Sáng 24/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản để lấy ý kiến, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, tìm giải pháp thúc đẩy lĩnh vực nhà ở - bất động sản tăng trưởng ổn định, bền vững.
Tại cuộc làm việc, Bộ Xây dựng đã khái quát tình hình thị trường bất động sản trong những năm vừa qua, đánh giá những tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2020, đề xuất những giải pháp cấp bách và lâu dài tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nói riêng.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua đã có bước phát triển tương đối ổn định; cơ chế chính sách pháp luật đã cơ bản hoàn thiện, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng được nâng cao, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; số lượng dự án ngày càng nhiều, quy mô dự án lớn tăng cao, sản phẩm bất động sản ngày càng đa dạng phong phú.
Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành ngày càng nhiều làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phẩn bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên giai đoạn vừa qua, với những biến động nhất định cho thấy thị trường bất động sảnchưa thật sự phát triển bền vững, đặc biệt do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với các hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch thị trường bất động sản đã gây ra những thiệt hại, những thách thức mới đối với lĩnh vực này.
Cụ thể, số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng; tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực bất động sản tương đối lớn; số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng thấp nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2015 - 2019, trong đó số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngưng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019 - tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong các ngành nghề; số lượng, giá trị sản phẩm bất động sản tồn kho tăng…
Theo đề nghị của Bộ Xây dựng, các chuyên gia đã tập trung đánh giá khái quát thị trường bất động sản và có những so sánh giai đoạn trước đây và hiện nay; đồng thời đưa ra những nhận định mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đề xuất những giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn trước mắt và về lâu dài.
Các chuyên gia đều đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng khi đưa ra các giải pháp về thể chế, tài khóa và tín dụng đối với phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt là tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội - coi đây là giải pháp tạo đà, “kích thích” sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn này.
Trước mắt, Bộ Xây dựng cần phối hợp đánh giá kỹ lưỡng tình hình ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. HCM, rà soát việc triển khai các dự án nhà ở, bất động sản lớn ở hai địa phương này bởi đây là thị trường lớn nhất…
Các chuyên gia cũng cho rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Xây dựng sớm đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như: Xem xét cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay;…
Các chuyên gia đã đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng báo cáo, đề xuất giải pháp tháo cụ thể và kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ngay sau đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra các giải pháp, nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tổng thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.