Ông Phúc cho hay: “Khi làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, tôi đã gặp trường hợp doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn. Chúng tôi đã phải gặp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các cơ quan liên quan để bàn mới giải quyết được vấn đề. Do đó, những kiến nghị hay sửa đổi Nghị định 20 cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các hiệp hội. Thực tiễn đang xảy ra việc ban hành những văn bản tương tự như thế này. Nghị định của Chính phủ mà sai thì tự Chính phủ phải dừng lại, hoặc tự mình sửa”.
Ông Phúc cũng tán thành với ý kiến các chuyên gia là hiện tại cần tập trinh tìm giải pháp kiến nghị. Ông mong Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các chuyên gia, doanh nghiệp cùng phối hợp tìm ra hướng tốt nhất. Theo đó, ông đưa ra 3 ý kiến:
Thứ nhất, nghị định này là trái với quy định của hiến pháp, toàn bộ hoặc một phần, nếu đã là trái thì kể cả luật hay nghị định cũng vậy. Và nếu trái thì chắc chắn là phải bãi bỏ hoặc làm một văn bản khác để có căn cứ. Bãi bỏ theo quy định của luật thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoăc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Đây là vấn đề thượng tôn hiến pháp theo luật.
Ông Phúc cho hay: “Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật. Tôi cho rằng, nếu Quốc hội ban hành một luật trái với hiến pháp hay Chính phủ ban hành nghị định trái với luật, rồi các bộ ban hành thông tư trái với nghị định thì hệ thống pháp luật của chúng ta sẽ như thế nào? Tính thượng tôn pháp luật như thế nào?”.
Điểm thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, như các chuyên gia đã nói mục đích ban đầu của Nghị định 20 là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và áp dụng với các giao dịch liên kết và theo như thông lệ quốc tế là xuyên biên giới. Rõ ràng chúng ta cần xem lại, và khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng.
“Tôi ủng hộ ý kiến của một số chuyên gia là phải chăng chúng ta phải nghiên cứu áp dụng Nghị định 20 với các giao dịch xuyên biên giới. Và ta cần hiểu cơ chế xử phạt như thế nào? Tại sao các nước phải ban hành luật để chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài? Tôi cũng đặt câu hỏi, tại sao rất nhiều người giỏi trong lĩnh vực thuế, hiểu rất rõ cơ chế chuyển giá... mà vẫn ban hành ra văn bản, nghị định như thế này?”
Thứ ba là cần bàn về tính hợp lý, phạm vi, áp dụng cho đối tượng nào của Nghị định. Về cách làm, tôi cho rằng, Nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách... cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã từng ngồi lại với doanh nghiệp để cùng tháo gỡ các vướng mắc, tôi cho rằng nếu chúng ta cứ đi cơ chế lòng vòng mãi như này sẽ dẫn đến bất cập, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Rõ ràng, trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường”, ông Phúc chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh cho hay: "Mục tiêu chuyển thu nhập thuế từ quốc gia có suất thu nhập thuế cao sang thấp. Còn trong nội địa Việt Nam thì thuế suất như nhau, tôi đề nghị Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam. Chúng ta thấy rằng rất nhiều nước chưa áp dụng, nhất là những nước nghèo như Việt Nam. Còn tỷ lệ là 20% thấp hay cao, tôi nghĩ cần xem lại tỷ lệ cho hợp lý. Tóm lại, với Nghị định 20, tôi thấy chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối".
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định: "Đây là một bài học đắt giá với Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ. Đây cũng là bất cập rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập, minh bạch hơn. Về thông lệ quốc tế, chúng ta phải hiểu thông lệ quốc tế là cái không bắt buộc, là cái khuyến khích, tuy nhiên, áp dụng như thế nào là tùy, trong OECD có nước áp dụng có nước không, và các nước áp dụng là khác nhau. Tinh thần hội nhập là cố gắng áp dụng thông lệ quốc tế nhưng cơ bản là tính tự nguyện. Đây là câu chuyện của chính chúng ta".
Ông Thành cho hay, mục đích của Nghị định này, có 3 mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách "chơi", cách phát triển để thị trường minh bạch hơn. Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được. Nghị định đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ khó lớn lên.
"Vấn đề rất quan trọng là khuyến khích đổi mới sáng tạo. Kiến nghị của tôi là cần có thời gian khoảng một năm là tốt nhất để nghiên cứu, sửa đổi", ông Thành nhấn mạnh.