Aa

Phát triển thành phố Thủ Đức - khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM

Thứ Bảy, 17/10/2020 - 13:53

Khu vực phía Đông gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha (tương đương 10% diện tích thành phố) và quy mô dân số hơn 1 triệu người (12% tổng dân số thành phố).

Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông với nền tảng phát triển mũi nhọn là kinh tế tri thức và hợp tác phát triển sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực.

Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, thành phố sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển và môi trường thiên nhiên.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Nền tảng lớn cho phát triển

Ngày 16/10, trong tham luận “Phát triển thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông giai đoạn 2020 - 2035” tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 14 - 18/10, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết với kỳ vọng đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển, tiếp nối truyền thống năng động, dám nghĩ, dám làm và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã xây dựng Đề án “Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố”, tiến hành song song với công tác nghiên cứu lập quy hoạch không gian đô thị.

Những năm gần đây, thành phố đã có những bước tiến trên con đường phát triển về thương mại, dịch vụ, công nghệ và hạ tầng đô thị. Tại khu vực phía Đông, hạ tầng giao thông đô thị đa phương thức có nhiều chuyển biến với hàng loạt công trình trọng điểm như đường Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn, Vành đai 2, tuyến metro số 1…

Cầu vượt đường sắt đô thị tuyến metro số 1 sông Sài Gòn. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Đồng thời, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu nghiên cứu khoa học - Khu công nghệ cao, Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc... dần hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm, trung tâm thương mại, dịch vụ và dân cư hiện đại.

Đây là một trong những tiền đề để thành phố đưa ra ý tưởng xây dựng khu phía Đông của thành phố trở thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao - hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới.

Khu vực phía Đông gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha (tương đương 10% diện tích thành phố) và quy mô dân số hơn 1 triệu người (chiếm 12% tổng dân số Thành phố).

Khu vực này có thế mạnh về vị trí địa lý, là trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi, giúp kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận. Hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Khu Đại học Quốc gia Thành phố có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu…

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố là một chiến lược phát triển có tầm nhìn 20 năm, được phân chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2020 - 2022) sẽ ban hành kế hoạch và khung phát triển tổng thể, các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư.

Giai đoạn 2 (2022 - 2030) sẽ xây dựng công trình tại các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm và tạo mạng lưới liên kết. Cải thiện tình trạng giao thông và môi trường đô thị.

Giai đoạn 3 (2030 - 2040) là quảng bá dự án quy mô quốc tế, thiết lập mạng lưới hợp tác toàn cầu.

Triển khai nhiều giải pháp cốt lõi

Phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thành phố tập trung làm tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó đặc biệt lưu ý xác lập vai trò hạt nhân phát triển của thành phố, gắn kết chặt chẽ với vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi và có nhiều tiềm năng, lợi thế, cần tập trung nguồn lực để xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các đô thị vệ tinh ven đô. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất thí điểm các mô hình mới phù hợp thực tiễn, tạo động lực mạnh mẽ phát triển Thành phố với tốc độ nhanh và bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết Sở đã có Đề án đề xuất các nhóm giải pháp cốt lõi cần được triển khai đồng bộ về quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch kinh tế - xã hội, ban hành các quy định quản lý và hướng dẫn thực thi trên nhiều lĩnh vực liên quan đô thị, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, thiết kế công trình thân thiện môi trường…

Đồng thời, rà soát, đánh giá, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên - môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư trên địa bàn 3 quận. Xây dựng chính sách tổng thể về tài chính đô thị dựa trên những mục tiêu quy hoạch và phát triển hạ tầng các khu trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số đối với công trình hạ tầng giao thông; công trình hạ tầng xã hội.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, thành phố sẽ đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế, thiết lập các chương trình đào tạo kỹ thuật.

Cùng với đó, thành phố triển khai giải pháp xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, xác định các lĩnh vực chính để có chính sách kích cầu, thu hút phát triển các ngành kinh tế sáng tạo mà thành phố xác định lựa chọn.

Việc hình thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố với cơ sở hạ tầng thuận lợi, với nhiều ưu thế được kỳ vọng trong việc thực hiện các đổi mới sáng tạo. Việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của thành phố./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top