"Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng" là chủ trương mà Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh trong kỳ họp Quốc hội lần này. Nhưng dù được đánh giá là thành phần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế song thực tế, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, và các vấn đề chính sách, thủ tục hành chính chưa thực sự hỗ trợ được các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình hoạt động.
Thủ tục hành chính rườm rà có thể “giết chết” những ý tưởng khởi nghiệp
Tại nhiều diễn đàn và các buổi đối thoại, không ít doanh nghiệp tư nhân từng lên tiếng về hàng loạt bất cập của cửa ải hành chính và hàng rào pháp lý. Nỗi ám ảnh thục tục hành chính được coi là “tròng cổ” bó buộc sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Trong một buổi gặp gỡ báo chí, ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường – một trong những doanh nghiệp có gần 30 năm trên thương trường, chia sẻ, dù đã có những chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính nhưng thực tế, doanh nghiệp càng ngày càng gặp khó khăn hơn.
Lấy ví dụ về điều này, ông Thắng nói, về thủ tục đất đai, thời hạn quyết định phê duyệt cho thuê đất trước năm 1980 là 3 ngày, trước năm 1990 là 10 ngày, trước năm 2010 là 3 tháng và từ năm 2010 đến nay là 3 - 5 năm. Chưa kể, việc quy định về sổ hồng và sổ đỏ hiện nay cũng đang khiến doanh nghiệp rơi vào thế “bí” bởi quá trình chuyển đổi giữa 2 sổ này là không hề dễ dàng, tốn kém. Trong khi đó, doanh nghiệp luôn cần vốn để đầu tư và tái sản xuất. Như công ty ông Thắng hiện tại, dù đã có sổ đỏ nhưng quy định mới lại yêu cầu phải có sổ hồng mới được phép vay vốn ngân hàng.
Ông Thắng cũng cho biết, ngoài ra, việc cấp giấy phép xây dựng trong các dự án đầu tư đang tạo ra cản trở lớn làm ngừng trệ các dự án bởi thời gian cấp giấy phép lên tới 20 tháng. Hệ lụy của quy định này đã khiến một dự án xây dựng xí nghiệp của công ty Sơn Trường bị dừng lại khiến 300 lao động không có việc làm, tiền vay lãi để thực hiện đầu tư gia tăng. Doanh nghiệp của ông Thắng phải tốn 1,5 tỷ đồng/tháng để duy trì xí nghiệp tư nhân này.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo của Công ty Sơn Trường cho rằng, với vướng mắc về thủ tục hành chính rắc rối, sự đùn đẩy từ các cơ quan quản lý Nhà nước khiến cho khối kinh tế tư nhân luôn đối mặt với nhiều khó khăn. “Chúng ta muốn phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng ý tưởng khởi nghiệp chưa đi vào hoàn thiện đã bị “chết” bởi thời gian đợi thủ tục cấp phép quá lâu dài, lên tới hàng năm” – ông Thắng nhấn mạnh.
Đây cũng là lý do khiến số lượng các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ chiếm phần lớn. Ông Thắng cho rằng: “Hiện nay, Việt Nam đã có những tập đoàn vô cùng lớn mạnh. Đó là những doanh nghiệp đã vượt qua được hàng rào pháp lý nên họ cứ tiếp tục phát triển. Nhưng với doanh nghiệp nằm dưới hàng rào pháp lý vẫn sẽ còn gặp nhiều trở ngại, khó vươn tầm”.
Cần áp dụng linh hoạt các chính sách pháp luật
Trên cơ sở cho rằng, một doanh nghiệp luôn phải đối mặt với 3 thủ tục: thứ nhất về đất đai, thứ hai là xây dựng và thứ ba là nguồn vốn vay ngân hàng, ông Thắng đã có kiến nghị: “Liên quan đến thủ tục chuyển đổi sổ hồng và sổ đỏ gây khó cho doanh nghiệp vay vốn, nên để ngân hàng tự quyết quyền cho vay mà không cần quy định ràng buộc phức tạp. Bởi thực tế, phía ngân hàng phải thẩm định cẩn trọng, vì đây là hoạt động liên quan tới tình hình kinh doanh của chính ngân hàng”.
Ngoài ra, với các văn bản pháp quy như Luật Đất đai, thủ tục đầu tư liên quan đến Luật Đầu tư, Môi trường, PCCC cũng cần tinh gọn để giảm áp lực cho doanh nghiệp tư nhân.
Trao đổi với báo chí, ông Phí Văn Dực, Giám đốc VCCI Hải Phòng cho rằng, thủ tục hành chính đang gây khó cho doanh nghiệp xuất phát từ 2 phía: một phần là phía cơ quan quản lý Nhà nước và một phần từ phía doanh nghiệp. Phía các cơ quan Nhà nước đã thực hiện đúng quy định, văn bản pháp luật đưa ra. Nhưng về phía doanh nghiệp nếu thực hiện đúng thì sẽ dễ đánh mất cơ hội. Điều này đòi hỏi cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần phải có tiếng nói chung và vận dụng quy định pháp luật linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Dực, các cấp lãnh đạo cần có biện pháp tích cực để cải thiện môi trường kinh doanh hợp lý. “Chủ trương là đúng nhưng đôi lúc các cấp địa phương chưa bắt kịp được xu hướng thời đại, còn nhiều cứng nhắc. Trong khi đó, hiện tại lại có nhiều văn bản đã lỗi thời, chưa bắt kịp với thời đại. Tuy nhiên để đợi sự thay đổi không thể một sớm một chiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp".
Ông Dực nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, rất cần những lãnh đạo địa phương năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chỉ có như vậy, kinh tế tư nhân mới có môi trường phát triển thuận lợi.