Aa

Phát hành cổ phiếu làm dự án, doanh nghiệp cần niềm tin của cổ đông

Thứ Tư, 29/03/2017 - 19:00

Doanh nghiệp BĐS phát hành cổ phiếu làm dự án mới, cổ đông sẽ phải chờ đợi trong suốt thời gian thi công. Đến khi dự án được bán cho khách hàng, cổ đông mới được lợi đủ đường: cổ tức cao, giá cổ phiếu tăng mạnh...

Khi dòng tiền chảy từ ngân hàng bị siết chặt lại, các doanh nghiệp BĐS sẽ nghĩ “trăm phương nghìn kế” để xoay sở vốn. Bởi vậy, trào lưu lên sàn gọi vốn của doanh nghiệp ngành này đã được các chuyên gia kinh tế dự báo trước. Ngay từ cuối năm ngoái, không ít doanh nghiệp lớn nhỏ đã đưa cổ phiếu lên sàn và cũng được nhiều nhà đầu tư “chào đón”.

Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp BĐS – xây dựng xin ý kiến cổ đông phát hành thêm cổ phiếu làm dự án mới. Đa phần phương án phát hành cổ phiếu tại các doanh nghiệp đưa ra được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Mới đây, CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã CTI) vừa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 với mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.426 tỷ đồng, tăng 38,8% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 145,6 tỷ đồng, tăng trưởng 28,8%. Riêng 3 dự bán BOT do các công ty con thực hiện dự kiến sẽ giúp CTI thu về gần 59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong đó, dự án BOT QL91 dự kiến mang về 178 tỷ đồng doanh thu thuần và 18,24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; dự án BOT QL1 dự kiến thu về 313 tỷ đồng doanh thu thuần và 39,65 tỷ đồng lợi nhuận và dự án BOT đường chuyên dùng dự kiến thu 10 tỷ đồng doanh thu và 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mức cổ tức năm 2017 được thông qua là 17%.

Đáng chú ý, trong năm nay, Hội đồng Quản trị CTI dự kiến sẽ triển khai 7 dự án lớn và một số dự án nhỏ lẻ với tổng mức đầu tư lên đến 2.616 tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch năm 2017, CTI dự kiến phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 630 tỷ đồng.Trong đó, CTI sẽ phát hành riêng lẻ 18 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá chào bán dự kiến thấp nhất 22.000 đồng/cổ phần. Dự kiến cổ đông hiện hữu VOF Investment Limited hoặc các công ty được quản lý bởi VinaCapital được mua dự kiến 2 triệu cổ phiếu, còn lại là phát hành cho các tổ chức và cá nhân khác. Ngoài ra, công ty cũng sẽ phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng số vốn huy động dự kiến thu được trong đợt phát hành khoảng 462 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư và cơ cấu nợ ngân hàng.

Không chỉ CTI, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) tới đây cũng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch phát hành gần 32 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1 nhằm huy động vốn cho hoạt động kinh doanh sắp tới cũng như nâng cao năng lực tài chính. Giá chào bán dự kiến bằng với mệnh giá, chưa bằng ½ giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2016 (giá trị sổ sách đạt 21.299 đồng/cổ phần). Ước tính NBB sẽ thu về khoảng gần 320 tỷ đồng nếu đợt phát hành thành công.

Các cổ đông của Công ty CP Vạn Phát Hưng (mã VPH) đã thông qua phương án sẽ phát hành thêm gần 23 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ thêm khoảng 226,8 tỷ đồng. Kế hoạch này gồm hai đợt: Đợt 1, phát hành khoảng 10,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1, giá phát hành 10,000 đồng/cp nhằm tăng thêm vốn chủ sở hữu. Sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ VPH tăng lên gần 636 tỷ đồng.

Số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khoảng 106 tỷ đồng dự kiến được sử dụng cho các mục đích đầu tư dự án Nhơn Đức mở rộng. Đồng thời, công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công và/hoặc đóng tiền sử dụng đất các dự án là 86 tỷ đồng, gồm: dự án Nhơn Đức mở rộng 30ha là 50 tỷ đồng, dự án Nhơn Đức 9.3ha là 30 tỷ đồng, dự án Chung cư Hoàng Quốc Việt: 6 tỷ đồng. Đầu tư liên danh dự án BT tại TP.HCM hoặc tái cơ cấu nợ: 30 tỷ đồng.

Số tiền tối thiểu cần thu được trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu là 60 tỷ đồng. Trong trường hợp Công ty không thu đủ số tiền tối thiểu như dự kiến, phương án thay thế là từ một phần tiền thu chuyển nhượng block 3,4,6 và block thương mại dự án La Casa hoặc tiền thu từ chuyển nhượng đất tại dự án Nhơn Đức hoặc huy động vốn từ nhà đầu tư bên ngoài hoặc/và vay vốn từ các ngân hàng.

Tiếp đó trong đợt 2, phát hành tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu khoảng 120,8 tỷ đồng với tỷ lệ 100:19 bằng hình thức chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và thưởng cổ phiếu 4% từ các nguồn vốn khác của Công ty. Tổng số lượng cổ phần dự kiến phát hành đợt 2 là hơn 12 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (mã DXG) vừa ký nghị quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ của Tập đoàn từ hơn 2.530 tỷ đồng lên gần 3.033 tỷ đồng.

Đợt tăng vốn lần này sẽ thực hiện theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1, DXG sẽ phát hành gần 33 triệu cổ phiếu để thanh toán cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 13%. Vốn điều lệ tăng thêm tương ứng khoảng 329 tỷ đồng. Ở giai đoạn 2, công ty tiếp tục phát hành hơn 14,3 triệu cổ phần tạm ứng cổ tức năm 2017 và 3 triệu cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên trong doanh nghiệp – ESOP. Tổng vốn điều lệ tương ứng tăng thêm sau giai đoạn này gần 173 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc doanh nghiệp địa ốc khai thác vốn trên sàn chứng khoán là một hướng đi đầy tiềm năng. Sàn chứng khoán như một "mỏ vàng" vốn, nếu doanh nghiệp làm ăn uy tín sẽ hút được dòng tiền tại đây một cách hiệu quả. Khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu làm dự án, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không chỉ cam kết với khách hàng mà phải cam kết với cổ đông về chất lượng và tiến độ dự án.

Đối với cổ đông, về bản chất việc phát hành cổ phiếu sẽ tăng số lượng cổ phần mà cổ đông nắm giữ. Mặt khác, khi doanh nghiệp có dự án nhưng thiếu vốn để làm thì không "đẻ ra" lợi nhuận, cổ đông không có cổ tức và giá cổ phiếu không tăng. Tất nhiên, với BĐS, trong 2 - 3 năm đầu làm dự án, chi phí tăng cao và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ có khả năng bị giảm sút. Do đó, nhà đầu tư và cổ đông cần có nhìn dài hạn để chờ “hái quả ngọt” khi dự án hoàn thiện và bán chạy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top