Aa

Phát triển du lịch 3 tỉnh Bắc Trung Bộ nhờ tăng cường kết nối liên vùng

Thứ Sáu, 03/07/2020 - 06:30

Với lợi thế về vị trí địa lý, bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời, kết hợp với tăng cường kết nối liên vùng sẽ giúp Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh phát triển kinh tế, du lịch.

Du lịch vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh nhiều năm khởi sắc

Vùng Bắc Trung Bộ nói chung và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có vị trí quan trọng, sở hữu tài nguyên du lịch phong phú với bờ biển dài và nền văn hóa đặc sắc, nhiều cửa khẩu giáp Lào. Nhờ đó, các tỉnh này có cơ hội phát triển du lịch liên vùng cũng như phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông – Tây với các nước trong khu vực.

Nhằm phát huy các thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế, du lịch của Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, nhiều năm trở lại đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, kế hoạch nhằm tăng cường phát triển kinh tế, du lịch vùng. Nổi bật là “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ” và “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt năm 2013.

Theo đó, cả 2 Quy hoạch tập trung phát triển du lịch tham quan nghiên cứu di sản thế giới và văn hóa - lịch sử; Liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng và quốc tế là nội dung quan trọng, xuyên suốt đối với phát triển du lịch Bắc Trung Bộ.

Từ những vùng đất hoang sơ, nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch, nhiều nơi đã “thay da đổi thịt”, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch địa phương.

Nhờ đó, chỉ trong năm 2019, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lần lượt đón 9,6 triệu lượt khách (tăng 17% so với 2018), 6,5 triệu lượt khách (tăng 9,5% so với 2018), và gần 4 triệu lượt khách (tăng gần 17% so với năm 2018). Doanh thu từ du lịch liên tục tăng, đơn cử, tổng doanh thu du lịch của Thanh Hóa đạt 14,526 tỉ đồng, tăng 37% so với năm 2018.

Nhìn chung, du lịch, kinh tế của 3 tỉnh đã có nhiều bước phát triển rõ rệt trong. Từ những bãi biển hoang sơ với dịch vụ hạn chế, nhiều nơi đã “thay da đổi thịt” với các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn – nơi nghỉ ngơi nhiều lượt du khách tham gia nhiều tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá.

Tuy nhiên, để tiếp tục tăng trưởng bền vững và khai thác hết các thế mạnh của địa phương, cần tăng cường liên kết, nhất là liên kết liên vùng, giúp hành khách dễ dàng tiếp cận điểm đến thông qua các hình thức di chuyển tiết kiệm thời gian như đường hàng không, đồng thời, tạo lực đẩy phát triển kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp – Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch đầu tư, 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế, du lịch của Bắc Trung Bộ là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng.

Tăng cường kết nối liên vùng qua giao thông hàng không

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có điều kiện phù hợp để phát triển giao thông hàng không khi sở hữu CHK Quốc tế Vinh tại Nghệ An và CHK Thọ Xuân ở Thanh Hóa.

CHK Quốc tế Vinh được đánh giá là một trong những cảng rất tiềm năng, phát triển tốt. Trong giai đoạn từ 2012 đến 2017, lượt khách qua cảng tăng gấp 3 lần, từ 638.000 lượt khách lên 1,8 triệu lượt. Cục Hàng không Việt Nam dự báo đến năm 2020, sản lượng vận chuyển của CHK Quốc tế Vinh ước đạt 3 triệu khách và tăng gấp đôi lên 6 triệu lượt khách vào năm 2025.

CHK Thọ Xuân có tốc độ phát triển vận tải những năm qua liên tục tăng cao cả về lượng hành khách và hàng hóa (khoảng 17,5%), vượt xa so với dự báo, đóng góp lớn vào thành tích đưa du lịch Thanh Hóa đón gần 10 triệu lượt khách du lịch trong năm 2019, tăng 17% so với cùng kỳ.

Theo Quy hoạch CHK quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, CHK Thọ Xuân có mục tiêu quy hoạch là sân bay dân dụng cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm, đón được máy bay code E hoặc tương đương (A350, B747-400, A330, B777).

Các hãng hàng không liên tục mở mới nhiều đường bay kết nối Thanh Hóa, Nghệ An với các khu vực trên khắp cả nước.

Nhờ đóng góp của các hãng hàng khi liên tục nghiên cứu mở mới các đường bay, tính tới nay, 3 tỉnh Bắc Trung Bộ đã cơ bản kết nối với các điểm đến chính thuộc các vùng khắp cả nước, góp phần lớn vào phát triển kinh tế.

Đặc biệt, ngày 1/7 vừa qua, Hãng hàng không Bamboo Airways đã khai trương 3 đường bay mới kết nối Thanh Hóa – Quy Nhơn với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần (thứ 3, 5, 6, chủ nhật), Thanh Hóa – Phú Quốc với tuần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần (thứ 2, 4, 7) và Vinh – Quy Nhơn có tuần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần (thứ 2, 4, 7) với giá vé ưu đãi từ 199.000 VNĐ.

Các đường bay trên được kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối, giao thương, du lịch giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ với duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế xã hội trong đó có ngành du lịch của các địa phương.

Không những vậy, 2 đường bay mới của Bamboo Airways từ CHK Thọ Xuân được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các đường bay quốc tế trong tương lai. Tại sự kiện khai trương đường bay, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh CHK Thọ Xuân sắp được nâng cấp thành CHK Quốc tế, tôi hy vọng Bamboo Airways sẽ sớm nghiên cứu, xây dựng và đưa vào khai thác các chuyến bay quốc tế kết nối Thanh Hóa với các nước trên thế giới”.

Có thể thấy, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, sự phát triển của ngành hàng không sẽ khéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ ăn uống, thu hút đầu tư, giao thương.... Bằng việc phát triển kết nối liên vùng thông qua giao thông hàng không sẽ tạo lực đẩy phát triển hết các thế mạnh du lịch của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top