Aa

Phát triển Công trình xanh: Mới ở giai đoạn đầu

Chủ Nhật, 10/03/2019 - 23:30

Những năm gần đây, Việt Nam có xu hướng phát triển nhiều hơn các công trình xanh (CTX). Và theo thống kê, cả nước hiện có hơn 100 CTX được công nhận bởi các hệ thống chứng nhận khác nhau. Song các chuyên gia vẫn cho rằng CTX ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu phát triển và tiếc là… chưa xuất phát từ nhu cầu trong nước.

Chưa có khái niệm thống nhất về CTX

Trên thế giới hiện chưa có khái niệm thống nhất về CTX và tồn tại nhiều hệ thống đánh giá CTX khác nhau. Dù vậy, theo Chủ tịch CLB Kiến trúc xanh TP.HCM Trần Khánh Trung, về cơ bản, các hệ thống đánh giá CTX có 5 tiêu chí cơ bản liên quan đến nội thất, vật liệu, địa điểm, sử dụng nước và năng lượng.

Trên cơ sở nghiên cứu các hệ thống đánh giá CTX trên thế giới, ông Trần Khánh Trung cho rằng: CTX là những công trình có ảnh hưởng tốt, phát triển bền vững, ít gây hại đến môi trường, bao gồm môi trường bên trong công trình, môi trường lòng đất, môi trường trên mặt đất, môi trường nước và môi trường khí quyển.

Cụ thể, CTX có nội thất bảo đảm tiện nghi, an toàn sức khỏe cho người sử dụng CTX; sử dụng vật liệu tái chế, tái sử dụng hoặc vật liệu tái tạo nhanh và được quản lý rác thải chặt chẽ; địa điểm xây dựng công trình bảo tồn hệ sinh thái, kết nối cộng đồng và thích ứng biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm nước, tận dụng nước thải và bảo tồn nước ngầm; sử dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, việc xét, đánh giá CTX được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Hiện có 6 hệ thống đánh giá CTX phổ biển, gồm LEED của Hội đồng CTX Mỹ; GREEN MARK của Hội đồng CTX Singapore; LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam; VACEE của Hội Môi trường xây dựng; Hệ thống tiêu chí công trình kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và EDGE của Tổ chức Tài chính Ngân hàng Thế giới (IFC).

Nhà trẻ Pouchen Kindergarden (Biên Hòa, Đồng Nai) do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế được chứng nhận là CTX hạng Bạc của hệ thống đánh giá LOTUS, năm 2015.

Nhà trẻ Pouchen Kindergarden (Biên Hòa, Đồng Nai) do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế được chứng nhận là CTX hạng Bạc của hệ thống đánh giá LOTUS, năm 2015.

Trong 6 hệ thống đánh giá CTX nói trên, trừ EDGE chỉ xét 3 tiêu chí (gồm năng lượng, nước và vật liệu), 5 hệ thống đánh giá CTX còn lại đều đề cập đến cả 5 tiêu chí cơ bản.

Phân tích các ưu nhược điểm của các hệ thống đánh giá CTX hiện hành, ông Trung cho biết: LEED với tiêu chí chặt chẽ và đồng bộ, là hệ thống đánh giá CTX phổ biến nhất thế giới, nhưng thiếu các tiêu chí riêng cho điều kiện Việt Nam. Chi phí đánh giá và cấp chứng nhận CTX cao.

GREEN MARK là hệ thống đánh giá thuộc quy chuẩn xây dựng quốc gia của Singapore, quy định các yêu cầu tối thiểu cho từng tiêu chí cơ bản nhưng không có nét nổi bật và chưa phổ biến trên thế giới.

LOTUS là hệ thống đánh giá CTX dành riêng cho Việt Nam, có tiêu chí ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng có một số tiêu chí thừa so với quy chuẩn xây dựng Việt Nam và phải vay mượn một số tiêu chuẩn nước ngoài.

VACEE các tiêu chí còn sơ sài, không có nét riêng biệt. Hệ thống đánh giá công trình kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá công trình chi tiết nhưng chưa đầy đủ, một số tiêu chí không định lượng được.

EDGE là hệ thống đánh giá CTX dễ sử dụng và chi phí thấp, việc xét duyệt các tiêu chí xanh đơn giản nhưng thiếu 2 tiêu chí cơ bản là địa điểm và môi trường trong nhà.

Theo thống kê, đến nay, cả nước có trên 100 CTX được công nhận bởi các hệ thống đánh giá LEED, LOTUS, GREEN MARK, EDGE và Hội KTS Việt Nam. Ngoài ra, còn có gần 200 công trình khác đăng ký xét chứng nhận CTX. Các công trình này hoặc đang trong công trình đầu tư xây dựng nhằm đạt các tiêu chí CTX hoặc chỉ đăng ký lấy danh, nhằm bán hàng thuận lợi nhưng không triển khai đầu tư…

So sánh số lượng CTX của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông Trung cho rằng Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với Thái Lan (gần 200 CTX), Malaysia (hơn 540 CTX) và Singapore (hơn 2.500 CTX). Tuy nhiên, có một tín hiệu mừng là từ sau năm 2015 đến nay, tốc độ phát triển CTX tại Việt Nam đã khả quan hơn.

Phân loại các CTX đã được công nhận tại Việt Nam, ông Trung cho biết các công trình nhà máy chiếm 55%. Đây là các nhà máy do chủ đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và họ cần có chứng nhận xanh cho các sản phẩm xuất khẩu. Tức là nhu cầu CTX xuất phát từ nước ngoài.

Trong khi đó, công trình thương mại mới chỉ chiếm 10% tổng số CTX được công nhận; tòa nhà văn phòng 16%, công trình giáo dục 7%, công trình nội thất 5% và công trình nhà ở 7%. Điều này có nghĩa là thị trường CTX tại Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu phát triển và nhu cầu CTX chưa thực sự xuất phát từ trong nước.

Vì sao phát triển CTX còn hạn chế?

Phân tích nguyên nhân của hiện trạng phát triển CTX tại Việt Nam còn hạn chế, ông Trần Khánh Trung cho rằng có 4 nhóm đối tượng liên quan, gồm cộng đồng, chủ đầu tư, nhà chuyên môn và các cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong đó, nhóm cộng đồng chưa có nhận thức về bảo vệ môi trường nên chưa quan tâm đến CTX. Chính vì chưa có thị trường nên ít nhà đầu tư quan tâm đến CTX. Đa số chủ đầu tư chỉ nhắm đến lợi ích trước mắt, như chi phí đầu tư, thu hồi vốn nhanh… Họ ngại theo đuổi CTX vì e chi phí đầu tư CTX cao, kéo dài thời gian thực hiện dự án, thậm chí tốn thêm chi phí để lấy chứng nhận xanh. Rất ít chủ đầu tư nhận thức được rằng CTX mang lại lợi ích lâu dài như khi công trình bảo đảm sức khỏe và tiện nghi thì sẽ bán được sản phẩm giá cao, chi phí vận hành công trình thấp, góp phần hình thành được thị trường CTX…

Giới chuyên môn thiếu hụt lực lượng phục vụ CTX. Cụ thể, các kiến trúc sư chưa trang bị đủ các kiến thức nền tảng để đáp ứng yêu cầu thiết kế xanh. Các đơn vị tư vấn xanh đã xuất hiện nhưng còn ít. Các viện nghiên cứu, trường đại học chưa có chương trình đào tạo bài bản về thiết kế xanh.

Hiện chỉ có một số nhà thầu biết thi công CTX nhưng họ đang ép giá chủ đầu tư khi xây dựng. Các nhà cung cấp VLXD xanh cũng có sự ép giá tương tự. Các yếu tố này đang góp phần làm tăng giá thành CTX.

Các tổ chức phi Chính phủ hoạt động hiệu quả nhưng thiếu kinh phí và hỗ trợ từ Chính phủ nên mức độ thúc đẩy CTX bị hạn chế.

Trong khi đó, Chính phủ ở cấp Trung ương lại chưa xây dựng hoàn chỉnh các hạ tầng cơ sở về tiêu chuẩn kỹ thuật CTX phù hợp với Việt Nam; chưa đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; chưa có chính sách khuyến khích phát triển CTX và nhất là chưa chọn được hệ thống đánh giá CTX chung cho toàn quốc.

Thúc đẩy phát triển CTX

Nhằm thúc đẩy phát triển CTX, PGS.TS Nguyễn Thúy Loan - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng Việt Nam cần thống nhất định nghĩa về CTX và chọn một hệ thống đánh giá chính thức CTX làm cơ sở để xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển CTX toàn quốc.

PGS Nguyễn Thúy Loan nhấn mạnh: Xu hướng phát triển CTX là tất yếu. Để thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong thúc đẩy phát triển CTX, góp phần thay đổi tâm thế của các bên liên quan trên thị trường, nên chăng cần bắt buộc áp dụng CTX đối với các công trình vốn ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, Nhà nước cần đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng như xây dựng hệ thống công trình cơ sở để so sánh khi xét chứng nhận xanh; ban hành đầy đủ các quy định về môi trường trong nhà; bổ sung các quy chuẩn Việt Nam còn thiếu so với quy chuẩn quốc tế về vật liệu, chất lượng không khí, tiêu chuẩn về sức khỏe…; bổ sung các chi phí tư vấn xanh, chi phí chứng nhận xanh, chi phí quản lý xanh vào đơn giá xây dựng cơ bản Nhà nước.

Đặc biệt, theo PGS Nguyễn Thúy Loan, cần có các ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển CTX từ nguồn vốn tư nhân, như xây dựng các điều kiện chủ đầu tư cần đạt được để nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ cho CTX. Cùng với đó, Nhà nước cần phát triển nguồn nhân lực và thực hiện chiến lược truyền thông về CTX…

Trước đề xuất cần sớm lựa chọn một hệ thống tiêu chí đánh giá CTX cho Việt Nam, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết: Vụ đang tham mưu cho Bộ Xây dựng trong việc nghiên cứu đề xuất định hướng chính sách quản lý và thúc đẩy phát triển CTX tại Việt Nam. Đồng thời, Vụ cũng đang tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế trong quá trình nghiên cứu, đề xuất chính sách.

Trước mắt, Vụ sẽ thành lập tổ chuyên gia để cùng thảo luận, phân tích các hệ thống đánh giá CTX hiện hành, trên cơ sở đó, thống nhất lựa chọn hệ thống tiêu chí CTX cho Việt Nam. “Đó phải là hệ thống đánh giá có tính minh bạch, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện Việt Nam” - ông Thịnh kỳ vọng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ban hành suất đầu tư, định mức đơn giá cho CTX trong hệ thống đơn giá, định mức xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ đề xuất với Chính phủ xây dựng đề án hoặc chương trình thúc đẩy CTX tại Việt Nam nhằm tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top