Aa

Phần cuối: Những chuyện nhặt dọc đường ở Pakistan

Thứ Ba, 11/06/2019 - 06:00

Bà cười và nói: "Ông chọn cách nào?". Tôi nói nhỏ: "Tôi chọn cách thứ hai: Cầm tay một phụ nữ đẹp". Rồi chúng tôi bắt tay nhau, nhưng cả hai đều đỏ mặt...

1) Nhà báo Như Phong không thể chịu nổi khi đêm đầu tiên ở Lahore thấy trên truyền hình chiếu phim sex. Tất nhiên không phải là sex 100%. Nhưng vì đây là một nước đạo Hồi cho nên đó là việc lạ. Bên cạnh kênh phim bạo lực, kinh dị, sex là một kênh chỉ để giảng Kinh Koran 24/24. Tại các nước đạo Hồi, việc mua bán dâm bị kiểm soát gắt gao bởi chính quyền nhưng quan trọng hơn là bởi chính người dân đạo Hồi. Tuy vậy, ở vườn hoa thủ đô Islamabad buổi tối vẫn có những cô gái trùm khăn kín mặt đứng trong bóng tối và chỉ mở ra cho khách làng chơi xem mà thôi.

2) Khi chúng tôi nói với những người đàn ông Pakistan rằng họ thật sung sướng vì được lấy những bốn vợ thì tất cả đều kêu lên rằng đấy chính là cách mà Thánh Ala trừng phạt họ. Tình hình kinh tế của Pakistan rất khó khăn, thế mà những người đàn ông ở đây thường có hai vợ và bảy, tám đứa con thì việc kiếm tiền đối với họ quả là một việc quá sức. Hơn nữa, phụ nữ Trung Á tuy rất kín đáo trước đám đông nhưng lại là những người có khả năng tình dục rất mạnh. Có lẽ vì thế mà những người đàn ông Pakistan thường gầy quắt, còn đàn bà thì to béo phi thường. Người bị Thánh Ala trừng phạt nặng nhất là Bin Laden. Ông ta có bốn vợ và 15 đứa con cùng một số người tình và những đứa con ngoài giá thú khác.

3) Người hồi giáo Pakistan có cách bán ngô luộc rất đặc biệt. Khác với những người bán ngô luộc ở Việt Nam là để ngô trong xoong trên một cái bếp than giữ nóng ngô thì người hồi giáo Pakistan lại vùi ngô vừa vớt trong xoong ra vào trong một chiếc thùng xe đầy cát. Cát cùng với cái nóng ở xứ sở này đã giữ ngô luộc nóng rất lâu mà lại khô ráo.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trước của Sứ quán Taliban tại Islamabas, Pakistan

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trước cửa Sứ quán Taliban tại Islamabab, Pakistan

4) Thịt cừu là món ăn truyền thống ở Pakistan. Đâu đâu cũng thấy bán thịt cừu. Tại khách sạn tôi ở cũng thường xuyên có món cơm nấu với thịt cừu và hành tây. Có một lần tôi gọi món thịt cừu nướng. Nhưng chờ mãi không thấy người hầu bàn mang ra món thịt cừu mà chỉ thấy mang ra hai cốc nước chanh. Tôi nói với anh ta là tôi gọi thịt cừu chứ không phải gọi nước chanh. Và hôm sau tôi gọi nước chanh và nhấn mạnh rằng nước chanh chứ không phải thịt cừu thì người hầu bàn lại mang ra hai xiên thịt cừu nướng. Nhà báo Như Phong chứng kiến chuyện này cười rũ rượi và ghi ngay vào nhật ký. Tôi nói với nhà báo Như Phong rằng, đến lúc này tôi không biết tiếng Anh của người hầu bàn quá kém hay là tiếng Anh của tôi quá kém.

 5) Chúng tôi phải trả 70 USD mỗi ngày để thuê một chiếc xe hơi xấu xí. Thêm vào nữa, chúng tôi hầu như ngày nào cũng trả tiền ăn trưa và tối cho người lái xe. Vì chúng tôi cũng không biết được các điểm ăn uống trong thành phố mà phải nhờ ông đưa đi. Chẳng lẽ mình ngồi ăn mà để người ta ngồi chầu chực à. Thấy chiếc xe của chúng tôi xấu hơn những chiếc xe của các hãng CNN, BBC (lẽ đương nhiên) người lái xe bèn nói với chúng tôi rằng chiếc xe của ông ta không đẹp lắm nhưng có biển đặc biệt của nhà nước vì thế cảnh sát không hỏi. Quả là đúng như thế thật. Tìm hiểu ra mới biết công ty du lịch mà chúng tôi thuê đã không còn một chiếc xe nào. Chính vì thế mà họ huy động cả phương tiện của một số cơ quan nhà nước làm dịch vụ.

6) Trước khi dời Hà Nội đi Pakistan, một người bạn của tôi dặn đi dặn lại là không được bắt tay những phụ nữ Hồi giáo vì đấy là điều cấm kị. Đến Pakistan, tôi luôn luôn nhớ lời dặn của người bạn ở Hà Nội. Nhưng trong buổi họp báo của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan, một trong những người lãnh đạo tổ chức này là một phụ nữ đẹp đã chìa tay ra bắt tay tôi khi tôi đưa số tiền của Báo An ninh Thế giới để gửi cho trẻ em tị nạn Afghanistan sau khi cuộc họp báo kết thúc. Tôi hơi rụt tay lại và hỏi: "Tôi có được chạm vào một người phụ nữ Hồi giáo không?". Chị ta nói: "Được chứ". Tôi lại hỏi: "Vậy tôi bắt tay một chính khách hay cầm tay một phụ nữ đẹp?". Bà cười và nói: "Ông chọn cách nào?". Tôi nói nhỏ: "Tôi chọn cách thứ hai: Cầm tay một phụ nữ đẹp". Rồi chúng tôi bắt tay nhau, nhưng cả hai đều đỏ mặt.

7) Người quản lý Công ty du lịch ở Islamabad kể với chúng tôi rằng: Có một khách sạn nhỏ nhưng trong thời gian này chật ních các nhà báo nước ngoài. Vì quá ít người phục vụ nên việc kiểm soát ăn uống của các nhân viên hầu bàn trở nên lúng túng. Họ không thể biết ai đã trả tiền ăn và ai chưa. Cuối cùng họ nghĩ ra một kế là ngoắc vào cổ tay khách ăn một cái phiếu giống phiếu hàng hoá ở sân bay có ghi chữ: "Chưa trả tiền". Và thế là cả phòng ăn nhìn các nhà báo như là những bệnh nhân tâm thần. Khi nhà báo nào trả tiền rồi thì được tháo phiếu ra. Các nhà báo nhìn nhau vừa giận vừa cười chảy nước mắt. Họ đã kiến nghị lên Giám đốc khách sạn và kiểu quản lý khách ăn này phải hủy bỏ. Nghe nói có nhà báo phương Tây đã viết về chuyện khôi hài này.

8) Nhiều lúc tôi nghĩ nếu cho tôi làm Đại sứ ở một nước nào đó thì tôi cũng xin chịu vì những thói quen ăn uống cố hữu của mình. Mặc dù Báo An ninh Thế giới chuẩn bị tiền nong cho chuyến đi của chúng tôi quá chu đáo, tôi vẫn mang theo một thùng mì tôm để phòng khi làm việc khuya đói thì có cái cầm hơi. Hơn nữa khẩu vị của tôi đã quá quen với những món ăn nhiều nước và gia vị. Một hôm, nhà báo Như Phong phát hiện ra một cây húng quế cổ thụ trong vườn cây cảnh của khách sạn. Và thế là món mì tôm trở nên hấp dẫn hơn khi ăn kèm rau húng quế. Trước khi định ăn mì tôm, tôi lang thang trong vườn cây cảnh như người đi dạo và bẻ một cành húng quế bỏ vào túi cho bữa ăn của mình. Nếu tôi ở đây thêm một tháng thì chắc chắn cây húng quế sẽ biến mất khỏi khu vườn...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top