Trong 5 năm qua, thị trường bất động sản nhìn tổng thể đã có sự thay đổi rất rõ rệt về cả thị trường và các thành phần tham gia. Về phía các nhà phát triển, giai đoạn 2 năm gần đây hầu hết các chủ đầu tư đều gặp khó khăn trong triển khai dự án chủ yếu do vướng mắc liên quan tới các thủ tục pháp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung (đặc biệt phân khúc để ở) và mặt bằng giá.
Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã buộc các nhà phát triển phải thay đổi chiến lược nhằm khắc phục, thích ứng để tồn tại, bảo toàn nguồn lực cũng như tìm cơ hội phát triển cho riêng mình.
Điển hình, một số doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới ngoài Hà Nội, TP.HCM. Có thể nhận ra hiệu ứng của chiến lược trên thông qua thực tế thị trường các tỉnh lân cận 2 thành phố lớn này đang nóng lên gần đây, trong nhiều thời điểm, hàng bán chủ yếu của nhiều sàn giao dịch đến từ khu vực này. Ở khu vực phía Bắc, là các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh. Tại phía Nam, sức nóng cũng lên cao ở các địa bàn cửa ngõ TP.HCM như Long An, Đồng Nai...
Một điểm chung, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh bắt tay vào đầu tư. Có thể kể đến Novaland, Hưng Thịnh, Hưng Lộc Phát, TMS Group, Hải Phát, Sunshine, Đất Xanh... Đồng thời, tư duy đầu tư của một số chủ đầu tư đã chuyển hướng tập trung vào tiện ích, dịch vụ, cảnh quan, các hoạt động giải trí hàng cuối tuần, đêm, xây dựng khu đô thị như một điểm đến “check-in” như Ecopark, Danko City Thái Nguyên...
Về thị trường, mặt bằng giá vẫn tiếp tục neo cao bất chấp nhiều khó khăn. Thậm chí mặt bằng giá ở nhiều phân khúc còn tăng và tăng cao như biệt thự/nhà phố, đất nền, nghỉ dưỡng, căn hộ. Đặc biệt, xuất hiện những sản phẩm giá triệu USD nhưng lại cháy hàng như các biệt thự của Ecopark, Flamingo, Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh...
Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, đang xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu, đặc biệt sản phẩm phân khúc để ở, có giá trị phù hợp với đại đa số người dân lao động đang rất thưa vắng so với phần còn lại.
Cơ cấu nguồn cung phân khúc nhà ở cũng có sự thay đổi, không tương thích với nhu cầu. Điển hình tại TP.HCM, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã biến mất, còn tại Hà Nội tỷ trọng của phân khúc này cũng không đáng kể. Vì vậy, những người có thu nhập thấp như cán bộ, công nhân viên, người lao động đang mất dần khả năng sở hữu nhà.
Bên cạnh đó, nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh lực cầu tăng cao khiến giá căn hộ có nhiều biến động. Đặc biệt, tại TP.HCM, thời gian qua giá nhà ở tăng cao bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Điều này ẩn chứa bất thường, tạo nên cơn sốt cho thị trường khu vực và nguy cơ cao xảy ra bong bóng bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững…
Chia sẻ thêm về sự kiện, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, là trung tâm kinh tế lớn và là thành phố đông dân cư nhất cả nước, TP.HCM đang đứng trước một thực tế là nhu cầu mua nhà ở cao nhưng lượng cung ngày càng nhỏ giọt.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP.HCM đạt 19,9 m2, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.
Do đó, Hội thảo sẽ tập trung xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở, từ đó kiến nghị tới cơ quan chức năng để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư… là những yêu cầu lớn đặt ra cho các đô thị lớn như TP.HCM.
Để cung cấp góc nhìn toàn cảnh về thực trạng phát triển nhà ở, làm rõ nguyên nhân dẫn đến những vấn đề nêu trên cũng như tìm kiếm giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm phát triển thị trường bất động sản ổn định và bền vững, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo: “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025: Phân khúc nào phù hợp?”.
Chương trình sẽ diễn ra vào ngày 24/12, tại Trung tâm Hội nghị 272, TP.HCM, với sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở ban ngành liên quan, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về kinh tế, tài chính, bất động sản. cùng hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, các nhà môi giới, nhà đầu tư bất động sản, các cơ quan Thông tấn báo chí, Đài truyền hình trung ương và địa phương.