Cụ thể, việc lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phù hợp với mục tiêu, quan điểm phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu: phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, giá trị kinh tế cao; phát triển nền kinh tế nông nghiệp đa dạng, kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến; ưu tiên phát triển công nghiệp xanh; phát triển bền vững kinh tế biển; lựa chọn mô hình tổ chức không gian, phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn và kết cấu hạ tầng phù hợp điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu...
Quy hoạch nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.
Song song đó, giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: Việc cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu; việc chuyển đổi kết cấu hạ tầng để phù hợp với chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái; xu hướng sụt giảm dân số, sự dịch chuyển của nguồn nhân lực chất lượng cao sang các địa phương khác và mặt bằng học vấn, chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế thấp;
Đồng thời, giải quyết những tồn tại trong việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mekong và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các vấn đề về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, suy giảm tài nguyên rừng do hệ lụy từ việc phát triển kinh tế cường độ cao; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển.
Việc lập quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa và kết nối thống nhất, đồng bộ hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia; là cơ sở để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng.
Theo yêu cầu , nội dung Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Trong đó, cần phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng; dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển.
Ngoài ra, quy hoạch cần xác định quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch; xây dựng mục tiêu tổng quát phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng cho thời kỳ đến năm 2030 và cho từng giai đoạn 5 năm; xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng…