Aa

Phát triển đô thị và câu chuyện giữ gìn bản sắc

Thứ Sáu, 24/01/2020 - 06:00

Một đô thị không ký ức, không bản sắc hoàn toàn có thể xảy đến trong tương lai gần nếu tiếp tục sự phát triển ồ ạt, không bảo tồn, gìn giữ được những giá trị, bản sắc riêng có của đô thị.

Trong quá trình phát triển, nên ứng xử như thế nào với những di sản kiến trúc, cảnh quan...?

Bản sắc đô thị không tự nhiên sinh ra

Không dễ để có thể xác định được cụ thể bản sắc của một đô thị, nhưng nhìn chung có thể nhìn nhận nó như là sự tổng hòa những thuộc tính của địa điểm, giúp phân biệt nó với những đô thị/thành phố khác. Những thuộc tính đó bao gồm: Điều kiện tự nhiên, khí hậu (địa hình, khí hậu đặc trưng…); Điều kiện văn hóa (phong tục, tập quán, lối sống, trang phục, ẩm thực…); Kiến trúc đô thị (cấu trúc đô thị, không gian quảng trường, đường phố, phong cách kiến trúc…); Cảnh quan (cây xanh, mặt nước, quan hệ giữa kiến trúc và cảnh quan).

Trong khi điều kiện tự nhiên, khí hậu là yếu tố khách quan ít phụ thuộc vào con người thì các thuộc tính khác lại chủ yếu được tạo thành/định hình bởi con người, nhất là yếu tố văn hóa và kiến trúc đô thị. Ngay cả yếu tố cảnh quan cũng chịu tác động của con người khi con người tham gia điều chỉnh, cải tạo và bổ sung các thành phần kiến trúc. Bên cạnh vai trò là người tạo dựng và kế tục bản sắc, con người bản địa cũng là một phần của bản sắc đó. Các hoạt động, lối sống, phong tục tập quán, trang phục… của họ tạo ra cuộc sống cho các không gian đô thị.

Bản sắc đô thị không tự nhiên sinh ra. Nó là quá trình tích lũy, bồi đắp và cả đào thải, với sự đóng góp của nhiều thế hệ. Đứng trước một đô thị truyền thống, chúng ta chỉ là một gạch nối nhỏ trong tiến trình phát triển của nó. Do vậy chúng ta cần phải tôn trọng những giá trị của quá khứ, tôn trọng những ký ức đô thị, và khéo léo bổ sung những thành phần và yếu tố mới.

Tư duy mặc định cái cũ là lạc hậu, cái mới mới là văn minh không được phép có chỗ đứng trong quan điểm phát triển đô thị, bởi nó sẽ dẫn đến nguy cơ phá hủy hoàn toàn những thành quả mà tiền nhân đã dày công xây dựng nên. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm phát triển bền vững – không tước đoạt cơ hội của thế hệ tương lai được cảm nhận, trải nghiệm và học hỏi những thành quả kiến trúc đô thị của các thế hệ trước.

Bản sắc đô thị cũng không phải là một khái niệm có tính tuyệt đối, tức là đối với nhóm người này, một đô thị có thể độc đáo, hấp dẫn, khác biệt, nhưng đối với nhóm người khác, nó có thể rất tầm thường. Lấy ví dụ đối với người Việt, thành phố Đà Lạt có thể là một nơi chốn hết sức hấp dẫn bởi nó khác biệt so với hầu hết các đô thị khác ở Việt Nam, lại có khí hậu mát mẻ, có cảnh quan và kiến trúc gợi nhớ tới các thành phố châu Âu… Trong khi đó, đối với nhiều người phương Tây, Đà Lạt không thật sự đặc sắc bởi nó khá “quen thuộc” trong mắt họ. Ngược lại, những thứ khá bình thường đối với chúng ta rất có thể lại là những thứ mới lạ, độc đáo và thú vị… đối với người nước ngoài.

PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng.

Do vậy đánh giá bản sắc đô thị thường được xem xét trong quan hệ so sánh – so sánh giữa đô thị này với đô thị khác trong cùng một quốc gia, hay so sánh giữa các đô thị của các quốc gia khác nhau. Việc so sánh sẽ giúp chúng ta xác định được những thứ khác biệt, đặc sắc, riêng có… của một đô thị - những thứ giúp người ta có được những cảm nhận không thể sai lầm về nơi chốn đó.

Những đô thị “biến dạng”…

Vì nhiều lý do khác nhau, vấn đề bản sắc đô thị ít được quan tâm trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam trong giai đoạn gần đây. Hiện trạng các đô thị cho thấy, ở nhiều nơi dấu vết kiến trúc của quá khứ đã và đang bị xóa mờ và/hoặc đặc trưng nơi chốn của chúng đã không được kế thừa trong sự phát triển tiếp nối.

Tại TP. HCM, khu trung tâm lịch sử bị biến dạng và chèn ép bởi sự xuất hiện của các kiến trúc cao tầng, khiến ký ức đô thị bị cắt rời thành từng mảnh và có nguy cơ biến mất. Thành phố Hà Nội thì không biết tận dụng đặc trưng cảnh quan của địa điểm là hệ thống ao hồ dày đặc nên các khu phát triển mới trong giai đoạn gần đây đã làm thu hẹp diện tích, thậm chí làm biến mất nhiều không gian mặt nước quý giá.

Nhiều đô thị miền núi thì “từ chối” cơ hội tạo dựng bản sắc cho riêng mình dựa trên những thuộc tính tự nhiên của địa điểm. Thay vì tôn trọng và khai thác đặc tính của địa hình và cảnh quan, các đô thị này san phẳng núi đồi và quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình đô thị vùng đồng bằng. Trong khi đó, nhiều thành phố ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lại tỏ ra thiếu tôn trọng quá khứ khi đã và đang loại bỏ những công trình kiến trúc thuộc địa Pháp cuối cùng...


…liệu có thể viết tiếp câu chuyện bản sắc?

Giữ gìn bản sắc đô thị là giữ gìn cái tinh thần của địa điểm, được tạo thành bởi sự tổng hòa của các thuộc tính của đô thị đó. Sự biến đổi hay mất mát của một hay một vài thuộc tính đô thị sẽ dẫn đến sự nhạt nhòa bản sắc hoặc trên lý thuyết có thể tạo ra bản sắc đô thị mới.

Tuy nhiên trong thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, việc tạo dựng bản sắc mới sẽ vô cùng khó khăn. Bởi vậy nếu đô thị đã định hình được bản sắc, thì bản sắc đó cần được ưu tiên gìn giữ trong quá trình phát triển đô thị, những khía cạnh mới của bản sắc chỉ nên là những yếu tố bổ sung cho bản sắc đã có, đã được khẳng định hoặc thay thế những yếu tố cũng là bản sắc nhưng đã lạc hậu và không còn phù hợp.

Để giữ được tinh thần của địa điểm, việc đầu tiên cần làm là phải giữ gìn được những thuộc tính đô thị của địa điểm đó. Đó có thể là cấu trúc đô thị và kiến trúc đặc trưng (như ở khu phố cổ Hội An), là sự sống động của các không gian mở như đường phố, quảng trường (như khu 36 phố phường Hà Nội), của các công trình kiến trúc đặc trưng cho các giai đoạn phát triển của lịch sử (như khu trung tâm TP.HCM), là cảnh quan sông nước trong mối quan hệ hữu cơ với đô thị (như sông Hương ở Huế), là cảnh quan đồi núi nhấp nhô với những cánh rừng thông trải dài (như ở Đà Lạt), của hệ thống cây xanh đường phố (như các tuyến phố trồng cây sao cổ thụ ở thành phố Trà Vinh), hay sự đa dạng, sống động với lối sống và trang phục độc đáo của cư dân bản địa (như ở Sa Pa, Bắc Hà)…

Thiếu vắng chỉ một thuộc tính, ký ức đô thị có thể sẽ bị lạc lối, và đô thị có nguy cơ rơi vào tình trạng mất bản sắc. Chẳng hạn một đô thị như Sa Pa sẽ mất đi bản sắc nếu bị chồng chất bởi quá nhiều hình khối kiến trúc, hoặc thiếu vắng sự hiện diện của người dân tộc thiểu số, đô thị cổ Hội An sẽ chỉ còn là một dạng bảo tàng thiếu sức sống nếu nó mất đi những cư dân gốc của mình, hay Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nếu những khung cảnh mộng mơ được tạo thành bởi rừng thông, mặt nước và núi Lang Biang trong bảng lảng sương mù bị che lấp hoặc biến mất.

Việc tiếp theo là chọn lọc và kế thừa những nét tinh túy đã làm nên sắc thái tinh thần của địa điểm và tích hợp hoặc bổ sung những yếu tố mới cho các khu vực phát triển mới của đô thị. Khi phát triển những khu vực mới, tùy thuộc vào từng địa điểm mà có thể học hỏi những kinh nghiệm phát triển đô thị trên thế giới như đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị sáng tạo, hay đô thị nghệ thuật…, nhưng nhất thiết phải tôn trọng và khai thác những yếu tố bản địa bởi đó là cơ sở cho việc tiếp tục định hình và khẳng định bản sắc đô thị trong tương lai.

Thiết kế: Hồng Hạnh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top