Báo cháy bằng... điện thoại
Trong một cuộc hội thảo mới đây, ông Yoon Young Kim, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam, Campuchia và Myanmar nhận định, công nghệ luôn có khuynh hướng ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến cuộc sống người dân nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Hiện nay, việc sử dụng điện thoại thông minh đã quá phổ biến. Con người giờ đây sử dụng điện thoại để giải trí, đưa ra các quyết định quan trọng, cũng như kết nối trong môi trường Internet.
Ông Kim nhận định với sự hỗ trợ của công nghệ, việc chọn lọc, sắp xếp hồ sơ sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng với khoảng 600.000 hồ sơ được thực hiện so với con số 3.000 hồ sơ/ngày nếu một người bình thường thực hiện. Nghĩa là, công nghệ sẽ hỗ trợ làm việc nhanh gấp 200 lần so với một người bình thường.
Chính sự thay đổi này, theo lãnh đạo Schneider Electric, sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ở trong thời đại của kỹ thuật số
Theo công bố danh sách Fortune 500, nhiều doanh nghiệp đã có những bước đột phá về công nghệ, mang lại nhiều đổi mới cho cả công ty và từng nhân sự. Đến năm 2025, tổng số thiết bị kết nối Internet nhiều gấp 10 lần dân số toàn thế giới với khoảng 70-80 tỷ thiết bị.
Ông Kim nhận định, xu hướng toàn cầu trong thị trường thiết bị điện dân dụng sẽ là IoT và số hoá.
Quy mô thị trường nhà thông minh sẽ đạt gần 53,45 tỷ USD vào năm 2022. Khoảng 82% nhân viên và tổ chức môi giới bất động sản nghĩ rằng nhà thông minh hỗ trợ họ bán bất động sản dễ dàng hơn.
Theo ông Kim, Việt Nam 10 năm trước chỉ tập trung các sản phẩm biệt thự sử dụng các thiết bị dùng dây cáp kết nối, màn hình cảm biến cố định và điều khiển từ xa cầm tay. Nhưng đến nay, các biệt thự và căn hộ cao cấp đã dùng công nghệ mới như Zigbee Wireless, máy tính bảng, điện thoại thông minh, điều khiển giọng nói.
Ông Kim dự báo, chỉ 2 - 3 năm sau, sẽ có thêm hàng ngàn căn hộ thông minh tại TP.HCM của các thương hiệu bất động sản lớn như Vinhomes hoặc Sơn Kim Land và Novaland...
“Các nhà đầu tư và phát triển các dự án bất động sản cần biết đến yêu cầu của các căn hộ thông minh này. Các nền tảng được sử dụng tại các toà nhà sẽ là một nền tảng mở thay vì đóng như trước đây”, ông Kim khuyến cáo.
Bên cạnh tập trung phát triển từng căn hộ thông minh, lãnh đạo Schneider Electric còn nhấn mạnh tầm quan trọng của một cộng đồng thông minh với việc số hóa trong quản lý chung cư/ tòa nhà với ứng dụng trên smartphone tùy chỉnh cho từng dự án.
Những điều cần được quản lý một cách thông minh trong một cộng đồng thông minh bao gồm: Thông tin dân cư; thông tin hóa đơn điện, nước, dịch vụ hàng tháng; phản hồi của dân cư về cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ; đặt lịch sử dụng cơ sở vật chất của tòa nhà; yêu cầu bảo trì các thiết bị trong căn hộ; tích hợp hệ thống quản lý đậu xe thông minh; hệ thống báo cháy thông qua điện thoại...
Tiết kiệm năng lượng cũng bằng... Smartphone
Ông Kim khẳng định về xu hướng đô thị hóa với ngày càng nhiều thành phố. Vào năm 2050, dân số các đô thị tăng thêm 2,5 tỷ người. Đô thị hoá sẽ luôn tiếp diễn và tăng trưởng.
“Lúc này, cần phải quản lý được việc tiêu thụ năng lượng hiệu quả nhất bằng việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, đảm bảo các tiện ích cho người dân, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tuân thủ các tiêu chuẩn”, ông Kim nói.
Theo đó, các tòa nhà được đánh giá là nền tảng của một thành phố và cần được vận hành một cách bền vững vì một thế giới xanh hơn.
Ông Kim dẫn số liệu, vào năm 2035, lượng tiêu thụ điện sẽ tăng thêm 60% so với năm 2017, trong đó, 60% lượng tiêu thụ điện là tại các toà nhà. Như vậy, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có nguồn năng lượng hạn chế và đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác.
“Vì vậy, việc có một nguồn năng lượng bền vững rất quan trọng. Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và chính quyền. Để quản lý năng lượng hiệu quả, việc áp dụng công nghệ sẽ trở nên cần thiết”, ông Kim khẳng định.
Đánh giá về các giá trị mà hệ thống quản lý tòa nhà thông minh có thể mang lại, ông Kim cho rằng hệ thống này có khả năng tối ưu hiệu quả vận hành và tiết kiệm năng lượng; tạo môi trường sống và làm việc thoải mái và năng suất hơn; đồng thời tăng giá trị của tòa nhà.
Chia sẻ kinh nghiệm của Schneider Electric trong việc cung cấp giải pháp tin cậy cho hệ thống quản lý toà nhà thông minh, ông Kim cho biết Schneider Electric đã ứng dụng nền tảng IoT trong toà nhà cho hơn 1 triệu toà nhà trên toàn cầu.
Công ty này được xếp hạng 1 theo bảng xếp hạng nghiên cứu thị trường Navigant về hệ thống quản lý năng lượng cho tòa nhà năm 2016 và hạng 1 theo Green Quadrant về phần mềm quản lý năng lượng tòa nhà vào năm 2015.
Một ví dụ điển hình là Tòa nhà năng lượng Dương ứng dụng giải pháp Exostructure của Schneider Electric với 3 tầng. Tầng 1 có các thiết bị cứng kết nối với nhau, tầng 2 là tầng điều khiển với các trung tâm điều khiển và tiếp đến là các phần mềm phân tích dữ liệu lớn. Toà nhà này có thể tự cung tự cấp, sử dụng năng lượng mặt trời. Hệ thống năng lượng mặt trời tạo ra 102% tổng năng lượng sử dụng trong tòa nhà.
Từ những toà nhà thông minh đến thành phố thông minh, ông Kim nhận định có nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết, bao gồm: tính bền vững, chất lượng cơ sở hạ tầng, đầu tư và tài trợ, chất lượng môi trường, năng lực cạnh tranh/ việc làm, số hóa dịch vụ công.
Chính vì vậy, ông Kim cho rằng không có một đáp án duy nhất nào cho thành phố thông minh và cần kết hợp những giải pháp riêng cho từng hạng mục khác nhau của một thành phố thông minh.
Nói về năng lượng tái tạo, ông Kim cho biết Schneider Electric tập trung vào các trung tâm năng lượng, lưới điện thông minh và các yếu tố tích hợp các nguồn năng lượng khác nhau vào một lưới điện.
Bên cạnh năng lượng điện, việc quản lý nguồn nước trong các toà nhà cũng được nhấn mạnh vì hiện nay, các toà nhà đang bị thất thoát khoảng 25-30% nước.
Một ví dụ điển hình cho thành phố thông minh được ông Kim chỉ ra là Sydney với tất cả các bộ phận như tàu điện, hệ thống nước… đều được áp dụng các thiết bị thông minh, quản lý năng lượng và vận hành hiệu quả.
Một ví dụ khác được xây mới hoàn toàn từ đất đá ở bên Ấn Độ là Naya Raipur, có thẻ ứng dụng exostructure với hàng trăm ngàn thiết bị được kết nối.
Khi phát triển các ứng dụng này, ông Kim cho biết Schneider Electric luôn hợp tác với một đối tác địa phương, chẳng hạn FPT, làm việc với các tập đoàn bất động sản khi phát triển nhà thông minh.