Aa

Đi tìm bản sắc đô thị Việt: Đô thị vô danh và ngưỡng cửa 4.0

Thứ Hai, 05/11/2018 - 01:30

Dù đô thị có phát triển ở cấp độ nào đi chăng nữa thì đô thị đó vẫn phải là đô thị Việt Nam, của người Việt Nam. Và như thế nó phải có bản sắc văn hóa đô thị Việt Nam, chứ không phải mang bản sắc của một đô thị ngoại lai nào khác!

 

1. Khi nhận xét về đô thị, người ta thường nói tới bản sắc. Kiểu như, thành phố này to, rộng, hiện đại nhưng không có bản sắc. Đô thị kia nhỏ bé nhưng lại rất có bản sắc. Vậy bản sắc đô thị là gì? Có nhiều định nghĩa. Nhưng có thể hiểu đơn giản thế này, bản sắc đô thị là tổng hòa của nhiều thuộc tính thể hiện qua vật thể và văn hóa phi vật thể, trong đó thuộc tính căn bản nhất là đặc điểm cảnh quan, địa hình thiên nhiên, nơi tạo lập đô thị. Chẳng hạn, ở Việt Nam, khi nói đến Hà Nội, là nói đến sông Hồng, thành phố trong sông với cây xanh - mặt nước. Nói đến Đà Lạt là nói đến thành phố cao nguyên mù sương, thành phố ngàn thông - ngàn hoa với thung lũng Tình yêu, hồ Than thở… Nói đến Huế là nói đến sông Hương - núi Ngự… Cũng như Paris hoa lệ của nước Pháp gắn với sông Seine, hay Luân Đôn là dòng sông Thames huyền thoại…

Một đô thị không bản sắc là đô thị vô danh như một cá thể người sinh ra không tên, không thẻ căn cước vậy!

Đặc điểm địa lý, điều kiện tự nhiên với địa hình cảnh quan, khí hậu là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến văn hóa, lối sống, tập quán, tập tục và cả thói quen của cư dân đô thị. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi ta thấy người dân phố núi Đà Lạt cách ăn mặc, xây cất nhà cửa, giao thông… khác với người dân sống ở đô thị biển Nha Trang, Vũng Tàu. Bởi một nơi là khí hậu lạnh, đường dốc quanh co, còn một nơi là khí hậu nóng ấm quanh năm, địa hình bằng phẳng. Người dân sống ở vùng thường xuyên có bão lũ như Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam… thì có thói quen, kinh nghiệm ứng xử phòng chống bão lũ tốt hơn cư dân sống ở Hà Nội, TP.HCM… Hầu hết các đô thị vùng châu thổ sông Hồng đều có đê bao quanh để phòng lũ lụt. Trong khi đó, các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long dù có sông Tiền sông Hậu chảy qua nhưng không có hệ thống đê điều, bởi tính chất thủy văn của các dòng sông trên rất khác nhau.

Và như thế, mỗi năm khi nước sông Hồng dâng cao, người ngoài Bắc gọi là “lũ” lo lắng phòng chống để giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra. Còn với vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi nước sông Mê Kông từ Lào - Campuchia dâng cao, dồn dập đổ về, đem theo nó không chỉ phù sa màu mỡ mà còn là nguồn thủy sản phong phú, dồi dào, tạo nên một “mùa nước nổi” đậm nét văn hóa riêng, rất đặc trưng của vùng đất phương Nam. Vì thế, không thể không lo lắng khi mà vài năm gần đây, các nước láng giềng có chung dòng Mê Kông nơi thượng nguồn đua nhau xây đập thủy điện ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của con sông, đe dọa làm biến đổi môi trường tự nhiên lưu vực sông Mê Kông và đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn của nước ta ở cuối nguồn.

Khi quy hoạch thành phố cao nguyên Đà Lạt, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tận dụng tối đa địa hình, cảnh quan, khí hậu nơi đây với các rừng thông, đường dốc… để tạo nên một thành phố nghỉ dưỡng đặc sắc với hàng ngàn biệt thự - vườn mang phong cách châu Âu nằm xen kẽ trong các rừng thông, đồi thông… Những dãy nhà phố trải dài bên các đường phố, ngõ phố uốn lượn… tạo nên một tuyệt tác kiến trúc đô thị của vùng núi cao nguyên thơ mộng.

Hà Nội cũng thế. Dù để thực hiện quy hoạch Hà Nội theo kiểu đô thị châu Âu trên cái nền một đô thị phong kiến có lịch sử hàng ngàn năm, đang vào thời kỳ suy thoái và khẳng định quyền bảo hộ, khai hóa của nước Pháp tại Đông Dương, bên cạnh việc phá hủy rất nhiều di sản kiến trúc của chúng ta như chùa Báo Thiên (để lấy đất xây Nhà thờ Lớn, Tòa Khâm…), phá hủy chùa Báo Ân có khuôn viên rộng đến hơn 100ha ở phía đông bờ Hồ Gươm để xây Nhà Bưu điện… mà bây giờ dấu tích duy nhất còn sót lại là Tháp Hòa Phong, thì người Pháp vẫn biết khai thác, tận dụng cảnh quan địa hình của Thăng Long xưa với khu phố cổ, Hồ Tây, Hồ Gươm rồi cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Phong cách Kiến trúc Đông Dương (phong cách pha trộn kiến trúc Âu - Á) ra đời vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước mà cha đẻ của nó là kiến trúc sư người Pháp Ernest Hesbrard (Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Đông Dương thời đó) với những công trình kiến trúc nổi tiếng như Trường đại học Đông Dương (nay là đại học Dược), Viện Viễn đông bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử), Sở Thuế quan (nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao)… là ví dụ điển hình về tạo dựng kiến trúc có bản sắc tại Hà Nội. Còn chúng ta, rất tiếc, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ kể từ sau năm 1975, đặc biệt là trong khoảng hơn 30 năm trở lại đây, thì rất nhiều đô thị mới được hình thành đã không tận dụng và phát huy được yếu tố quan trọng này để tạo ra hình ảnh kiến trúc đô thị có bản sắc.

2. Bản sắc đô thị được tạo nên bởi cả một quá trình cọ xát, vận động từ nhiều phía (khách quan và chủ quan) trong suốt chặng đường hình thành và phát triển. Bản sắc đô thị không bất biến mà luôn thay đổi theo hướng sâu sắc hơn, nếu được các thế hệ cư dân đô thị giữ gìn bồi đắp và phát triển. Nhưng bản sắc đô thị sẽ thay đổi, thậm chí nhạt nhòa dần một khi lối sống, chức năng đô thị thay đổi. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra ở Việt Nam.

Theo Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến 2025 tầm nhìn 2050 của Chính phủ, thì năm 2020, dân số đô thị là 44 triệu người (chiếm 45% dân số) và đến 2025 là 52 triệu người (chiếm 50 % dân số), tỷ lệ đô thị hóa chiếm hơn 35% với hệ thống gần 900 đô thị. Đô thị hóa nhanh làm thay đổi cơ bản bản đồ phân bố dân cư và địa điểm cư trú. Các vùng nông thôn trù phú dần thu hẹp để nhường đất cho phát triển đô thị dẫn đến việc di chuyển ồ ạt cư dân từ nông thôn ra thành thị. Và tất nhiên, cùng với đó là sự chuyển dịch lối sống, tập quán, thói quen… của văn hóa làng truyền thống để thích nghi với văn hóa văn minh đô thị.

Tại một Hội thảo về bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, giáo sư người Mỹ William Logan của Trường đại học Deakin Australia đã cho rằng “Cái cần bảo tồn nơi đây không phải là bảo tồn những ngôi nhà mà là lối sống”. Lịch sử hàng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên một văn hóa Thăng Long, một lối sống thanh lịch của người Tràng An. Nếp sống đẹp này được bắt đầu từ khi hình thành khu phố cổ với những phố Hàng nổi tiếng. Nó thể hiện từ cách ăn, nếp ở, lời nói thường ngày của cư dân phố cổ. Lối sống thanh lịch được các thế hệ cư dân nơi phố cổ giữ gìn, bồi đắp qua rất nhiều thập kỷ.

Cảnh quan Hà Nội, lối sống, nếp sống đó cho đến tận hôm nay dù phải chịu biết bao tác động của chiến tranh, của đô thị hóa, hiện đại hóa và phát triển, nhưng về cơ bản vẫn còn đó, vẫn ảnh hưởng sâu đậm đến sự hình thành nhân cách của một lớp cư dân Hà Nội thời hiện đại, trở thành một thứ di sản văn hóa hằn sâu trong ký ức của người dân Hà thành. Để rồi, những ai đã từng gắn bó với Hà nội, mỗi khi phải đi xa cũng đều thảng thốt một nỗi nhớ mùa đông với cây bàng lá đỏ trên phố Tràng Thi, cây cơm nguội vàng trên đường Lý Thường Kiệt, hay mùa thu với nồng nàn hương hoa sữa trên đường Nguyễn Du…, nhớ Phở Thìn Bờ Hồ - Lò Đúc, nhớ cà phê Nhân, bún chả Hàng Mành, nhớ bánh tôm Hồ Tây... Thậm chí, một tiếng rao của người phụ nữ quẩy gánh hàng rong giữa trưa hè phố cổ râm ran tiếng ve vọng đến từ những vòm phượng vĩ nở hoa đỏ rực bên Hồ Gươm cũng đủ để làm ai đó nao lòng.

Đô thị hóa và sự mở rộng các thành phố cùng với tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho người ta di chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ nông thôn ra thành thị, từ thành phố nhỏ đến thành phố lớn, rồi cả từ quốc gia này sang quốc gia khác… kéo theo sự chuyển động bản sắc của các nơi khác. Hà Nội bây giờ không chỉ có người Hà Nội gốc (?!) mà có rất rất nhiều người từ các vùng quê khác, từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam, từ miền biển đến miền núi về định cư sinh sống. Bên cạnh những món ăn đặc sản của Hà Nội xưa, đã xuất hiện ngày càng nhiều những mỳ Quảng, bún Huế…, rồi các cửa hàng bán đồ ăn nhanh như gà rán KFC, khoai tây chiên MacDonald, Piza châu Âu hay lẩu nướng Thái Lan, Nhật, cà phê Starbuck…

Khi các nhà hát to nhỏ của thành phố hàng tháng chả mấy ngày đỏ đèn, kín rạp, thì lớp trẻ Hà Nội lại ngày đêm phát cuồng với văn hóa Hàn qua biểu diễn của các nhóm nhạc Kpop trẻ trung xinh đẹp và phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc chiếu nhan nhản thường ngày trên sóng truyền hình. Nói như nhà báo Mỹ Thomas L.Friedman, tác giả cuốn sách nổi tiếng Thế giới phẳng, thì nơi nào phát triển sẽ du nhập theo lối sống phù hợp với xu hướng phát triển đó. Không biết có đúng thế không?

Chúng ta đang chuẩn bị cơ sở vật chất để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đô thị sẽ chuyển mình thay đổi trong cách quản trị, vận hành đô thị và lối sống của cư dân đô thị thời công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Khi các khu đô thị mới xuất hiện vào những năm 90 của thế kỷ trước, khởi đầu cho sự phát triển của thị trường bất động sản, người ta đã kỳ vọng về một sự đổi thay từ kiến trúc cho đến lối sống mới, văn hóa mới phù hợp với văn minh đô thị. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy, ngoại trừ một vài khu đô thị cao cấp, siêu cao cấp đầy đủ tiện nghi, tiện ích, khuôn viên xinh đẹp rực rỡ sắc hoa, dành cho người giàu được bảo vệ nghiêm ngặt kiểu như khu Kengnam ở Seoul (Hàn Quốc), thì rất nhiều các khu đô thị mới đã không trở thành những không gian sống hiện đại như mong muốn. Sự xuống cấp về kiến trúc tỷ lệ thuận với lối sống pha tạp của cư dân đô thị mới (nhưng lại tỷ lệ nghịch với lợi nhuận càng phình to của các chủ đầu tư).

Các tòa nhà chung cư cao tầng bóng bẩy (như các tờ quảng cáo bán hàng) đã nhanh chóng nhếch nhác bởi các hàng quán, chỗ để xe tự phát vây quanh. Cư dân nơi đây cũng đủ thành phần, từ người nông dân mất đất do phát triển đô thị, người dịch cư từ nơi khác, công chức, viên chức thu nhập thấp và nhiều đối tượng khác trong xã hội. Vì thế, lối sống của cư dân cũng khác nhau, văn hóa ứng xử trong chung cư cũng khác nhau. Thang máy hiện đại nhanh chóng trục trặc kỹ thuật, hư hỏng vì bị sử dụng quá tải. Cửa buồng thang thoát hiểm phòng khi xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn bị khóa chặt để lấy chỗ đặt mấy cái đồ tập tàng, bỏ đi. Hành lang chung thành nơi đốt vàng mã ngày rằm mồng một, hoặc là nơi ăn nhậu mỗi khi nhà ai đó có sinh nhật, lễ lạt. Đã xuất hiện ngày càng nhiều nơi này nơi kia cư dân căng băng rôn, biểu ngữ đòi chủ đầu tư trả tiền quỹ bảo trì, sổ đỏ… Tất cả đã tạo nên một hình ảnh xã hội thu nhỏ với nhiều mâu thuẫn, va đập trong thời kỳ đầu của sự phát triển, hiện đại hóa và quốc tế hóa. Vậy đây có phải là bản sắc của đô thị?

Chúng ta đang chuẩn bị cơ sở vật chất để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đô thị sẽ chuyển mình thay đổi trong cách quản trị, vận hành đô thị và lối sống của cư dân đô thị thời công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Người viết bài này chưa mường tượng ra cái bản sắc đô thị thời 4.0 sắp tới đây sẽ như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù đô thị có phát triển ở cấp độ nào đi chăng nữa thì đô thị đó vẫn phải là đô thị Việt Nam, của người Việt Nam. Và như thế nó phải có bản sắc văn hóa đô thị Việt Nam, chứ không phải mang bản sắc của một đô thị ngoại lai nào khác!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top