Aa

Thị trường tài chính Việt Nam: Cần nhiều giải pháp để phát triển bền vững

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 25/05/2022 - 14:00

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo công bố "Báo cáo Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022" do Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức.

Đây là lần đầu tiên một định chế tài chính Việt Nam phối hợp với ADB thực hiện báo cáo đánh giá toàn cảnh thị trường tài chính bao gồm các lĩnh vực Ngân hàng - Chứng khoán - Bảo hiểm.

Báo cáo là kết quả nghiên cứu nghiêm túc, công phu, khoa học, có chiều sâu của Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia ADB và BIDV. Báo cáo được xuất bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để phục vụ tốt nhất nhu cầu tham khảo của các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn tìm hiểu đầy đủ và toàn cảnh về hệ thống tài chính Việt Nam.

Hội thảo công bố "Báo cáo Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022" có sự tham dự của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng); GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh; ThS. Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính; ThS. Trần Thăng Long, Trưởng phòng Nghiên cứu phân tích BSC. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo và đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế (IMF, ADB, FNF…), các hiệp hội nghề nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu…

Thị trường tài chính trụ vững, vượt qua các thách thức và tăng trưởng khá

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã trình bày tóm tắt nội dung Báo cáo, trong đó đưa ra những nhận định bao quát về bức tranh thị trường tài chính Việt Nam nói chung và các thị trường cấu thành gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán nói riêng trong năm 2021 và triển vọng phát triển trong năm 2022.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại Hội thảo

Khái quát về tình hình kinh tế và thị trường tài chính thế giới và Việt Nam trong năm 2021, Báo cáo nhìn nhận, nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh trong năm 2021 sau khi suy giảm mạnh trong năm 2020, nhưng đà phục hồi trở nên gập ghềnh khi chiến sự Nga - Ukraina nổ ra, giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát tăng cao, các nước chính thức thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất, khiến đà phục hồi chậm lại và rủi ro tài chính - tiền tệ gia tăng.

Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính toàn cầu về cơ bản vẫn hoạt động an toàn, phục hồi và tăng trưởng tích cực (một phần là nhờ năng lực tài chính, khả năng chống chịu các cú sốc đã vững hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

“Thị trường tài chính Việt Nam cùng với xu thế chung của thế giới và nội lực, đã trụ vững, duy trì mức tăng trưởng khá. Điều này một phần là do chính sách tiền tệ linh hoạt, cho phép các biện pháp cơ cấu lại, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng; phần khác là do xu hướng quan tâm, dịch chuyển kênh đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, nỗ lực tiết giảm chi phí, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần quan trọng tăng sức chống chịu và khả năng sinh lời của các tổ chức tài chính”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

Riêng về thị trường tiền tệ, Báo cáo cho rằng, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021.

Dù chịu nhiều thách thức khi vừa phải giảm lãi suất, vừa phải hoãn nợ, giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tăng trích lập dự phòng rủi ro; lợi nhuận trước thuế của khối 29 ngân hàng thương mại vẫn đạt 198,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,9% so với năm 2020 chủ yếu là do các yếu tố: Tín dụng tăng trưởng tốt, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tăng (góp phần giảm chi phí huy động vốn), thu nhập phi tín dụng tăng trưởng tốt, nỗ lực tiết giảm chi phí. Môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường ngân hàng tiếp tục được chú trọng và hoàn thiện, mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ở mức tương đối thấp, tỷ giá được duy trì ổn định. Vốn điều lệ hệ thống tổ chức tín dụng cả năm ước tăng khoảng 10% nhưng áp lực tăng vốn vẫn tiếp tục khi toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II. Hoạt động chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng năm 2021 được đẩy mạnh. Tuy nhiên, rủi ro là nợ xấu tiềm ẩn toàn hệ thống đang gia tăng, trong bối cảnh các quy định pháp lý liên quan sắp hết hiệu lực.

Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất với tổng quy mô phát hành khoảng 244 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 39%), tiếp theo là tổ chức tín dụng khoảng 223 nghìn tỷ đồng (36%), xây dựng (5%), hàng tiêu dùng (4%), năng lượng (4%), dịch vụ tiêu dùng (4%), chứng khoán (3%)...

Mặt bằng lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 ở mức khoảng 8%/năm - thấp hơn khoảng 1,5 điểm % so với cuối năm 2020. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tăng trưởng do nhu cầu phát hành để bổ sung vốn của doanh nghiệp tăng cao; kênh tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT tiếp tục kiểm soát; còn các tổ chức tín dụng cũng cần bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng gia tăng khi mặt bằng lãi suất của kênh tiết kiệm ở mức thấp (5 - 6%/năm) và cơ hội tiếp cận cũng dễ dàng hơn khi các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại... cũng bắt đầu tham gia phân phối trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh chóng từ năm 2017 đến nay cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Đó là chất lượng trái phiếu chưa được kiểm soát chặt chẽ khi mức độ công khai, minh bạch thông tin còn bất cập, tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo ở mức cao (chiếm khoảng 20% tổng số). 

Bên cạnh đó, năng lực, uy tín của chủ thể phát hành trên thị trường chưa đảm bảo mức độ chính xác do thông tin còn thiếu minh bạch, chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín để đánh giá, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng cao (gần 95%), đã xuất hiện trường hợp vi phạm công bố thông tin, phải hủy giao dịch liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, nền tảng nhà đầu tư (nhất là nhà đầu tư cá nhân) còn yếu với mức độ am hiểu thị trường, kiến thức còn hạn chế và chưa đa dạng (trên thị trường sơ cấp vẫn chủ yếu là công ty chứng khoán - chiếm 35,7%, ngân hàng thương mại chiếm 30%, cá nhân 5,3%; chưa có các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tham gia).

Cuối cùng là khung pháp lý và quản lý, giám sát thị trường đã được quan tâm hoàn thiện nhưng thị trường phát triển nhanh, chủ thể tham gia tinh vi, đòi hỏi công tác này cần được rà soát, điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

Đòi hỏi “nghệ thuật” điều hành để lành mạnh hóa thị trường, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư

Đưa ra nhận định về triển vọng thị trường tài chính trong năm 2022, TS. Cấn Văn Lực cho biết, với tiến trình mở cửa nền kinh tế, kiên định chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”, nhiều giải pháp được đưa ra để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga - Ukraina và kiểm soát đà tăng giá cả, lạm phát, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023…, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5 - 6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023.

Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này nhưng cũng có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới, tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.

Đối với thị trường ngân hàng, lợi nhuận toàn ngành được kỳ vọng tăng trưởng bình quân khoảng 20 - 25% so với năm 2021 với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 14 - 15%. Vấn đề hoàn thiện thể chế (gồm cả cơ chế xử lý nợ xấu, quản lý mô hình kinh doanh mới…), phối hợp chính sách kiểm soát ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất…), tăng vốn, chuyển đổi số và thực hiện Chương trình phục hồi của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được chú trọng.

Đối với thị trường chứng khoán, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn, lành mạnh hơn, với VNIndex có thể tăng nhẹ (+ 8% đạt 1.610 điểm, theo kịch bản tích cực) hoặc giảm nhẹ (-4% về mức 1.440 điểm, theo kịch bản tiêu cực). Còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng với tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.

Trong khi đó, thị trường bảo hiểm được dự báo duy trì đà tăng trưởng, với doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 18 - 20%, trong đó bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng.

TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, quá trình hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, tài chính xanh được thúc đẩy; rủi ro hệ thống (nhất là tính lan tỏa giữa tứ giác liên thông ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản) được quan tâm kiểm soát hơn, cũng là bước đi cần thiết nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường. Nhưng quan trọng hơn là cần có cách tiếp cận phù hợp theo hướng vừa kiến tạo thị trường phát triển, vừa kiểm soát được rủi ro với hành lang pháp lý phù hợp, thực thi hiệu quả và tăng niềm tin của nhà đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường.

“Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản là tứ giác liên thông trong nền kinh tế, do đó, cần có những chính sách quan tâm để các thị trường này phát triển lành mạnh, ổn định, tránh rủi ro liên thông. Bước sang năm 2022, thị trường đang điều chỉnh, cơ quan quản lý tăng cường các biện pháp chế tài, kiểm tra và giám sát, hoàn thiện hành lang pháp lý với kỳ vọng lành mạnh hóa để thị trường phát triển an toàn, bền vững hơn; điều này đòi hỏi “nghệ thuật” điều hành để thị trường phát triển tốt song vẫn kiểm soát được rủi ro”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia và đại biểu cũng đã đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và bản thân các định chế tài chính, trong đó nhấn mạnh vào nội dung tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tăng vốn; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường quản lý rủi ro hệ thống tài chính; đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, tài chính - ngân hàng số; khuyến khích phát triển tài chính xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…

Đưa ra ý kiến bình luận về Báo cáo, các chuyên gia, đại biểu đánh giá, đây là báo cáo rất công phu của Nhóm nghiên cứu khi đưa ra nội dung thông tin chuyên sâu và đầy đủ, toàn diện về thị trường tài chính. Các chuyên gia nhấn mạnh, thị trường tài chính là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp khi tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

“Báo cáo đã đưa ra một lượng thông tin, kiến thức khổng lồ về thị trường tài chính, cung cấp một cái nhìn khá đầy đủ về bức tranh toàn cảnh của thị trường”, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho hay.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Anh, hoạt động của hệ thống ngân hàng khá tích cực trong giai đoạn Covid-19, do đó, báo cáo nên nhấn mạnh sâu hơn điều này. Bên cạnh đó, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh cho biết, TS. Cấn Văn Lực có nhắc đến mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản, tuy nhiên, trong Báo cáo lại chưa đưa nhiều thông tin về thị trường bất động sản.

Chính vì vậy, theo chuyên gia này, việc nghiên cứu thêm về thị trường bất động sản sẽ rất cần thiết và phù hợp. Dòng vốn cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua chủ yếu nằm ở thị trường tài chính.

“Tín dụng bất động sản trong năm 2021 đầu năm 2022 có xu hướng tăng, tuy nhiên vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng tăng cao, khi nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu phát hành trái phiếu. Đây là 2 nguồn vốn quan trọng đối với thị trường bất động sản, bên cạnh đó là FDI và nguồn vốn từ tiền nhàn rỗi trong dân. Do đó, báo cáo không nên bỏ qua thị trường này, việc có thêm nghiên cứu về các dòng vốn cụ thể vào thị trường bất động sản sẽ giúp báo cáo đầy đủ và toàn diện hơn”, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh khẳng định.

Góp ý thêm cho Báo cáo, nhiều chuyên ra cho rằng, cần có thêm những chuyên đề chuyên sâu để cụ thể hóa các giải pháp thay đổi tư duy chính sách để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và nắm bắt các cơ hội trên thị trường, đặc biệt là với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Báo cáo cũng nên đưa ra cảnh báo về các rủi ro có thể xảy đến trong tương lai và thông điệp cảnh báo phải rõ ràng hơn.

Theo các chuyên gia, sau thời gian tăng trưởng nóng với nhiều rủi ro, đã đến giai đoạn cấp thiết cần nắn chỉnh lại để lành mạnh hóa thị trường tài chính, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư tham gia thị trường…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top