải pháp này là cơ bản để tháo gỡ cho các dự án tốt và lớn nhưng lại đang tắc nghẽn”, PGS.TS. Trần Đình Thiên gợi mở.
Thứ hai, ủng hộ việc giữ lại phương pháp thặng dư để định giá đất. Tư duy định giá theo phương pháp thặng dư là logic của nền kinh tế thị trường, đi liền với thuế đất để bảo đảm rằng tình trạng đầu cơ phải được xử lý.
Thứ ba, về thủ tục triển khai các dự án, dự án nào nằm trong quy hoạch thì không cần phải qua các bước xin chủ trương, quy chế triển khai, xin cấp phép bởi vì quy hoạch là Nhà nước cho phép rồi, nếu không sẽ mất vài ba năm quy trình.
Đối với dự án mắc một phần mà lại ngưng toàn bộ dự án là lãng phí cực kỳ lớn, khiến nhiều dự án tốt, nhiều doanh nghiệp tốt khổ sở về tiếp cận vốn. Đây cũng là một vấn đề mà Chính phủ cần tập trung tháo gỡ.
Thứ tư, về chính sách nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, PGS.TS. Trần Đình Thiên nêu 2 ý:
Một là nhu cầu của các địa phương về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là khác nhau; điều kiện, năng lực, áp lực thực thi chính sách ở các địa phương là khác nhau nên cần có chính sách để bảo đảm cho các địa phương có quyền chủ động chính sách nhiều hơn, không nên có chính sách giống nhau khiến các địa phương không có quyền chủ động.
“Hai là thời điểm hiện nay, liệu chúng ta làm nhà ở xã hội theo nghĩa thương mại thì có cần một gói kích cầu như trước đây không? Đây cũng là một giải pháp khác thường, nếu không như vậy thì sẽ không xử lý được vì ai sẽ mua khi thu nhập của người lao động hiện nay đang suy giảm?”, ông Thiên đặt vấn đề.
Cuối cùng, trong lúc khó khăn như thế này, doanh nghiệp rất yếu, ngân sách đang khó, các ngân hàng cũng gay go, để bảo đảm điều kiện doanh nghiệp, cả về phía cung lẫn cầu thì nên có những quỹ bảo lãnh cho vay do Nhà nước đưa ra bảo lãnh cho tín dụng, nếu không khó lòng bảo đảm rủi ro cho ngân hàng. Thị trường đang cần Nhà nước tung ra những hỗ trợ mạnh hơn để vực dậy thị trường bất động sản.
PGS.TS. Trần Đình Thiên tin tưởng, thông qua những Hội nghị như thế này sẽ tạo ra cảm hứng mạnh, tạo ra lòng tin mạnh cho xã hội, nhờ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khiến 2 bên cung cầu gặp nhau và sẽ tạo ra kết quả tích cực./.