Aa

Quy hoạch TP. Thủ Đức cần những không gian đặc biệt

Thứ Năm, 15/10/2020 - 11:51

Theo giới chuyên gia, TP. Thủ Đức tương lai phải được quy hoạch một cách bài bản từ không gian đô thị, kết nối giao thông công cộng, đến hạ tầng đô thị để tạo lực đẩy phát triển.

Theo các chuyên gia về kiến trúc, khu vực TP. Thủ Đức tương lai nằm giữa 2 con sông quan trong của cả miền Nam là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Đây là một vị trí địa lý rất quan trọng, tương tự như thành phố Tokyo của Nhật Bản, thành phố Ontario của Canada, hay như vùng đô thị của New York.

TP. Thủ Đức tương lai có một vị trí địa lý rất quan trọng, tương tự như thành phố Tokyo của Nhật Bản, thành phố Ontario của Canada, hay như vùng đô thị của New York.

Việc quy hoạch phát triển TP. Thủ Đức bắt đầu từ việc kích hoạt 6 khu vực trọng điểm gồm Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao. Với 6 khu vực này, vấn đề quan trọng là kết nối lại bằng giao thông công cộng, để các khu vực này kích hoạt tiềm năng riêng, mặt khác sẽ cộng hưởng giá trị của 6 khu vực để tạo lực đẩy phát triển.

Về tổ chức không gian, theo KTS. Phạm Phú Cường - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM là không phát triển theo vết dầu loang, không phát triển bê tông hóa, không biến thành sa mạc bê tông mà phát triển theo mô hình gọn chặt. Việc phát triển gọn chặt sẽ bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo ra không gian đi bộ trong từng khu vực.

Đây là hình thức rất hiện đại và nhân văn và cũng là xu thế của thời đại 4.0, xu thế của môi trường sáng tạo. Việc phát triển như vậy sẽ giúp khu vực phát triển đa dạng, đan xen nhiều chức năng, giúp cho cuộc sống con người sống động hơn.

Ông Cường cho biết, nhìn trên bản đồ sẽ thấy có một không gian còn nhiều dư địa là không gian gần bờ sông Đồng Nai. Làm sao để việc phát triển không phá hủy đặc trưng sông nước tự nhiên của khu vực ven sông Đồng Nai, giữ gìn được giá trị của hệ sinh thái đó như túi nước chứa cho Thành phố và cảnh quan tự nhiên, vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Ngoài ra, giao thông công cộng cũng phải được quan tâm đầu tư đúng mức. Bởi hiện nay, mật độ xe buýt ở khu vực phía Đông vẫn còn rất thấp. Vì vậy, cần mở rộng 3, 4 lần mạng lưới xe buýt hiện hữu theo hướng tích hợp với các giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn như metro, tàu điện nhẹ, xe buýt nhanh để hoàn thành mạng lưới hoàn chỉnh, đa cấp. TP. Thủ Đức tương lai cần đặt ra mục tiêu quy hoạch đạt tổng km chiều dài của giao thông công cộng nhanh sức chở lớn khoảng 50 - 60km.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), vấn đề quy hoạch phải xác định hình thành đô thị cùng với phát triển thị trường bất động sản, bởi nguồn thu ngân sách nhà nước xuất phát từ quy hoạch trong đó có bất động sản. Và chính đất đai tạo ra khu đô thị mới mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho khu vực.

Ông Châu cho rằng, hiện nay trong Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Nhà ở tất cả đều nói vấn đề này, nên chúng ta phải bắt đầu từ quy hoạch. Đó là tầm nhìn, ý chí, lợi ích của Nhà nước gắn với lợi ích của cộng đồng xã hội. Ngoài ra, việc kết nối hạ tầng cũng rất quan trọng.

“Thị trường bất động sản hiện nay đã có tình trạng đầu cơ, thổi giá khu vực này, chuyện này không mới nhưng rất nghiêm trọng. Thời gian trước buông lỏng quản lý nhà nước nên phân lô bán nền tràn lan, nên sẽ là rào cản cho sự phát triển của TP. Thủ Đức tương lai”, ông Châu khuyến cáo.

Quy hoạch TP. Thủ Đức cần dành chỗ cho các không gian công cộng (Public space), đặc biệt là dải đất ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Những công viên cảnh quan dọc 2 bên bờ sông sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, thu hút người dân và khách du lịch, làm tăng gấp nhiều lần giá trị đất đai và sức thu hút đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top