Kiến trúc gây ấn tượng, là số ít công trình có ý nghĩa đặc biệt, mang tính đặc thù, cá biệt nhằm mục tiêu ghi dấu ấn, công trình áp dụng thành tựu cao trí tuệ con người, hay công trình thử nghiệm sáng tạo về lĩnh vực nghệ thuật.
Kiến trúc - nhìn nhận phát triển kiến trúc có thể từ nhiều góc độ khác nhau, thường xuất phát điểm được chú ý từ tính chất của chính nó, đó là: Góc độ học thuật, nghệ thuật kiến trúc. Sự xuất hiện và phát triển tạo nên phong cách, trường phái, trào lưu, hay tầm cao hơn, lan tỏa thành chủ nghĩa là xu hướng phát triển kiến trúc đại diện cho tác giả, cho thời kỳ, cho một quốc gia hay mở rộng toàn cầu.
Góc độ xã hội - nhân văn. Kiến trúc đáp ứng nhu cầu mọi mặt của con người, là cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật cho sự phát triển xã hội. Chịu tác động của thực tiễn, đặc thù của từng quốc gia vùng lãnh thổ và theo thời gian.
Từ góc độ xã hội - nhân văn, kiến trúc đại trà (đại chúng) thể hiện dáng vóc và bộ mặt của từng đô thị, khu vực nông thôn, một vùng lãnh thổ hay nói chung của một quốc gia, phản ánh thực trạng của xã hội đương thời (về mức độ phát triển, trình độ cộng đồng dân cư, khả năng quản lý…).
Sự đổi mới (1986) đã tạo điểm mới cho sự phát triển đất nước, trong đó có kiến trúc. Bản chất kiến trúc không thay đổi, nhưng động lực mới, các tác động khách quan tích cực, đa chiều làm cho kiến trúc - xây dựng Việt Nam phát triển đột phá (từ quy mô, phạm vi, sự phong phú đa dạng đến nâng tầm chất lượng, theo xu thế chung).
Mặc dù còn có những “hạt sạn”, hay sự phát triển không đồng đều (giữa đô thị lớn với đô thị nhỏ, đô thị nông thôn đồng bằng với miền núi… giữa kiến trúc nước ngoài với kiến trúc đầu tư trong nước) nhưng nhìn tổng thể có thể thấy được hiện hình ảnh đẹp của một quốc gia đang vươn lên sau những năm dài đấu tranh giành độc lập, ưa chuộng hòa bình thống nhất, quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh theo con đường CNH, HĐH.
Từ xuất phát điểm, có thể tổng quan nhìn nhận phát triển kiến trúc Việt Nam đang theo những xu hướng sau đây:
Xu hướng hiện đại mới
Thời đại nào, có con người có các yếu tố vật chất, tinh thần kèm theo tương ứng. Trình độ dân cư, điều kiện lãnh thổ, xã hội của các quốc gia khác nhau, nhưng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, xu thế “hiện đại hóa” là xu thế tất yếu chung.
Thời đại hiện đại từ thành tựu cách mạng công nghệ thứ 3 (công nghệ thông tin, tự động hóa) đã là lý tưởng cho nhân loại nay đang chuyển sang tầm cao của cách mạng công nghệ thứ 4 (công nghệ số, trí tuệ nhân tạo), con người dần được giải phóng để hưởng thụ nhiều hơn.
Việt Nam là một nước phát triển muộn, đang có cố gắng bước vào dòng cuốn ấy. Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại (đến 2020) có nêu rõ tính “hiện đại tiên tiến” cần vươn tới, đồng hành cùng xu thế phát triển chung của xã hội thời kỳ mới.
Nhân tố lợi thế làm cho phát triển kiến trúc theo hướng hiện đại đảm bảo bền vững trước hết là có con người hiện đại. Sự giao lưu hội nhập, đòi hỏi của phát triển xã hội đã làm cho lớp người thế hệ cũ (nhưng vẫn có vai trò chủ chốt) chuyển biến tư duy và nâng tầm chất lượng, một thế hệ trẻ mới vào đời năng động sáng tạo muốn nhập cuộc thời đại.
Không chỉ ở đô thị mà kiến trúc nông thôn, đặc biệt các khu vực ven đô cũng hướng theo thành phố khi CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn các làng xã được “hiện đại hóa”.
Lợi thế tiếp theo, là chúng ta phát triển trong bối cảnh được tiếp cận và thừa hưởng nhiều thành tựu của thế giới về khoa học kỹ thuật - công nghệ tiến bộ, thông qua thương mại, hợp tác. Điều kiện vật chất khá lên, nhu cầu con người đòi hỏi nhiều hơn, cao hơn. Trước đây chỉ cần đầy đủ để sống và làm việc, nay cần thêm để hưởng thụ.
Xã hội hiện đại làm thay đổi nếp sống của con người theo hướng văn minh, tân tiến, và cả cầu kỳ hơn. Khoa học đã làm thay đổi quy trình sản xuất và phương thức làm việc theo hướng giản đơn, giải phóng sức người nhưng hiệu suất cao. Kiến trúc buộc phải thích ứng. Nhiều thể loại công trình xuất hiện đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tài chính thương mại, đào tạo, dịch vụ du lịch - vui chơi giải trí hưởng thụ, chăm sóc sức khỏe…
Tổ chức không gian bên trong cũng thay đổi theo dây chuyền công nghệ hoạt động mới, nâng cấp tiện nghi theo trang thiết bị mới (đa dạng chủng loại, tự động hóa, điều khiển thông minh). Nội ngoại thất hiện đại theo chức năng trưng bày và thẩm mỹ của người sử dụng khi có vật liệu mới phong phú, chất lượng cao. Tổ hợp kiến trúc trong quy hoạch cũng sinh động hơn, phát triển kiến trúc hợp khối cao tầng trong điều kiện có thang máy, khả năng tính toán công trình xây dựng loại hình này.
Xu hướng thương mại phù hợp thị trường
“Hiện đại hóa” và tư duy “thị trường” đã có ngay từ khi thành lập quy hoạch xây dựng. Khi xã hội chuyển biến từ phát triển kinh tế theo quy luật thị trường, nhiều thành phần, mối quan hệ kiến trúc với các đối tượng mà nó phục vụ đã thay đổi phương thức. Giá trị kiến trúc cũng được nhìn nhận khác.
Trước đây (đặc biệt thời xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc) Nhà nước bao cấp đầu tư vào kiến trúc, giá trị kiến trúc được chú trọng ở công năng sử dụng, nghệ thuật thẩm mỹ ở mức độ điều kiện cho phép. Ngày nay, khi xã hội hóa, nhiều nguồn đầu tư vào kiến trúc khác nhau, kể cả nước ngoài, mục tiêu của xây dựng chuyển sang thương mại, thì kiến trúc được chú trọng ở giá trị thu lợi, như một “sản phẩm hàng hóa”, một “tài sản” lớn.
Thị trường bất động sản mở ra, kiến trúc phát triển sôi động nhất ở lĩnh vực nhà ở. Luật Nhà ở đã công nhận có thể loại “nhà ở thương mại”. Nhiều khu đô thị mới - thực chất là khu nhà ở tập trung, gồm các chung cư cao tầng, các biệt thự hạng sang, các dãy nhà liền kề, nhà phố thương mại (trên ở dưới bán hàng, làm dịch vụ) xuất hiện khắp các tỉnh thành cả nước. Nhà ở chia lô mang tính chất vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng xuất hiện ở nông thôn, ven các tuyến đường hoặc ở trung tâm làng xã, dạng “phố thị”.
Chúng ta đều biết, kiến trúc theo xu hướng thương mại bao giờ cũng lấy mục tiêu thu lợi là trước hết. Nhà ở dân tự xây, làm để ở nhưng lại nghĩ đến làm thế nào khi bán được nhiều tiền nhất, xây dựng tối đa diện tích để tính mét vuông, ít nghĩ đến môi trường sống hoặc tiện nghi sử dụng mọi mặt. Các chung cư, tiền nào của nấy theo cấp độ, tuy nhiên sự chênh lệch của đầu tư, mức độ tiện nghi với giá thành quá xa, không tương xứng với giá trị thật.
Các công trình kiến trúc khác như nhà máy, công trình thương mại, văn phòng cho thuê, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các dịch vụ đa dạng. Công trình của nước ngoài có khá hơn, nhưng nhìn chung là công trình thu lợi nên đều theo nguyên tắc chi phí sản xuất tối thiểu, thu lợi để thu hồi vốn nhanh tối đa, nên kiến trúc đa phần lược giản, đồng điệu “vô hồn”.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, kiến trúc “thương mại” này là “lực lượng nòng cốt” của kiến trúc Việt Nam vừa qua, và sắp tới để chóng lấp đầy quy hoạch và tạo dựng bộ mặt cho các đô thị.
Xu hướng trở về sinh thái - xanh, được nâng tầm
Nói trở về sinh thái, bởi kiến trúc của chúng ta, đặc biệt kiến trúc dân gian, vốn dĩ đã là kiến trúc sinh thái. Người Việt Nam xưa đa phần sống bằng nông nghiệp (nông nghiệp lúa nước), một nghề quá lệ thuộc vào thiên nhiên.
Chẳng thế mà tín ngưỡng gốc của người Việt là đạo Mẫu (thờ Trời - đất - các thánh thần). Con người và thiên nhiên hòa nhập. Ngôi nhà, tổ chức không gian sinh sống, canh tác là một vòng sinh thái tuần hoàn. Kiến trúc dân gian như một giải pháp thụ động của con người để thích ứng với tự nhiên, nhằm tạo môi trường “nguyên sinh” tốt cho con người bấy giờ.
Trải qua quá trình phát triển, con người hoặc quên, hoặc lạm dụng thành tựu trí tuệ, khai thác thiên nhiên dẫn đến hủy hoại nó, dùng môi trường nhân tạo để thay thế. Giờ đây đã bắt đầu phải trả giá. Khi nhu cầu chất lượng sống cao lên, môi trường lại ô nhiễm, tài nguyên lại cạn kiệt, thiên tai từ biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa, thức tỉnh nhân loại quay trở lại thân thiện và bảo vệ thiên nhiên, phát triển theo nguyên tắc đảm bảo bền vững.
Việt Nam là nước phát triển sau, dẫm lên vết chân “đáng tiếc” mà một số nước đã đi qua, nhưng cái đáng tiếc nhất là bỏ qua cái mình đã có và ngộ nhận mình đổi mới theo thế giới hiện đại. Sinh thái - xanh, phát triển bền vững là xu thế mà kiến trúc thế giới đang hướng tới.
Trong bối cảnh mà thực tế xã hội, trí tuệ con người phát triển đỉnh cao, kiến trúc sinh thái không còn ở ý nghĩa sơ khai xưa mà được nâng tầm, mở rộng khái niệm mới, phù hợp nhu cầu và nếp sống con người hiện đại, phù hợp phương thức sản xuất và làm việc của thời đại cách mạng công nghiệp mới. Kiến trúc sinh thái - xanh mới ấy không chỉ là một xu hướng mà còn mang bản chất lâu dài cho kiến trúc Việt Nam.
Về quan hệ với môi trường, kiến trúc sinh thái - xanh được điều tiết từ việc lựa chọn và chuẩn bị địa điểm cho kiến trúc không tác động, phá vỡ cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên vốn có, trong quá trình vận hành xây dựng, sử dụng không làm ô nhiễm xung quanh, cố gắng bổ sung môi trường nhân tạo bù đắp và cải thiện vi khí hậu cũng tăng giá trị thẩm mỹ cho khu vực.
Cũng từ thực trạng trái đất, đặt ra cho con người trong quá trình phát triển kinh tế phải sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên năng lượng, trong đó đặc biệt bảo tồn nguồn nước, khuyến khích khai thác năng lượng sạch, tái tạo gió, mặt trời, sinh học…) giảm thiểu hóa thạch, xả thải ô nhiễm. Sử dụng khoa học công nghệ trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Kiến trúc sinh thái - xanh vẫn lấy con người làm trung tâm, tạo môi trường bên trong tối ưu cho cuộc sống và hoạt động của con người sử dụng về tiện ích, chất lượng môi trường dễ chịu, an toàn. Tổ chức kiến trúc chủ động thích ứng tự nhiên, biết khai thác lợi thế điều kiện khí hậu (nắng, gió…), hạn chế nhân tạo.
Kiến trúc sinh thái - xanh tạo sự cộng sinh của con người với thiên nhiên, với Việt Nam - một đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa - tín ngưỡng, kiến trúc mới còn tạo nên môi trường sinh thái nhân văn cho cộng đồng, cho sự hội nhập với truyền thống. Một nền kiến trúc hiện đại cho con người hiện đại, phù hợp đặc thù của bản địa và khéo léo “trình diễn” nó sẽ tự thân hiện diện bản sắc như định hướng phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã đề ra.
Việt Nam trong xu thế hội nhập toàn cầu, phát triển kiến trúc từ góc độ xã hội - nhân văn cũng không ngoài các xu hướng chung hiện đại - thị trường - xanh phát triển bền vững.
Khi kiến trúc không chỉ là một bộ phận trong nền văn hóa vật chất của xã hội, thực hiện nhiệm vụ công năng, dùng hình thức biểu hiện ý thức xã hội (quan điểm triết học, tôn giáo, nghệ thuật của con người) mà còn là một thành phần quan trọng (sản phẩm hàng hóa) trong nền kinh tế thị trường thì vấn đề đặt ra là làm sao dung hòa được giữa mục tiêu với tính chất, để có được một kiến trúc hoàn thiện.