Aa

Phát triển nhà ở xã hội chưa đạt kỳ vọng do vấn đề thời gian, chính sách

Thứ Ba, 01/04/2025 - 13:58

Theo chuyên gia, phát triển nhà ở xã hội ở nước ta còn nhiều bất cập về mặt chính sách và thời gian, các địa phương cần thêm thời gian để hoàn thành nhiệm vụ về nhà ở xã hội.

Tại tọa đàm "Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội" tổ chức sáng 1/4, các chuyên gia cho rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và quyết sách quan trọng, việc triển khai Đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp và công nhân trong giai đoạn 2021 – 2030" vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phát triển nhà ở xã hội chưa đạt kỳ vọng do vấn đề thời gian, chính sách- Ảnh 1.

Quang cảnh tọa đàm "Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội". (Ảnh: Trọng Hiếu)

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội còn chậm so với mục tiêu đề ra. Tính đến nay, cả nước mới chỉ có 655 dự án được triển khai, đạt khoảng 42,38% mục tiêu của Đề án. Một số địa phương đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, song nhiều nơi có nhu cầu lớn lại chưa thực sự vào cuộc. Đặc biệt, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn rất chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Vấn đề thời gian phát triển nhà ở xã hội

Các chuyên gia và doanh nghiệp chỉ ra rằng, có ba "nút thắt" lớn nhất đang cản trở sự phát triển của nhà ở xã hội. Đầu tiên là vấn đề pháp lý. Các quy định còn chồng chéo, thủ tục phê duyệt dự án rườm rà, kéo dài, gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Thứ hai là nguồn vốn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi còn nhiều rào cản do quy trình thẩm định phức tạp, thời gian kéo dài. Thứ ba là quỹ đất. Việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội còn thiếu, không đồng đều và hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.

Ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thông tin, tổng số căn hộ đã khởi công và hoàn thành cho đến thời điểm hiện tại, so với mục tiêu đến năm 2025 đã đạt khoảng 45%. Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, nhưng so với nhu cầu, yêu cầu và mục tiêu của dự án vẫn chưa đáp ứng được.

Phát triển nhà ở xã hội chưa đạt kỳ vọng do vấn đề thời gian, chính sách- Ảnh 2.

Ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thông tin tại tọa đàm. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội cho rằng, vấn đề thời gian là một trong những nguyên nhân khiến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa được như kỳ vọng. Các địa phương cần thêm thời gian để quy hoạch, bố trí quỹ đất và thực hiện thủ tục.

"Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được phê duyệt năm 2023, đến nay chúng ta mới thực hiện hơn 2 năm. Dự án nhà ở xã hội cũng cần thực hiện thủ tục giống như các dự án khác nên cần thời gian để triển khai thực hiện. Trong khi đó, quá trình từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành dự án, ít nhất phải mất từ 1 đến 2 năm", ông Hải nêu.

Ngoài ra, theo ông Hải, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương rất quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kết nối, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhưng còn khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, một phần do thiếu nguồn ngân sách nhà nước, phần khác do dự án này thủ tục lựa chọn chủ đầu tư còn tương đối phức tạp, phải qua đấu thầu, mất rất nhiều thời gian.

Luật còn bất cập, quy hoạch quỹ đất còn thụ động

Ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho rằng những vướng mắc tồn tại trong phát triển nhà ở xã hội có 2 khía cạnh là chính sách và thực hiện chính sách

Theo ông Bình, về chính sách, trước đây, Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 còn bất cập chồng chéo. Nhà ở xã hội theo Luật Đất đai 2013, quy định quỹ đất cho nhà ở xã hội không phải qua đấu giá, chỉ giao đất, nhưng Luật Nhà ở 2014 quy định phải đấu thầu, điều này khiến mất thời gian, kéo dài.

Phát triển nhà ở xã hội chưa đạt kỳ vọng do vấn đề thời gian, chính sách- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Một vấn đề khác tồn tại trong chính sách, theo ông Bình là việc quy hoạch, quy định của Nhà nước về nhà ở xã hội. Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội trước đây còn mang tính chất thụ động, trung ương đưa quy hoạch đất đai, các địa phương có chỉ tiêu và dựa trên đó là quy định bao nhiêu % là quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay, trong các luật mới, Nhà nước đã cho địa phương chủ động hơn trong quy hoạch đất dành cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trước đây, quy định Luật Nhà ở 2014 nêu rõ các địa phương, các dự án phải dành 20% quỹ đất, diện tích dành cho nhà ở xã hội, có địa phương lại cho áp dụng quy đổi bằng tiền. Về thực hiện chính sách, trước đây, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp chưa tăng cao như hiện nay:

"Thời điểm hiện tại, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân tăng cao, điều này gắn với quá trình đô thị hoá. Cho nên, thực tiễn cuộc sống đặt ra những đòi hỏi phải giải quyết. Trước đây, ngoại trừ các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng thì  các địa phương khác thì chưa quan tâm nhiều đến nhà ở xã hội", ông Bình đánh giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top