Aa

Phát hoảng vì ấu trùng “đào hầm” trong lòng bàn tay

Thứ Sáu, 21/09/2018 - 16:31

Chỉ sau một lần làm vườn không đeo găng tay, bà B.T.N phát hiện trong lòng bàn tay có nổi vệt lạ, di chuyển liên tục thành vệt như “đào hầm” dưới da.

 

 Bệnh nhân B.T.N trao đổi với TS Trần Huy Thọ về tình trạng ấu trùng di chuyển trên bàn tay (ảnh bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhân B.T.N trao đổi với TS Trần Huy Thọ về tình trạng ấu trùng di chuyển trên bàn tay (ảnh bệnh viện cung cấp).

Chạy hết 4 bệnh viện mới tìm ra bệnh

Bà B.T.N (54 tuổi, ở Lộc An, TP Nam Định) thường trở dậy làm vườn từ lúc sương sớm, tranh thủ thời gian trước lúc tới cơ quan làm việc. Cách đây khoảng 3 tuần, bà tiếp tục thói quen của mình. Vẫn như thường lệ, bà không đeo găng tay lao động.

Tuy nhiên, khi tới công sở, bà thấy ngứa râm ran trong lòng bàn tay, nốt ngứa bắt đầu từ dưới ngón tay cái. Không chịu được, bà gãi mạnh nên tạo thành vết đậm, thâm như dị ứng. Từ buổi chiều, bà thấy lạ khi cảm giác có vật bò dưới da, tạo thành vệt như “đào hầm” trong gan bàn tay, mỗi ngày vết này dài thêm 1cm.

Đi khám ở phòng khám gần nhà, nhân viên y tế ở đây kê cho bà thuốc bôi, uống, mỗi lần ngứa không chịu được, bà lại bôi thuốc. Kết quả, “đường hầm” không nới dài ra mà lại lùng nhùng tại chỗ, to ra, mưng mủ. Lo lắng, bà lên Bệnh viện tỉnh được kê kháng sinh, kháng viêm liều 8 ngày, vết đỏ dài lại ngoằn ngoèo, lan ra tiếp. Đi thêm 2 cơ sở y tế khác, bà mới tìm đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, gặp “đúng thầy, đúng thuốc” khi bác sĩ Khoa Khám bệnh chuyên ngành chẩn đoán bà bị ấu trùng di chuyển. Chỉ một liều thuốc, sáng hôm sau vào viện, vết ấu trùng cắt hẳn đường đi. Hai ngày sau, bà không còn bị ngứa, vết “đào hầm” bắt đầu se lại.

“Lúc đầu, tôi và gia đình nghĩ chỉ bị dị ứng thôi nên cứ uống thuốc kháng sinh, bôi thuốc, tôi không bao giờ nghĩ do ấu trùng giun đũa chó”, bà N nói.

Bà N là một trong số không ít bệnh nhân mắc ấu trùng di chuyển đang được điều trị tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương). TS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa cho biết, các bệnh nhân này đều bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da khi tiếp xúc với đất có ấu trùng và bị nó xâm nhập qua da. Những đường ngoằn ngoèo đó không phải là hình thù con ấu trùng mà là đường hầm do ấu trùng di chuyển tạo ra.

Anh N.V.T (ở Triều Khúc, Hà Nội) bỗng nhiên thấy cổ tay xuất hiện các đường gân lạ. Mỗi ngày đường gân ấy lại chạy một nơi, thay đổi chiều đi và hình dáng lúc thẳng lúc cong. Đặc biệt, “đường hầm lạ” khiến anh này ngứa ngáy khó chịu, gãi liên tục và có những đêm mất ngủ. Đi khám, bác sĩ kết luận anh bị nhiễm giun xoắn, một loại ấu trùng chui vào da qua vết thương hở. Tuy nhiên, anh này vẫn không hiểu nổi mình làm gì để ấu trùng này chui vào người được.

Không chỉ người lớn mới bị nhiễm ấu trùng di chuyển. Các bệnh viện nhi thường tiếp nhận lượng bệnh nhân nhỏ tuổi đến khám trong tình trạng bàn chân, lòng bàn chân có nhiều nốt đỏ to sần, dấu vết của ấu trùng di chuyển tạo ra những “đường hầm” dài ngoằn ngoèo màu hồng. Nhiều trường hợp do cha mẹ nhân dịp con nghỉ hè, gửi con về quê chơi, nghịch đất cát cho “dân giã”. Ai ngờ, con cũng bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da.

Bệnh ấu trùng da di chuyển là một bệnh nhiễm trùng da do ấu trùng giun móc từ mèo, chó và động vật khác. Khi chất thải của chó mèo ra ngoài môi trường thì ấu trùng vẫn không bị chết mà lan tỏa trong đất. Nếu gặp người có da tay, da chân bị thương, chúng sẽ tự chui vào. Ở một số trường hợp, ấu trùng có thể xâm nhập thông qua nang lông, vết nứt da hoặc thậm chí da còn nguyên vẹn.

Ai dễ có nguy cơ mắc ấu trùng di chuyển dưới da?

 Cận cảnh ấu trùng “đào hầm” dưới da bệnh nhân.

Cận cảnh ấu trùng “đào hầm” dưới da bệnh nhân.

Tất cả giới tính, lứa tuổi và chủng tộc có thể bị ảnh hưởng nếu họ tiếp xúc với ấu trùng qua chân trần khi đi bộ trên bãi cát hoặc tiếp xúc với đất bị ô nhiễm phân động vật. Nhóm có nguy cơ bao gồm những người có ngành nghề liên quan đến cơ hội tiếp xúc với đất cát ẩm ướt, bao gồm: Người đi chân trần thả lưới hay tắm nắng ở bãi biển, trẻ em chơi ở hố cát, nông dân, người làm vườn, thợ ống nước, thợ điện, thợ mộc hay người nuôi thú…

Các bác sĩ cho biết, khởi phát thường là sẩn đỏ có ngứa ở vị trí ấu trùng xâm nhập. Một vài ngày sau đó tổn thương trở nên ngứa dữ dội, xuất hiện ban màu đỏ nâu, vằn vèo, lượn sóng, nổi gờ nhẹ tương ứng với đường di chuyển của ấu trùng. Tổn thương này thường xuất hiện sau 2-6 ngày nhưng cũng có thể xảy ra vài tuần sau khi tiếp xúc.

Ấu trùng di chuyển, “đào hang” dưới da với tốc độ khoảng vài milimet (thậm chí có thể lên tới vài centimet) mỗi ngày. Phần lớn người mắc ấu trùng di chuyển thường ngứa rất dữ dội, thậm chí, có thể gây mất ngủ. Về điều trị, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu can thiệp điều trị sẽ rút ngắn được quá trình của bệnh bằng thuốc kháng giun sán đường uống và đường bôi tại chỗ. Triệu chứng ngứa sẽ giảm đáng kể trong vòng 24 - 48 giờ sau điều trị và tổn thương sẽ được giải quyết trong vòng một tuần. Khi có nhiễm trùng da thứ phát, cần kết hợp với kháng sinh.

Cảnh báo trẻ viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng từ ăn ốc sên

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM) cho biết, trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 ca trẻ bị viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng từ ăn ốc sên. Thậm chí, có những ca nhập viện 3-4 trẻ cùng lúc vì rủ nhau bắt ốc sên ăn.

Điều nguy hiểm hơn là nhiều người lớn quan niệm: Ăn ốc sên trị đau lưng, nhức mỏi, phong thấp… BS Trương Hữu Khanh khẳng định: “Ăn ốc sên, không chỉ không có tác dụng chữa bệnh, mà nếu chế biến không kỹ, ký sinh trùng trong ốc dễ gây viêm màng não nguy hiểm đến tính mạng”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top