Aa

Phát triển đô thị xanh: "Chuyện không của riêng ai nhưng cần người cầm trịch"

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 10/11/2018 - 05:40

Xây dựng đô thị xanh – thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt. Tuy nhiên với Việt Nam, khái niệm “đô thị xanh” vẫn còn mới mẻ. Bàn về giải pháp để tạo nên những đô thị xanh đúng nghĩa, KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, phát triển đô thị xanh là bài toán xã hội, là chuyện không của riêng ai nhưng cần những người cầm trịch là chính quyền đô thị.

Chiều 9/11/2018, buổi tọa đàm Cafe Xanh về chủ đề Đô thị xanh và Con người xanh đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các chuyên gia, kiến trúc sư hàng đầu về Đô thị - Kiến trúc và đại diện Capital House - một trong những doanh nghiệp tiên phong phát triển công trình xanh ở Việt Nam hiện nay. 

Tại buổi tọa đàm, bàn về những giải pháp để phát triển và thu hút đầu tư công trình xanh, đảm bảo hài hòa các lợi ích, các chuyên gia đều cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là sự đồng thuận và liên kết chặt chẽ giữa người dân, nhà đầu tư và chính quyền đô thị.

Tọa đàm

Tọa đàm Đô thị xanh và Con người xanh.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, đô thị là ngôi nhà lớn của cộng đồng nên cần sự chung tay chăm sóc của cả cộng đồng thì mới có đô thị xanh ở cấp độ Việt Nam, trên nền tảng lối sống và địa khí hậu của Việt Nam.

“Để một công trình xanh hiện diện cần có rất nhiều đơn vị cùng chung tay. Rất nhiều chủ đầu tư đang cố gắng để xây dựng những tòa nhà xanh mà ở đó con người được sống thoải mái, hạnh phúc. Nhưng nhà đầu tư khi bán không thể quan tâm hết được người mua là ai, người dân tộc nào, công việc là gì,... Thế nên trong cùng một toà nhà thôi đã có rất nhiều sự va đập xã hội, va đập văn hóa... Thế mới thấy công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người. Nhưng cần có người cầm trịch - là chính quyền đô thị”, KTS. Phạm Thanh Tùng chia sẻ.

KTS Phạm Thanh Tùng.

KTS. Phạm Thanh Tùng.

Đồng quan điểm với KTS. Phạm Thanh Tùng, KTS. Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh: “Chúng ta bắt đầu bước vào thời kỳ khủng hoảng đô thị và môi trường sống. Vì thế, để xây dựng một đô thị tốt, chúng ta cần sự góp sức không chỉ của chính quyền, mà còn cần giới chuyên môn, những người dân và doanh nghiệp. Ở một đất nước mà người ta rời bỏ ngay làng quê để đến đô thị thì ý thức con người và sự đồng thuận xã hội có lẽ đóng vai trò lớn”.

Theo KTS. Nguyễn Hồng Thục, tư duy đô thị phải như nồi Thạch Sanh để cho nhiều người cùng được ăn, được sống tốt nhất. Cơ quan quản lý cần bắt buộc các nhà đầu tư phải chú trọng vào những tiện ích phục vụ người dân, tạo ra những tư duy đột phá về vành đai xanh. Bên cạnh đó, muốn phát triển công trình xanh, đô thị xanh thì chính sách phải hợp lý và phải có quy hoạch rõ ràng.

Ngoài ra, KTS. Nguyễn Hồng Thục đề xuất, nên quản lý đô thị theo đặc thù của từng thành phố: “Chẳng hạn đặc thù của khu phố Cổ, khu phố Pháp... liên quan đến lịch sử; hay đặc thù của ngoại vi, liên kết với khu nông nghiệp thì khác, công nghiệp thì khác. Câu hỏi đặt ra là đô thị phát triển quá nhiều, quá nhanh thì giải quyết như thế nào? Câu trả lời là khi chúng ta phát triển vành đai xanh, không gian xanh thì người dân cần gì phải bám trụ tại các khu trung tâm? Đây chính là sự giãn dân tự nhiên theo cơ thể của đô thị tốt đẹp”.

KTS Nguyễn Hồng Thục

KTS. Nguyễn Hồng Thục

Đi sâu vào những giải pháp cụ thể để phát triển đô thị xanh, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Nói về liên kết đô thị, từ nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này. Như vậy chúng ta mới mong có được đô thị xanh. Tất cả đều phải thống nhất trong hành động chung mới có được mong muốn đô thị xanh. Nhiều cây xanh, mặt nước chỉ là điều kiện cần của một công trình xanh nhưng chưa đủ. Tiếp theo đó phải là vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Như việc chính phủ phải cấm đào đất nung gạch, phải chuyển sang gạch không nung.

Hai là khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Nhiều nước hiện nay, công trình sử dụng chính chất thải để tái tạo năng lượng xoay vòng. Một công trình gọi là chuẩn của ngày hôm nay chưa chắc đã là chuẩn ở thời điểm khác. Càng nhiều nhà đầu tư hiểu lợi ích của công trình xanh thì càng nhiều dự án xanh được xây dựng. Một đô thị nhiều công trình xanh thì đô thị đó sẽ tốt lên”.

Ông Đỗ Viết Chiến

Ông Đỗ Viết Chiến

Bên cạnh đó, ông Đỗ Viết Chiến cho rằng, cần sớm có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào công trình xanh. Bởi phải có nhiều công trình xanh mới có đô thị xanh. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư xanh, cũng cần phải có những cơ chế để đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

“Nếu làm công trình xanh sẽ được rất nhiều lợi ích và cộng đồng sẽ được hưởng lợi ích đó. Nhà nước phải nhắm đến đơn vị nào đầu tư xanh thì ưu tiên cho bên đó. Nhà đầu tư đã có rất nhiều áp lực từ vốn, chính sách,... cần kiến nghị Nhà nước tháo gỡ. Ngay chính sách vay, hình thức vay cũng cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Một điều nữa là pháp luật cũng phải bắt buộc, có những khu vực cấp cho 20ha chẳng hạn, quy định 5 - 7% xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh. Không phải thích thì xây, không thích thì thôi”.

Nhấn mạnh đến vai trò cầm trịch của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý quy hoạch, tại buổi tọa đàm, ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Capital House chia sẻ: “Trong câu chuyện này, vai trò của nhà nước rất quan  trọng. Bản thân tác phẩm Linh Đàm ban đầu khác, các nhà quy hoạch, KTS đã gửi gắm những điều tốt đẹp nhưng về sau nơi này bị thay đổi. Tôi cho là do biến động về lợi nhuận. Bức tranh tác phẩm bị biến dạng vì chúng ta chưa tính tới yếu tố kinh tế học. Nơi nào có hiệu quả sinh lời cao thì ắt sẽ thu hút đầu tư nhưng vấn đề là chúng ta phải quản lý tốt theo đúng quy hoạch ban đầu”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top