Phát triển “xanh”, chứng thực định hướng kinh tế bền vững

Phát triển “xanh”, chứng thực định hướng kinh tế bền vững

Thứ Hai, 01/05/2023 - 06:12
Lạng Sơn phát triển dựa trên 3 trụ cột: Một là phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Hai là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Ba là phát triển du lịch.
*****

LTS: Lạng Sơn là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội. Năm 2020, Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Chương trình hành động số 04 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đó đã điều chỉnh bằng Chương trình số 23-CTr/TU), phát triển dựa trên 3 trụ cột: Một là, tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Ba là, tập trung phát triển du lịch.

Với tinh thần đồng hành cùng những mục tiêu lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Lạng Sơn phát triển kinh tế 3 trụ cột, tầm nhìn đến năm 2030".

Bài 1: Phát triển “xanh”, chứng thực định hướng kinh tế bền vững

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Ngày 10/4/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 238/CĐ-TTg về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu. Yêu cầu các địa phương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm; sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Đây là những nhiệm vụ quan trọng để các địa phương ứng phó với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới.  Kinh tế nước ta với độ mở lớn, dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong khó khăn, biến động, kinh tế cửa khẩu vẫn giữ vững
vai trò động lực tăng trưởng

Tiềm năng, thế mạnh chính của Lạng Sơn là phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế đồi rừng. Từ nhiều năm trước, Lạng Sơn đã chủ động huy động các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước và của tỉnh; đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phấn đấu đưa trở thành một địa phương có sức cạnh tranh cao.

Năm 2020, Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Chương trình hành động số 04 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đó đã điều chỉnh bằng Chương trình số 23-CTr/TU).

Theo đó, Lạng Sơn sẽ phát triển dựa trên 3 trụ cột: Một là, tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ba là, tập trung phát triển du lịch.

Trong chương trình thứ nhất, tỉnh đề ra 2 mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt khoảng 6.650 triệu USD, trong đó xuất khẩu 3.890 triệu USD, nhập khẩu 2.760 triệu USD. Hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu trung chuyển hàng hóa (giai đoạn 1), Khu chế xuất 1 và các khu chức năng khác của Khu kinh tế cửa khẩu. Hai trong 4 giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình này là công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trên cơ sở dự báo và định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các nguồn lực được huy động, Lạng Sơn sẽ tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch các khu chức năng chủ yếu và các khu vực cửa khẩu phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng phát triển.

Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn có phạm vi 394 km², đây là khu kinh tế tổng hợp, đa chức năng, đan xen các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được phân thành hai khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan, khu vực chủ đạo là địa bàn TP. Lạng Sơn và Khu hợp tác kinh tế biên giới.

So với các địa phương khác, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn vì suất đầu tư lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi, chia cắt, quỹ đất dành cho các dịch vụ kinh tế xã hội không nhiều. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bình quân ICOR còn thấp (năm 2020 là 6,97 đơn vị). Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 94,91 người/km2, phân bố rất không đồng đều, trong đó TP. Lạng Sơn cao nhất (1.348 người/km2, huyện Đình Lập có mật độ dân số thấp nhất (24,3 người/km2). Tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt 30%, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị chỉ đạt dưới 16%…

Nhằm vượt qua những khó khăn này, Lạng Sơn xác định khu vực cửa khẩu sẽ phát triển theo hướng là không gian kinh tế trung tâm, quy mô không quá lớn nhưng phải có mật độ đậm đặc, mức độ hoạt động tối đa và trục kết nối phải có hiệu suất lưu thông, vận hành tốt nhất.

Đối với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tỉnh tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông tạo sự thông suốt giữa các khu chức năng; xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính, viễn thông đồng bộ, hiện đại. Đầu tư xây dựng hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và kết nối Cửa khẩu Tân Thanh; nâng cấp hoàn chỉnh Quốc lộ 4A, 4B, 3B. Nghiên cứu mở rộng tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại khu vực mốc 1119-1120 Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Tập trung phát triển các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu: Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1, dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc khu phi thuế quan (giai đoạn 1)...

Trong bối cảnh mọi nguồn lực đều huy động để chống dịch. Năm 2022, Lạng Sơn đã tập trung mạnh mẽ cho công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực cửa khẩu. Đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch Phân khu Khu công nghiệp Đồng Bành, tỷ lệ 1/2000; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực cửa khẩu Bình Nghi, xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỷ lệ 1/2000. Triển khai lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đến năm 2030; lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma. Khởi công mới 19 dự án lớn; đầu tư và thực hiện gần 3.000 tỷ đồng các dự án trên địa bàn…

Dự án Khu trung chuyển hàng hóa đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 58,7ha giai đoạn 1, thi công cơ bản hạng mục san nền, hệ thống thoát nước, đang triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật; hiện đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án và thực hiện thủ tục đầu tư hạ tầng khu tái định cư; hoàn thành ký kết hợp đồng dự án Trạm dừng nghỉ Hữu Lũng với Nhà đầu tư (Liên danh Công ty TNHH Hà Thành và Công ty cổ phần Ô tô vận tải Hà Tây); phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam cập nhật dự án Cảng cạn Lạng Sơn địa điểm tại Km22+500 quốc lộ 1A (xã Yên Trạch), Cảng cạn tại thôn Nà Ngườm và thôn Nà Tổng (xã Tân Thanh) vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050...

Vượt qua rung lắc, xuất khẩu đầu năm 2023 tăng gần 90%

Sau 3 năm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những khó khăn mang tính toàn cầu, khu vực, tình hình xuất nhập khẩu có biến động lớn nhưng kết quả cho thấy định hướng phát triển và quá trình vận hành của Lạng Sơn là sát với chiến lược phát triển và những chỉ đạo của Chính phủ.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4,27 tỷ USD, đạt 138,6% kế hoạch năm, tăng 52% so với năm 2020, đạt 65% mục tiêu của năm 2025. Nhưng sang năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu lại sụt giảm do gặp nhiều khó khăn, phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero Covid, xuất nhập khẩu chỉ đạt khoảng 3,1 tỷ USD. Quý I năm 2023, xuất nhập khẩu đã có hồi phục tích cực, đạt 0,65 tỷ USD, lại vượt 32% so với cùng kỳ 2022; riêng xuất khẩu tăng gần 90% so với cùng thời điểm năm 2022. Hiệu xuất thông quan tăng, từ 1.000 - 1.100 xe/ngày.

lạng sơn

Sau 3 tháng đầu năm 2023, kể từ khi Trung Quốc thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh bình thường trở lại, dù chưa được như kỳ vọng nhưng có thể thấy rõ kết quả đến từ những nỗ lực bứt tốc đáng ghi nhận như: Triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm gia tăng năng lực thông quan, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ phương tiện vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu.

Thông tin rộng rãi trong cả nước về tình hình xuất nhập khẩu, đưa ra các nhận định, đánh giá, khuyến cáo trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Bố trí lực lượng chức năng làm ngoài giờ hành chính, tăng thời gian làm việc đến 23 giờ để đảm bảo thông quan hàng hóa trong ngày.

Trao đổi, hội đàm với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc để thống nhất cho phép phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, lưu thông qua lối đi hầm Tả Phủ tại đèo Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và khu vực mốc giới 1116-1117 trên biên giới đất liền Trung Quốc - Việt Nam, tối ưu hoá quy trình, thủ tục nhằm các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...

Trong 3 tháng đầu năm 2023, đã xúc tiến chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn; đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cụm công nghiệp Bắc Sơn; chấp thuận chủ trương đầu tư và thành lập 04 cụm công nghiệp: Đình Lập, Na Dương 1, Na Dương 2, Hồ Sơn 1; thẩm định hồ sơ thành lập 04 cụm công nghiệp: Hòa Sơn 1, Minh Sơn, phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ và Na Dương 3. Xúc tiến hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, quốc lộ 4B; lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Cùng với những nỗ lực bứt tốc xuất nhập khẩu trở lại. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Lạng Sơn được nỗ lực thực hiện song hành. 3 tháng đầu năm 2023 đã giải ngân đầu tư công 540 tỷ, tăng gần 80% so với cùng kỳ 2022. 

chủ tịch tỉnh lạng sơn
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn dự Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Lạng Sơn)

Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Đối với các dự án khởi công mới đảm bảo khởi công chậm nhất quý II/2023; các dự án đang trong quá trình lập dự án cần đẩy nhanh tiến độ, lựa chọn nhà thầu, khởi công chậm nhất trong quý IV/2023, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, Dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80 Quốc lộ 4B; các dự án lĩnh vực y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Tài nguyên du lịch có giá trị lớn, đủ sức vượt qua những cú sốc

Trụ cột kinh tế thứ 2 của Lạng Sơn là du lịch với 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Thu hút trên 4,4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu trên 5.200 tỷ đồng; có khoảng 5.400 buồng lưu trú, trong đó có 1.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao; có trên 15.000 lao động, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp. Có 01 khu du lịch quốc gia (Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn); 02 - 04 khu du lịch cấp tỉnh, 08 - 10 điểm du lịch và 04 - 06 điểm du lịch cộng đồng.

Thiên nhiên đã ban cho Lạng Sơn nhiều hang động, núi rừng tự nhiên và phong cảnh đẹp với khí hậu mùa hè mát mẻ, dễ chịu, được coi là một điểm nghỉ mát, an dưỡng lý tưởng. Lạng Sơn còn có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử với những chiến công lẫy lừng như: Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng, Đường 4 anh hùng... Con người thân thiện, mến khách cùng với các lễ hội, truyền thống văn hoá và cách mạng luôn là điểm hấp dẫn đối với khách thập phương.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Thủy lợi năm 2020, chỉ riêng Khu danh thắng Nhị Tam Thanh, 1 trong gần 50 điểm du lịch của tỉnh, đã có giá trị tài nguyên du lịch khoảng 150 tỷ đồng/năm.

Hai trong 5 nhiệm vụ được tập trung triển khai là: Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, ưu tiên các loại hình du lịch đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch văn hóa - lịch sử về nguồn, lễ hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch biên giới cửa khẩu kết hợp mua sắm; du lịch cộng đồng. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, kết nối phát triển hệ thống các trung tâm, khu, điểm, tuyến du lịch. Từng bước hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; Khu di tích lịch sử Chi Lăng; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill (TP. Lạng Sơn); Khu du lịch sinh thái danh thắng Thác Bản Khiếng (huyện Lộc Bình); các điểm du lịch, điểm du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố. 

Năm 2022, vẫn có khoảng 3,5 triệu lượt khách, tăng trên 115 %; doanh thu du lịch ước đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 171,67%. 3 tháng đầu năm 2023, đã có trên 1,3 triệu lượt khách, tăng gần 80%, doanh thu 1.055 tỷ đồng, tăng 281% so với cùng kỳ.

lạng sơn, du lịch lạng sơn

Kiên định phát triển bền vững, kiến tạo thương hiệu riêng 

Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trường tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) duy trì mức trên 7%. Trình độ phát triển kinh tế của Lạng Sơn mặc dù trên thang đo chỉ số chưa cao, mức độ hội nhập chưa lớn nhưng trong bối cảnh chung của nền kinh tế chuỗi dễ tổn thương thì độ “trễ”, mức độ “khác biệt” của kinh tế Lạng Sơn lại chính là yếu tố đem đến an toàn. Thực tế hơn 3 năm qua khủng hoảng do Covid-19 hoặc nhìn về xa hơn là giai đoạn 2008 - 2013 đã khẳng định tính bền vững của kinh tế Lạng Sơn.

Rộng hơn một chút, trong bối cảnh hiện nay, phương án phát triển quá nóng, đầu tư và kinh doanh dàn trải trên nhiều lĩnh vực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao ở nhiều nơi, khi gặp tình huống bất thường, đổ gãy chuỗi cung ứng đã chịu tổn thất lớn khi các thị trường lớn giảm sâu, khả năng phục hồi kinh tế yếu. Có thể thấy hệ lụy nguy hiểm trong lĩnh vực bất động sản chịu sự khủng hoảng kéo dài gần 2 năm qua, nhiều đại gia bất động sản đã rơi vào vòng lao lý, cung cầu bất an… thì kinh tế Lạng Sơn đã khẳng định tính bền bỉ, kiên định hiệu quả, từ đó biểu lộ mạnh mẽ vị thế, thương hiệu ở một phân khúc riêng có và hấp dẫn. Đến nay, nhiều nhà đầu tư đang hình dung điểm đến Lạng Sơn là “phố núi xanh xanh, thương mại xanh, tương lai xanh”.

Chứng thực cho thương hiệu này, Lạng Sơn đã được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xếp hạng thứ 15 trên cả nước, tăng 21 bậc về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022; lọt top 3 tỉnh, thành phố có Chỉ số Xanh cấp tỉnh. Trong đó, có những chỉ số nổi bật như: Gia nhập thị trường tăng 1,34 điểm (từ 5,86 lên 7,20 điểm), tính minh bạch tăng 0,77 điểm, cạnh tranh bình đẳng tăng 0,51 điểm (từ 6,31 lên 6,82 điểm).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top