Theo đó, mục tiêu lập quy hoạch xây dựng Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Nghệ An thành khu vực phát triển kinh tế năng động và là trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng, trung tâm logistics… Đồng thời, xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An thành khu vực kinh tế động lực của vùng duyên hải Bắc Trung Bộ và cả tỉnh Nghệ An.
Theo quyết định được phê duyệt, khu quy hoạch có tổng diện tích trên 20.776ha, bao gồm ba khu vực: Khu vực 1 gồm 10 xã (18.826ha); khu vực 2 gồm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai và KCN Đông Hồi (1.200ha); khu vực 3 gồm toàn bộ diện tích KCN VSIP (750 ha).
Về chức năng, KKT Đông Nam Nghệ An sẽ là KKT trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm công nghiệp cơ bản gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò.
Còn khu vực Hoàng Mai - Đông Hồi phát triển các ngành công nghiệp có tính chất động lực gắn liền với cảng biển Đông Hồi. Khu vực VSIP giữ vai trò phát triển công nghiệp kết hợp dịch vụ hỗn hợp, trọng tâm phát triển các loại hình công nghiệp nhẹ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Ngoài ra, KKT Đông Nam Nghệ An được xây dựng thành trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ quan trọng của vùng Trung, Thượng Lào, Đông Bắc Thái Lan vào miền Trung và Việt Nam.
Quyết định cũng nêu rõ những yêu cầu trọng tâm cần giải quyết như rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung được phê duyệt năm 2008 và tình hình thực tiễn phát triển tại KKT Đông Nam Nghệ An. Từ đó xác định lại các phân khu chức năng của KKT trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với xu thế phát triển mới.
Bên cạnh đó, cần đánh giá và nghiên cứu về vấn đề bảo vệ môi trường, đề xuất giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường du lịch biển Cửa Lò, cũng như rà soát, đánh giá và lồng ghép quy hoạch ngành với kế hoạch bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đánh giá tình hình thu hút đầu tư, các chỉ số phát triển KKT, mức độ phát triển của các ngành kinh tế chủ lực của KKT…
UBND tỉnh Nghệ An được giao các nhiệm vụ bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập qui hoạch, lựa chọn tư vấn thực hiện và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, thẩm định, trình duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.
Quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch cũng cần đánh giá tình hình thu hút đầu tư, các chỉ số phát triển KKT; mức độ phát triển của các ngành kinh tế chủ lực của KKT; phân tích mô hình, không gian hoạt động và nhu cầu không gian để phát triển cho các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất, cùng các không gian liên quan; đánh giá dân số, lao động, văn hóa, thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỷ lệ dân số, lao động; phân bố dân cư, thu nhập, các hiện tượng dịch cư, các vấn đề do đô thị hóa; tình trạng tăng giảm lực lượng sản xuất về chất và lượng, khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phân tích các yếu tố và đặc điểm nổi bật của văn hóa bản địa, di tích văn hóa lịch sử có giá trị, chỉ ra khả năng bảo tồn các giá trị đặc hữu.
Theo Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An, đến nay khu vực này đã được chấp nhận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đăng ký 25 dự án, với tổng vốn đăng ký lên đến 7.562 tỷ đồng (năm 2019). Lũy kế đến nay, KKT Đông Nam Nghệ An và các KCN thu hút được 227 dự án, trong đó 41 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 754,27 triệu USD và 186 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 37.000 tỷ đồng.
"Từ việc hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2020 Ban quản lý sẽ cố gắng tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư khác trong và ngoài nước; phấn đấu mục tiêu thu hút từ 20 - 25 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.000 - 15.000 tỷ đồng", ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cho biết.