Aa

Bài 1: “Phấp phỏng” những ngôi làng ven biển miền Trung

Thứ Tư, 27/01/2021 - 06:30

Bờ biển miền Trung dài hàng trăm ki-lô-mét kéo dài từ Quảng Trị đến Quảng Nam đã và đang bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Chính quyền các địa phương đã dành kinh phí đáng kể để gia cố...

Lời tòa soạn:

Sau những lần thiên tai dồn dập xảy ra vào quý IV/2020 cùng với vô vàn thiệt hại, tình hình xói lở bờ biển ở miền Trung trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Hai trong số những địa phương đang phải gánh chịu tình trạng đó là Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Cùng với vấn nạn xói lở bờ biển ngày càng hiểm nguy, nhiều gia đình người dân sinh sống ở ven biển miền Trung “đứng ngồi không yên”, trong khi đó nguồn vốn cần đầu tư để cải thiện tình trạng này là quá lớn, vượt quá khả năng của tỉnh.

Phóng viên Reatimes trở lại hai vùng đất này để lắng nghe những nguyện vọng từ người dân và chính quyền.

Người dân vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đứng ngồi không yên trước nạn xâm thực, xói lở bờ biển ngày một khốc liệt (Ảnh: Đ.H)

Phú Thuận, thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) những năm qua vốn là một trong những vùng trọng yếu của nạn xói lở, xâm thực bờ biển ở tỉnh này.

Ứng phó xói lở như “xung trận”

Năm 2013, hơn 100 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước đã được đầu tư để chống xói lở, bảo vệ bờ biển trên chiều dài gần 830m tại khu vực thôn An Dương, xã Phú Thuận. Công trình này vừa nhằm bảo vệ khu dân cư tập trung cho khoảng 900 hộ dân với khoảng 4.500 nhân khẩu và khoảng 10ha diện tích đất trồng rừng phòng hộ ven biển, vừa góp phần giữ vững ổn định lâu dài vùng đầm phá Tam Giang.

Như bao người khác trong ngôi làng đang bị sóng biển đe dọa; đất đai, cây cối, vườn tược, nhà cửa có nguy cơ bị xâm thực, lão ngư Ngô Đức Trật (thôn An Dương 1, xã Phú Thuận) nói rằng vấn nạn xâm thực, xói lở bờ biển ngày một nặng. Đặc biệt là những đận thiên tai liên tiếp, dồn dập hồi cuối năm 2020 đã khiến tình trạng xói lở bờ biển quê ông nặng nề hơn bao giờ hết. Những hàng phi lao chống cát bay cát lấp, là tấm lá chắn kiên cố bảo vệ dân làng, “hiên ngang” là vậy mà bỗng chốc bị sóng biển quật đổ ngả nghiêng.

“Tình hình như thế này đặt bà con chúng tôi vào cảnh nguy nan. Tương lai không biết như thế nào nữa”, ông Trật lo lắng. Một người dân khác ở thôn Hòa Duân, nơi mà tình trạng xói lở xâm thực biển đã cận kề đến nhiều gia đình nói rằng, mùa mưa bão vừa qua, nhiều thời điểm bà con, cán bộ trong xã chung sức gia cố đê bao, ứng phó với xói lở, tinh thần chẳng khác nào như cùng nhau “xung trận”.

Có những thời điểm năm 2020, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) phải huy động 10.000 người để gia cố, ứng phó với nạn xói lở, sạt lở bờ biển. (Ảnh: Đ.H)

Trao đổi với Reatimes, ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, tình hình sạt lở bờ biển xảy ra trong suốt chiều dài hơn 5,2km toàn xã. Mùa mưa bão mới đây có thời điểm xã huy động 10.000 người cùng với 65.000 bao tải cát, dùng cọc để gia cố đê bao bờ biển nhằm ứng phó xói lở. Cùng với sức người sức của được huy động, năm 2014, một công trình gần 830m kè chống xâm thực bờ biển khu vực thôn An Dương cũng được đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia, còn hiện nay có khoảng 330m đang tiếp tục được thi công gia cố. Như vậy cả hai giai đoạn, Phú Thuận cũng chỉ mới có khoảng 1,1km được gia cố, xây kè; còn hơn 4,4km bờ biển của xã bị sạt lở, xâm thực nhưng vẫn chưa được làm kè khiến mối nguy nan luôn hiện hữu. Vị lãnh đạo xã này cho hay, có khoảng 96 hộ dân trên địa bàn của xã nằm trong vùng xung yếu buộc phải sơ tán khi mưa bão dữ dội.

Trong số đó, 21 hộ ở thôn Hòa Duân đã và đang bị uy hiếp khi mà sạt lở bờ biển đã xâm nhập sâu gần đến nhà dân. Hiện nhiều nhà người dân chỉ còn cách điểm sạt lở khoảng 50m, thậm chí gần hơn nên nhu cầu được tái định cư và đi khỏi vùng sạt lở trở nên cấp thiết.

“Về lâu dài, để ổn định, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị với cấp trên là hỗ trợ xây dựng kè chống xói lở trên khoảng 5,2km toàn xã chứ các giải pháp khác cũng chỉ ứng phó tạm thời. Trước mắt, chúng tôi mong muốn những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm sẽ được tái định cư trước mùa bão lũ năm 2021. Chúng tôi cũng vận động bà con chuẩn bị tư tưởng khi có điều kiện thì di dân tái định cư đến nơi an toàn”, ông Tùy chia sẻ.

Cần nguồn lực đầu tư đồng bộ, bền vững

Như Reatimes mới đây đã đưa tin, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định điều chỉnh quy hoạch tuyến đường bộ ven biển với việc xây dựng tuyến đường ven biển từ Bắc tỉnh đến Nam tỉnh trải dài trên 127km; tổng kinh phí để thực hiện cho dự án này dự kiến hơn 6.500 tỷ đồng. Những mục tiêu đặt ra khi hình thành tuyến đường ven biển này không chỉ là ý nghĩa về quốc phòng, an ninh, giao thông mà còn nhằm thu hút đầu tư, phát triển các địa phương ven biển, trong đó bao gồm cả việc làm tăng giá trị bất động sản, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản ở những vùng ven biển. Thế nhưng vấn nạn xói lở, xâm thực bờ biển ngày một sâu và dài như hiện nay cũng đã đặt ra nhiều thách thức, bất lợi trong chiến lược phát triển của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ (đứng giữa) kiểm tra sạt lở bờ biển. (Ảnh: Đ.H)

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có chiều dài bờ biển khoảng 127km thì đến thời điểm này, gần 100km trải qua 21 xã trên 4 huyện, thị xã hầu như nơi nào cũng xảy ra xói lở. Trong số đó, chiều dài bờ biển bị xói lở nặng khoảng 20km cần nguồn lực đầu tư bền vững.

Xói lở xảy ra “trên từng cây số” ven biển, trong đó khu vực sạt lở nặng xảy ra ở các xã như Phong Hải (huyện Phong Điền), Hải Dương (TX. Hương Trà); các xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang); xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc)… Hiện có khoảng 500 - 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng với những mức độ khác nhau do nạn xói lở, sạt lở, xâm thực bờ biển.

Tại xã Giang Hải, một trong những địa phương đang xảy ra tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển nặng nề, hiện các đơn vị liên quan vẫn đang tiếp tục khắc phục, gia cố đê kè bảo vệ bờ biển với những hạng mục đang xây dựng nhưng lại bị sóng bão tàn phá vào cuối năm 2020.

Trước đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư dự án xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp bờ biển đoạn Thuận An - Tư Hiền dài hơn 3km với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó có tuyến đê kè dài 2,52km chống sạt lở ở xã Giang Hải.

Mục tiêu tổng thể dự án này nhằm bảo vệ trực tiếp khu dân cư của 5 xã vùng bãi ngang ven biển với khoảng 1.316 hộ, gần 5.753 nhân khẩu, hơn 450ha đất sản xuất lúa 2 vụ, 85ha nuôi trồng thủy sản và 14ha đất rừng phòng hộ ven biển; giữ vững nguồn sinh kế giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất…Thế nhưng sau những trận bão lũ liên tiếp năm 2020, nhiều đoạn của công trình này thi công còn chưa nghiệm thu thì bị sóng biển và nạn xói lở tàn phá.

Miếu thờ Cá Ngài (Cá Ông) ở làng An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) mấp mé vị trí bờ biển bị sạt lở (Ảnh: Đ.H)

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết thêm, ngoài triển khai các giải pháp trồng cây ngập mặn ven phá, cây chắn sóng ven biển, đầu tư xây dựng hệ thống kè, đê biển được xem là giải pháp tối ưu, có tính bền vững trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và hiện tượng thiên tai “dị thường” thời gian gần đây. Tuy nhiên để làm được điều đó, cần một nguồn lực tài chính rất lớn. Nếu tính cứ 1km kè cần 100 tỷ đồng để xây dựng thì với 20km bờ biển của tỉnh bị xói lở nặng hiện nay thì số tiền cần huy động là rất lớn.

Ông Hùng cho hay, do tình hình khó khăn chung trên cả nước, nhất là nhiều tỉnh, thành miền Trung vừa trải qua dịch bệnh, thiên tai dồn dập nên việc xử lý rốt ráo các vùng xói lở xâm thực hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 600 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp những khu vực xói lở được ưu tiên đầu tư xử lý trước. Ngoài một phần kinh phí tự chủ, thông qua Chính phủ Việt Nam, hiện Thừa Thiên Huế đã và đang đề xuất Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xem xét hỗ trợ nguồn vốn để khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu, trong đó có vấn nạn xói lở, xâm thực bờ biển ở tỉnh này./.

Đón đọc Bài 2: Quảng Trị, Quảng Bình “gồng mình” ứng phó với xói lở

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top