Phát triển hệ thống đô thị ven biển tiểu vùng Bắc Trung Bộ

Phát triển hệ thống đô thị ven biển tiểu vùng Bắc Trung Bộ

Thứ Hai, 26/09/2022 - 06:12

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh đó là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và hiện nay có 97 đô thị. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đô thị nhiều nhất trong cả nước và trong tiểu vùng (với 35 đô thị). 

**********

Theo điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009, hệ thống đô thị của Việt Nam được phân bổ hợp lý trên cơ sở 6 vùng kinh tế - xã hội. Trong đó có bao gồm vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh ven biển và hiện nay có khoảng 210 đô thị. Đây là khu vực có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, gần khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; cửa ngõ của Tây Nguyên, của đường ra biển nối với đường hàng hải quốc tế, thuận lợi giao lưu phát triển kinh tế và hình thành nền kinh tế mở.

Vùng Bắc Trung Bộ nằm kề bên vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh đó là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và hiện nay có 97 đô thị, trong đó: 2 đô thị loại I (TP. Thanh Hóa - tỉnh Thanh Hóa, TP. Vinh - tỉnh Nghệ An), 2 đô thị loại II (TP. Hà Tĩnh - tỉnh Hà Tĩnh, TP. Đồng Hới - tỉnh Quảng Bình), 5 đô thị loại III (TP. Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn - tỉnh Thanh Hóa, thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An, thị xã Kỳ Anh - tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Đông Hà - tỉnh Quảng Trị), 10 đô thị loại IV và 78 đô thị loại V.

Tỉnh Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đô thị nhiều nhất trong cả nước và trong tiểu vùng (với 35 đô thị), tỉnh Quảng Bình là tỉnh có số lượng đô thị ít nhất trong tiểu vùng (với 10 đô thị). Tỉnh Thanh Hóa là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất trong tiểu vùng (với 35,2%), tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh là hai tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất trong vùng (với 28%).

 Thuận lợi, khó khăn và những bước chuyển mình 

Nhìn chung, hệ thống đô thị ven biển khu vực tiểu vùng Bắc Trung Bộ có những yếu tố thuận lợi như sau:

Thứ nhất, đây là khu vực có được sự quan tâm của Đảng và nhà nước với các Nghị quyết riêng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có một số văn bản quan trọng như:

- Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa II về Chiến lượng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

- Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định liên quan quy hoạch phát triển của Vùng.  Như Quyết định số 1114/QĐ-TTg ngày 09/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung đến năm 2020 (tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 05 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Quyết định 2161/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 05 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) ; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển.Hệ thống các văn bản này tạo hành lang pháp lý định hướng phát triển không chỉ của các đô thị ven biển mà của toàn bộ hệ thống đô thị của tiểu vùng Nam Trung Bộ.

Thứ hai, hệ thống các đô thị ven biển của tiểu vùng Bắc Trung Bộ có những điều kiện thuận lợi về kết nối không chỉ với các đô thị trong vùng mà còn với toàn quốc và quốc tế.

Theo hệ thống đường bộ, tuyến Quốc lộ 1A đi qua 28 đô thị của 05 tỉnh tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Tại tỉnh Thanh Hóa, động lực phát triển là thị xã Nghi Sơn. Tại tỉnh Nghệ An, động lực phát triển là thị xã Cửa Lò. Tại Hà Tĩnh, động lực phát triển là thị xã Kỳ Anh. Tại Quảng Bình, trục các đô thị ven biển có động lực phát triển là: thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn. Hệ thống liên kết này đã kết nối hầu hết các đô thị ven biển, hình thành mạng lưới đô thị theo chuỗi bám dọc tuyến Quốc lộ 1A.

Bên cạnh liên kết đường bộ, khu vực này cũng có kết nối bằng hệ thống đường hàng không. Trong số 5 tỉnh của tiểu vùng Bắc Trung Bộ thì có 02 sân bay đang hoạt động (sân bay Vinh tỉnh Nghệ An và sân bay Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình) và 01 sân bay Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đang được chuẩn bị thủ tục triển khai đầu tư. Việc có các điểm kết nối hàng không như nêu trên, cũng là một thuận lợi trong việc liên kết giữa các đô thị trong vùng với các đô thị còn lại trong cả nước và quốc tế.

Ngoài ra, một số đô thị ven biển tại khu vực này cũng gắn liền với những cảng biển có điều kiện thuận lợi kết nối nội địa và quốc tế như cảng biển nước sâu Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cảng biển nước sâu Cửa Lò (Nghệ An), Cảng Sơn Dương - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cảng biển Mỹ Thủy (Quảng Trị). Bên cạnh đó, tiểu vùng Bắc Trung Bộ có rất nhiều cửa khẩu biên giới giữa Việt - Lào: Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị)… tạo điều kiện tăng cường giao thương với các nước láng giềng.

Thứ ba, đây là khu vực được thiên nhiên ưu đãi về du lịch với đường bờ biển dài (có nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, hoang sơ, hấp dẫn… như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng cùng các giá trị văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc khác nhau, tạo tiền đề để phát triển hình thành các đô thị du lịch ven biển.

Quyết định 2161/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gồm tỉnh Thừa Thiên Huế và tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 05 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Trong Quy hoạch này xác định: Trung tâm du lịch lớn nhất vùng là TP. Huế, sau đó là TP. Vinh và TP. Thanh Hóa. Các thành phố khác trong vùng cũng đóng vai trò quan trọng là Đồng Hới, Hà Tĩnh và Đông Hà. Các trọng điểm phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ là: Khu vực Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị); Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Khu vực Thiên Cầm và Vũng Áng (Hà Tĩnh); Khu vực Cửa Lò - Nam Đàn (Nghệ An); Cụm Thành nhà Hồ - Lam Kinh - Suối cá Cẩm Lương (Thanh Hóa). Đô thị du lịch, nghỉ dưỡng biển là thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) và thị xã Cửa Lò (Nghệ An).

Bắc Trung Bộ là khu vực được thiên nhiên ưu đãi về du lịch với đường bờ biển dài (có nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, hoang sơ, hấp dẫn

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế như nêu trên, khu vực tiểu vùng Bắc Trung Bộ cũng cho thấy còn có những khó khăn như sau:

- Xuất phát điểm nền kinh tế của các tỉnh thấp; quy mô các đô thị cũng như nền kinh tế nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Điều này ảnh hưởng lớn tới quá trình đô thị hóa. Tỉnh Thanh Hóa là tỉnh: có số lượng đô thị đô thị nhiều nhất vùng (35 đô thị) gấp 3,5 lần số lượng đô thị tỉnh Quảng Bình (10 đô thị), tỷ lệ đô thị hóa cao nhất vùng 35,2% gấp 1,2 lần tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Tĩnh (28%).

- Hệ thống các đô thị ven biển ở đây chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Biến đổi khí hậu với tần suất ngày càng tăng của các biến đổi bất thường của thời tiết (hạn hán, bão lũ), dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của các tỉnh ven biển.

Toàn bộ 12 đô thị ven biển tại tiểu vùng đều chịu ảnh hưởng lớn, trong đó 04/5 tỉnh trong khu vực có các đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu theo Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là các đô thị: Thành phố Sầm Sơn, Thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Thị xã Cửa Lò (Tỉnh Nghệ An), Thị trấn Thiên Cầm (Tỉnh Hà Tĩnh), Thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn (Tỉnh Quảng Bình). Trong khi đó, hệ thống các đô thị ven núi chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở. Đây là một trong những trở ngại lớn khi đầu tư phát triển đô thị do đòi hỏi nguồn vốn cao, kỹ thuật xây dựng phức tạp. Ngoài ra, những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khi xảy ra cũng gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như con người.

Ngoài ra, tiểu vùng Bắc Trung Bộ là khu vực có địa hình bị phân chia rõ rệt khu vực ven biển và khu vực miền núi, ảnh hưởng nhiều đến công tác đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt các đô thị miền núi trong kết nối với các đô thị trong vùng. 12/97 đô thị ven biển có mức độ độ thị hóa cao hơn phần lớn các đô thị còn lại trong vùng.

Từ thực tiễn phát triển của hệ thống các đô thị ven biển trong những năm qua, với những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, tiểu vùng Bắc Trung Bộ đã có bước chuyển mình, công tác đầu tư xây dựng phát triển đô thị, đặc biệt là nhóm các đô thị ven biển đã đạt được những kết quả tích cực, như sau:

Thứ nhất, hệ thống đô thị tăng trưởng, phân bổ rộng trên địa bàn các tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Tỉnh Thanh Hóa có 35 đô thị, là tỉnh có số lượng đô thị nhiều nhất cả nước và vùng, tỷ lệ đô thị hóa là 35,2%. Trong đó có 02 đô thị ven biển đó là: TP. Sầm Sơn (đô thị loại III), thị xã Nghi Sơn (đô thị loại IV).

Tỉnh Nghệ An có 23 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 32%. Trong đó có 02 đô thị ven biển đó là: Thị xã Cửa Lò (đô thị loại III), đô thị Sơn Hải (đô thị loại V).

Tỉnh Hà Tĩnh có 16 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 28%. Trong đó có 03 đô thị ven biển đó là: Thị trấn Kỳ Anh (đô thị loại III), thị trấn Thiên Cầm (đô thị loại V), thị trấn Lộc Hà (đô thị loại V).

Tỉnh Quảng Bình có 10 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 28%. Trong đó có 03 đô thị ven biển đó là: thành phố Đồng Hới (đô thị loại II), thị xã Ba Đồn (đô thị loại IV), đô thị Hoàn Lão (đô thị loại V).

Tỉnh Quảng Trị có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 31,1%. Trong đó có 02 đô thị ven biển đó là: Thị trấn Cửa Tùng (đô thị loại V), Thị trấn Cửa Việt (đô thị loại V).

Tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả 5 tỉnh thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa của cả nước. Tổng số có 12 đô thị ven biển và 85 đô thị được phân bổ tại các khu vực khác trong các tỉnh.

Thứ hai, quá trình đô thị hóa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế đô thị.

Tiểu vùng có khoảng 39 khu công nghiệp, trong đó nhiều nhất tại Nghệ An (11 KCN), ít nhất tại Hà Tĩnh (với 3 KCN). Việc từng bước hình thành các khu, vùng công nghiệp rộng lớn trên tiểu vùng nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối, hình thành nhiều khu đô thị mới, tác động mạnh mẽ đến chuyển đổi những vùng nông nghiệp lạc hậu thành các đô thị công nghiệp hiện đại, chuyển đổi các khu vực ven biển kém phát triển thành các khu vực đô thị chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hình thành các đô thị hạt nhân cho vùng kinh tế động lực của tiểu vùng.

khu công nghiệp Nghệ An
Một số khu công nghiệp tại Nghệ An (Ảnh: Thành Cường

Một số đô thị ven biển gắn với các Khu kinh tế, như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (Nghệ An); Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình).

Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là một trong 22 đô thị loại I trên cả nước, được công nhận loại đô thị vào năm 2008 và vùng phụ cận (Cửa Lò; Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn) là vùng đô hóa tập trung tương đối lớn; là khu vực đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đô thị của quốc gia và là đầu mối quan trọng trong cửa ngõ kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 827/2020/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là yếu tố mở ra cơ hội thay đổi tầm nhìn, vai trò, vị thế của Thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An, đồng thời tạo ra động lực phát triển mới cho Thành phố Vinh là đô thị trung tâm, thủ phủ vùng Bắc Trung bộ.

UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2999/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 về việc ban hành Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 03/02/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiệm vụ phát triển “tứ sơn” - các trung tâm động lực của tỉnh cũng chính là phát triển các đô thị Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Sầm Sơn và Lam Sơn - Sao Vàng. Bên cạnh đó, TP. Thanh Hóa là một trong những đô thị hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung bộ và Nam Đồng bằng Sông Hồng, là đô thị loại I, cùng với TP. Vinh và TP. Huế là 1 trong 3 đô thị có quy mô dân số, diện tích lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ.

Tỉnh Thanh Hóa có 8 khu công nghiệp và đang xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn. Khu kinh tế Nghi Sơn là một trung tâm động lực của vùng Bắc Trung Bộ, được đánh giá là trọng điểm phát triển phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

khu kinh tế Nghi Sơn
Một góc khu kinh tế Nghi Sơn (Ảnh: Thanh Tuấn)

Thứ ba, công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị được quan tâm; hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ, đặc biệt đối với các đô thị ven biển. Cả 3/5 tỉnh của tiểu vùng đã ban hành Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; các đô thị ven biển đều đã có quy hoạch chung được phê duyệt; các đô thị lớn từng bước được lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch phân khu và có chương trình phát triển đô thị từng đô thị. Đây là cơ sở để các đô thị có lộ trình đầu tư xây dựng theo quy hoạch và có kế hoạch.

Tại các đô thị ven biển, việc đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang được thực hiện thông qua các dự án như xây dựng nhà ở, biệt thự cao cấp, khu hành chính tập trung và các loại khác (như quảng trường, công cộng, công nghiệp, Bảo tồn, phòng hộ, hạ tầng kỹ thuật cảng...). Việc đầu tư xây dựng các dự án này không những tạo diện mạo mới cho kiến trúc cảnh quan đô thị mà còn cải thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng đã quan tâm và ban hành các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, hệ thống các đô thị ven biển cũng đã từng bước có lộ trình thích ứng và giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thứ tư, hệ thống chuỗi các đô thị ven biển từng bước tạo kết nối mạng lưới với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung - Nam, hỗ trợ liên kết phát triển giữa các vùng trên cả nước.

Với những điều kiện kết nối cả về đường bộ, đường hàng không và đường thủy như phân tích, khu vực tiểu vùng Bắc Trung Bộ với 5 tỉnh đã được quy hoạch hình thành, bố trí cơ bản hợp lý các chuỗi và chùm đô thị tại trong đó có hệ thống các đô thị ven biển bước đầu tạo mối liên kết, phối hợp, chia sẻ chức năng trong mỗi vùng, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng.

Trong tổng thể chung vùng Duyên hải của Việt Nam, khu vực Bắc Trung Bộ đã kết nối để hình thành Chuỗi các đô thị du lịch biển. Căn cứ vào đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, lịch sử, văn hóa, lối sống, chuỗi đô thị du lịch biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được hình thành, trong đó khu vực tiểu vùng Bắc Trung bộ gồm: TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), Thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình).

Những thách thức đan xen

Bên cạnh những kết quả, thành tựu như nêu trên, sự phát triển của hệ thống đô thị ven biển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong thời gian qua cũng cho thấy một số hạn chế, bất cập như:

Thứ nhất, tính liên kết vùng còn yếu; sự phát triển mất cân đối, chênh lệch giữa các vùng, đặc biệt giữa nhóm các đô thị ven biển và nhóm các đô thị vùng núi.

Các đô thị trung bình và nhỏ còn có những hạn chế về sự phát triển, vai trò động lực, góp phần tạo ra mật độ kinh tế ở một số vùng còn thấp. Phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu tập trung phát triển dải ven biển, trong khi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát triển cân đối hài hòa, đời sống, sinh kế của người dân còn nhiều khó khăn. Đây là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế -xã hội của các địa phương trong khu vực.

Thứ hai, chưa huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là từ đất đô thị, từ khu vực tư nhân để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị. Hiện nay, rất nhiều các dự án đầu tư xây dựng ven biển tại các tỉnh hoặc chưa triển khai xây dựng hoặc chậm tiến độ.

Thứ ba, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của các đô thị ven biển nói riêng và các đô thị nói chung là chưa cao.

Thứ tư, năng lực, tư duy và trình độ quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Những hạn chế nêu trên một phần là do những nguyên nhân khách quan như lịch sử, khó khăn suy thoái và tình hình bất ổn kinh tế thế giới, những diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai và dịch bệnh nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan, cụ thể là: 

Nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện.

Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, nhiều nơi còn lỏng lẻo, tiêu cực.

Sự phân công, phối hợp nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phát triển đô thị chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ và thống nhất. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn hạn chế.

Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý sai phạm, tiêu cực chưa kịp thời và nghiêm minh; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa phát huy hiệu quả.

Chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.

Bắc Trung Bộ

Giải pháp để phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo

Trong thời gian tới, để phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam nói chung, hệ thống đô thị ven biển tiểu vùng Bắc Trung Bộ nói riêng, Bộ Xây dựng xin đề nghị một số nội dung sau:

Nhất quán triển khai những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong đó ưu tiên mấy nội dung sau:

- Quán triệt quan điểm phát triển của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa II về Chiến lượng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó “Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển:... Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh... giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.”

- Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ. Do đó, cần rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết, đồng thời tập trung nguồn lực, hoàn thành các mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết.

- Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao. Do đó, cần tập trung nguồn lực, xây dựng lộ trình kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho tiểu vùng Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, 5 tỉnh phải tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, cụ thể như:

-   Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững;

-    Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững;

-   Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Các tỉnh cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật diện rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các dự án trọng, điểm nhất là giao thông tạo động lực phát triển các cực tăng trưởng, vùng đô thị, đô thị lớn, kết nối nông thôn - đô thị.

-   Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện định hướng phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu đã được xác định tại Quyết định số 438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nhóm các đô thị ven biển. Các tỉnh cần rà soát các dự án đầu tư xây dựng ven biển chậm, muộn hoặc chưa triển khai trong thời gian vừa qua để có giải pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nhưng đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bảo vệ cảnh quan môi trường.

-   Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.

-   Cuối cùng là phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị./.

Các tiêu đề phụ do tòa soạn đặt. Bài viết trích từ kỷ yếu Tọa đàm: Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Quảng Bình vào tháng 7/2022.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top