Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương sớm xây dựng và triển khai giải pháp lành mạnh hóa thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, khu nhà ở cho người lao động chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động. Cùng đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.
Đặc biệt, khi dịch bùng phát nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Nam hồi quý 2/2021 đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này đã gây tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp cấp thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế đang được xã hội quan tâm.
Phát triển nhà ở công nhân cũng là một trong những nội dung góp phần đưa Nghị quyết 25 đi vào thực tiễn. Đặc biệt, khi Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp cùng nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức; tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý 1/2022.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết công nhân là một trong 10 nhóm đối tượng quy định được hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 49 của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, công nhân có phương thức sống và đặc thù về công việc rất khác so với các đối tượng khác.
Hiện Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước.
Là lực lượng có đóng góp lớn cho xã hội nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, nhiều khu công nghiệp chưa có nhà ở cho công nhân.
Trước thực tế này, vấn đề đặt ra là người lao động tại các khu công nghiệp cần được đảm bảo về phúc lợi xã hội, cần được chăm lo đời sống tinh thần, có việc làm bền vững để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Ngược lại, doanh nghiệp cần người lao động phải làm việc với thái độ tích cực, năng suất lao động hiệu quả, thực hiện tốt kỷ luật, nội quy lao động, gắn bó lâu dài thì doanh nghiệp mới ổn định sản xuất và kinh doanh có lãi. Đây là mối quan hệ có tính gắn bó mật thiết, hai chiều và tác động qua lại.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thế nhưng, các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng.
Nhiều khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như nhà ở, khu vui chơi giải trí, trường mẫu giáo cho con em công nhân… Do đó, công nhân phải ra thuê trọ ngoài nhà dân và sinh sống ở nơi chật chội, thiếu thốn, đông đúc.
Khi dịch bệnh bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo… Cộng với khó khăn về việc làm khiến nhiều lao động bỏ việc về quê, gây thiếu hụt nguồn lao động, có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi sản xuất đang lấy đà để tranh thủ vận hành trở lại ngay khi vãn dịch.
Đồng Nai được xem là thủ phủ khu công nghiệp của cả nước với hàng triệu lao động; trong đó hơn một nửa là lao động ngoại tỉnh nên vấn đề nhà ở cho công nhân lao động trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành.
Trong một lần đi khảo sát nhà trọ công nhân khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát nghiêm trọng tại địa phương, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai từng chia sẻ thiếu nhà ở xã hội, để công nhân ở trong những phòng trọ chật chội, chính là món nợ lớn mà Đồng Nai phải trả trong thời gian tới.
Mặc dù tầm quan trọng của việc phát triển nhà ở công nhân đã được nhìn nhận từ rất sớm với nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước nhưng đến nay con số chưa đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Một câu hỏi đang được thực tế đặt ra, liệu bao giờ cung mới “đuổi kịp” cầu?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định trong thời gian qua, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển nhà ở cho các đối tượng, đặc biệt là chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân, người lao động tại khu công nghiệp với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị - kinh tế.
Tính đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, bao gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân có quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2.
Tính riêng năm 2021, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 17 dự án, quy mô xây dựng khoảng 27.800 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 1.390.000m2.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ rõ bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn triển khai chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc khi triển khai các quy định của pháp luật.
Điển hình như nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, quỹ đất còn thiếu và bố trí chưa phù hợp, cơ chế ưu đãi thiếu hợp lý, chưa hài hòa lợi ích và thủ tục hành chính còn phức tạp...
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố chưa thực sự quyết tâm và chưa chủ động bố trí nguồn lực của địa phương cho nội dung này; chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Điều này dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cần 12,5 triệum2 sàn nhà ở xã hội.
Dự báo giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong số đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Nhu cầu rất lớn, nhưng rào cản phát triển nhà ở xã hội; trong đó có nhà ở công nhân vẫn tồn tại nhiều, ở cả khâu thể chế chính sách và tổ chức thực hiện - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ. Bởi vậy, thời gian tới, để tăng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014; trong đó, kiến nghị sửa đổi chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tháo gỡ các vướng mắc theo hướng điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo cho chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi thực chất.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung quy định về tài chính phát triển nhà ở xã hội theo hướng quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các vị trí không phù hợp để đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội; bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức lựa chọn đơn vị đủ năng lực để thực hiện.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng khẳng định cần tách nhóm đối tượng người lao động, công nhân khu công nghiệp để có chính sách riêng và bổ sung các quy định về quỹ đất để phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong phạm vi quy hoạch khu công nghiệp cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong việc đầu tư nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp đó thuê.
Đồng thời, cải cách, rút gọn thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cũng như trong quy trình mua - bán, xác nhận đối tượng thụ hưởng./.