Aa

Phát triển thị trường đất nông nghiệp còn vướng nhiều rào cản

Thứ Năm, 01/11/2018 - 07:02

Đất sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn rất manh mún, việc tích tụ ruộng đất khá chậm, gây cản trở tới sự phát triển của ngành nông nghiệp, làm tăng chi phí giao dịch thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngày 30/10, Hội thảo Các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.

Đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) – Ths. Trần Thị Thanh Nhàn – cho biết, đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn rất manh mún, việc tích tụ ruộng đất khá chậm. Cụ thể, bà Nhàn chia sẻ, theo Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI), tỉ lệ đất nông nghiệp chia theo đầu người ở Việt Nam rất nhỏ và chỉ đạt bình quân 0,07ha/người, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 0,27ha/người tại Thái Lan.

Trong khi đó, tỉ lệ mảnh đất bình quân mỗi hộ nông dân còn ở mức khá cao, đặc biệt là tỉ lệ mảnh đất trồng cây hàng năm, ở mức 3,1 mảnh đất/hộ.

Cụ thể, bà Nhàn chia sẻ, theo Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI), tỷ lệ đất nông nghiệp chia theo đầu người ở Việt Nam rất nhỏ và chỉ đạt bình quân 0,07ha/người, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 0,27ha/người tại Thái Lan.

Theo thông tin bà Trần Thị Thanh Nhàn chia sẻ, tỉ lệ đất nông nghiệp chia theo đầu người ở Việt Nam rất nhỏ và chỉ đạt bình quân 0,07ha/người.

Theo bà Nhàn, thực trạng này cũng chính là một trong những rào cản phát triển nông nghiệp, làm tăng chi phí giao dịch thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, nghiên cứu của IPSARD cho thấy, thị trường đất nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang gặp phải nhiều khó khăn khác như: Thống kê không sát thực tế; Tỷ lệ diện tích đất cây công nghiệp, cây ăn quả trong đất rừng; Diện tích đất cây ăn quả, cây hàng năm trên đất lúa; Vấn đề đất nông lâm trường chưa giải quyết triệt để; Cơ sở dữ liệu đo đạc cắm mốc thiếu, không cập nhật.

Về việc chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, theo Ths. Nhàn, hiện còn gặp nhiều khó khăn. Việc chuyển quyền sử dụng đất giữa người dân với người dân khá phổ biến bởi hộ dân mua đất để chờ cơ hội đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng và điều này đã gây ra sự lãng phí rất lớn.

Trong khi đó, với hình thức chuyển quyền giữa nông dân và doanh nghiệp, thường là doanh nghiệp mua đất của dân giao lại cho chính quyền để chính quyền chuyển giao lại cho doanh nghiệp. Và quá trình trao đi trả lại như vậy khiến giá trị giao dịch mà doanh nghiệp phải trả cho người dân thường cao gấp 3 - 4 lần so với khi thanh toán qua Nhà nước.

Một hình thức khác là chuyển quyền sử dụng đất bằng cách góp vốn thực tế là không phổ biến.

Ngoài 3 hình thức trên, bà Nhàn chia sẻ, gần đây, đã xuất hiện hình thức mới là Nhà nước thuê đất nông nghiệp của dân, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại như cách mà 2 tỉnh Hà Nam và Lâm Đồng đang làm. Tuy nhiên, luật pháp vẫn chưa có quy định pháp lý trong áp dụng hình thức này.

Là đơn tiên phong trong việc thí điểm tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hà Nam đã gặt hái được những thành công bước đầu. Cụ thể, theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam, chính quyền cấp huyện, cấp xã đứng ra thuê đất của dân (20 năm), sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đúng như thời gian thuê đất và giá thuê đất của dân. Nông dân vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cách làm này xuất phát từ đề xuất của nông dân - họ không muốn mất đi quyền sử dụng đất. Nông dân đặt niềm tin vào chính quyền cấp xã, cấp huyện là cơ quan đứng ra bảo vệ quyền lợi đất đai cho họ, là nơi tin cậy đảm bảo thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nam cũng thí điểm lấy ngân sách tỉnh ứng ngân sách trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm, sau đó doanh nghiệp trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại.

Nhờ những thí điểm này, Hà Nam đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 654,7ha. Đã có 2 khu Nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lý Nhân đi vào hoạt động với diện tích 202,3ha, đồng thời đảm bảo giải quyết việc làm cho các hộ cho thuê đất có nhu cầu làm việc tại địa phương.

Khi các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thu hút các hộ dân tập trung đất đai để sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp. Kết quả đã có 67 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi với diện tích 1.160ha của 2.200 hộ dân tham gia sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết với VinEco và Vina Seed…

Ông Ngọc cho biết, để tạo được sự đồng thuận của người dân, Hà Nam đã quán triệt địa phương không được ép buộc người dân phải cho thuê đất. Những hộ dân nào thực sự có nhu cầu đất nông nghiệp để sản xuất thì chính quyền địa phương dồn đổi sang vị trí khác được đầu tư bổ sung hạ tầng giao thông, thủy lợi để có điều kiện sản xuất bằng hay tốt hơn vị trí hiện tại, giúp nhân dân sản xuất đạt hiệu quả.

Trong khi đó, tỉnh An Giang đã xây dựng đề án Tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, kích thích sự phát triển ở thị trường đất nông nghiệp. Ông Võ Thành Minh, Phó Chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, chia sẻ, tỉnh tạo quỹ đất dự trữ bằng cách nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp hoặc thuê các khu đất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất không hiệu quả của nông dân trên địa bàn tỉnh để tích tụ thành các khu đất lớn nhằm triển khai các dự án nông nghiệp theo dạng chuỗi giá trị, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với xu thế sản xuất hàng hóa lớn.

Doanh nghiệp khi có chủ trương đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp sẽ tự tạo quỹ đất bằng cách nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc thuê đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để triển khai dự án; hoặc thuê Trung tâm phát triển quỹ đất làm dịch vụ tạo quỹ đất cho doanh nghiệp, ông Minh cho biết.

Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ động tạo quỹ đất dự trữ theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh bằng hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc thuê dài hạn từ 20 - 30 năm trả tiền 1 lần đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để cho doanh nghiệp thuê lại triển khai dự án nông nghiệp.

Quá trình thí điểm cho thấy nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, các địa phương đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 bởi nếu để doanh nghiệp thỏa thuận với các hộ dân để thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như quy định của Luật sẽ rất khó thực hiện. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu sửa đổi các quy định tại Luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng về việc thế chấp tài sản đối với các dự án nông nghiệp để các doanh nghiệp và các hợp tác xã, nhóm hộ nông dân đầu tư vào lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top