Aa

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Thừa Thiên - Huế

Thứ Sáu, 21/10/2022 - 06:21

Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo Quyết định 1261/QĐ-TTg, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế với 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố.

Định hướng đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương với những tiêu chí đặc thù, vừa phát triển vừa bảo tồn di sản. (Ảnh: Hoàng Ngọc Quý)

Năm 2025, đưa toàn tỉnh thành đô thị thuộc Trung ương

Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên - Huế, khoảng 4.947km2 (diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án theo quyết định của cấp có thẩm quyền - theo Quyết định 1261).

Quan điểm lập quy hoạch là phù hợp với Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia và cấp vùng tác động đến địa bàn tỉnh.

Quyết định 1261/QĐ-TTg đặt mục tiêu quy hoạch phải phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh với vai trò là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển trên Hành lang kinh tế Đông - Tây đối với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan; hình thành cực phát triển mới của vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ; tăng cường sức cạnh tranh đô thị trong khu vực và quốc tế.

Xây dựng đô thị Thừa Thiên - Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển kinh tế, văn hóa, giữ gìn truyền thống, phát huy giá trị đô thị di sản.

Đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bố dân cư; đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất xây dựng; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; phát triển bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; làm cơ sở để triển khai các đề án, chương trình phân loại và nâng cấp toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thành đô thị trực thuộc trung ương.

Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Thừa Thiên – Huế mời gọi đầu tư, mở rộng phát triển đô thị về hướng Đông để đảm bảo nhiệm vụ bảo tồn di sản, cảnh quan đô thị hiện hữu. (Ảnh: Hoàng Ngọc Quý)

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Quy hoạch, dự báo dân số, chỉ tiêu đất đai

Cũng theo Quyết định 1261/QĐ-TTg, Thừa Thiên - Huế được xác định tính chất là đô thị loại I hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương có tiêu chí đặc thù; là đô thị bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế đa ngành chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng; là địa bàn chiến lược về quốc phòng và an ninh khu vực miền Trung và cả nước.

Phố cổ Bao Vinh ở hạ nguồn sông Hương, nơi còn lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc, cảnh quan, sinh thái. (Ảnh: Hoàng Ngọc Quý)

Quyết định 1261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng dự báo dân số, tỷ lệ đô thị hóa đối với Thừa Thiên - Huế. Cụ thể năm 2030 dân số toàn đô thị khoảng 1.500.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi); chỉ tiêu đô thị hóa khoảng 65% - 70%; năm 2045 dân số toàn đô thị khoảng 1.850.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi); chỉ tiêu đô thị hóa khoảng 70 - 75%.

Về dự báo nhu cầu đất đai: Đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 40.500 - 41.500ha, trong đó đất dân dụng đô thị và đất khu dân cư nông thôn khoảng 17.500 - 18.500ha; đất xây dựng đến năm 2045 khoảng 50.000 - 51.000ha, trong đó đất dân dụng đô thị và đất khu dân cư nông thôn khoảng 21.000 - 22.000ha. (Theo Quyết định, Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị Thừa Thiên - Huế được áp dụng các yếu tố đặc thù của đô thị di sản, văn hoá, cảnh quan. Quy mô dân số và đất đai dự báo là sơ bộ, sẽ được cụ thể ở giai đoạn lập đồ án quy hoạch, đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Tầm nhìn quy hoạch rộng và có quan hệ tương hỗ không gian đô thị

Về yêu cầu trọng tâm nghiên cứu quy hoạch, cần phân tích bối cảnh phát triển của Thừa Thiên - Huế trong mối liên hệ vùng Đông Nam Á, Hành lang kinh tế Đông - Tây; mối quan hệ với các đô thị lân cận. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quy hoạch chung TP. Huế, các quy hoạch và dự án đầu tư để xác định những vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh trong giai đoạn mới.

Phát triển, quy hoạch lại khu kinh tế Chân Mây là một trong những nhiệm vụ quan trọng với Thừa Thiên - Huế. (Ảnh Chan May Port)

Nghiên cứu các chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hình thành và phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế theo định hướng đô thị trực thuộc Trung ương với các tiêu chí đặc thù; rà soát định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai thực hiện để dự báo các nhu cầu, cơ hội phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh, hài hòa với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên trên địa bàn.

Nghiên cứu mô hình phát triển, cấu trúc không gian; phân bố hệ thống đô thị gắn với tổ chức đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở kế thừa các đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch chung TP. Huế... Tổ chức không gian cho các chức năng mang tính đặc thù của Thừa Thiên - Huế như trung tâm về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á; trung tâm về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; các khu vực bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đầm phá ven biển.

Quyết định 1261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...

Tăng cường liên kết về giao thông kết nối với quốc tế, các đô thị lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng. Khắc phục các tồn tại, bất cập trong hệ thống hạ tầng nội vùng để liên kết khu vực đô thị trung tâm với khu vực đô thị vệ tinh, vùng miền núi phía Tây như Nam Đông, A Lưới.

Nghiên cứu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường của sông Hương gắn với trục cảnh quan trung tâm TP. Huế; bảo vệ các vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai, Lập An; khai thác hiệu quả các khu vực ven biển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu từ Phong Điền tới Phú Lộc; bảo tồn hiệu quả Vườn quốc gia Bạch Mã, khu vực đèo Hải Vân gắn với phát triển du lịch bền vững.

Đề xuất quy định quản lý, hướng dẫn kiểm soát phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế theo hướng cụ thể và linh hoạt để từng bước làm sâu sắc hơn hình ảnh quy hoạch kiến trúc đô thị gắn với không gian đặc trưng của đô thị Thừa Thiên - Huế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh Thừa Thiên - Huế phải hài hòa với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên trên địa bàn.

Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Thừa Thiên - Huế, Chính phủ cũng yêu cầu việc phân tích đánh giá lợi thế vị trí và quan hệ vùng có sự khái quát các đặc thù của đô thị trong mối quan hệ với các tỉnh, thành phố lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình; nghiên cứu bối cảnh quốc tế, bối cảnh trong nước, phân tích xu hướng phát triển đô thị có tính đặc thù về di sản với yêu cầu hội nhập toàn cầu; phân tích các tác động đến việc hình thành và phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Về định hướng phát triển không gian, xác định các mối liên kết tương hỗ về không gian giữa đô thị Thừa Thiên - Huế với các đô thị lớn trong vùng, đặc biệt là TP. Đà Nẵng.

Đề xuất phạm vi khu vực được xác định là đô thị trung tâm, hướng phát triển mở rộng đô thị Huế hiện tại, các khu vực đô thị hóa liền kề tại Hương Thủy, Hương Trà, các khu vực đô thị vệ tinh về phía Bắc tại Phong Điền, Quảng Điền, về phía Nam tại Phú Lộc (bao gồm cả khu vực Chân Mây - Lăng Cô), về phía Tây tại Nam Đông, A Lưới để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.

Xác định quy mô các đô thị trong mô hình cấu trúc đô thị, các khu chức năng, các khu chuyển đổi chức năng; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo; khu phát triển mái; khu cấm xây dựng; các khu dự trữ phát triển. Định hướng phát triển các trục không gian, hành lang phát triển đô thị, xác định tính chất và nguyên tắc kiểm soát phát triển.

Đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển cho khu vực dân cư hiện hữu (dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ...). Xác định các khu vực cần bảo tồn xen lẫn trong khu vực đô thị; nhận diện và đề xuất giải pháp cho các không gian mang tính đặc trưng riêng của Huế như di sản Kinh thành, không gian sông Hương; các di sản văn hóa, lịch sử; di sản đô thị (các khu vực phố cổ, thương cảng, thành cổ)...

Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng; các khu chuyển đổi chức năng; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo; khu cần bảo tồn, tôn tạo (khoanh vùng, xác định lại ranh giới khu phố cổ, khu phố cũ... và các khu chức năng đặc biệt để đề xuất các vấn đề về bảo tồn, bảo vệ, cho phép phát triển, giữ nguyên...).

Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng; các khu chuyển đổi chức năng; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo; khu cần bảo tồn, tôn tạo (khoanh vùng, xác định lại ranh giới khu phố cổ, khu phố cũ... và các khu chức năng đặc biệt để đề xuất các vấn đề về bảo tồn, bảo vệ, cho phép phát triển, giữ nguyên...); xác định hệ thống trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ (phát triển hệ thống thương mại dịch vụ đô thị, bao gồm các trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, khách sạn, các trung tâm mua sắm...), trung tâm công cộng, thể dục thể thao, công viên đô thị; trung tâm chuyên ngành cấp đô thị.

Xác định các vùng, các không gian có đặc trưng riêng của Thừa Thiên - Huế cần có nghiên cứu, kiểm soát phát triển riêng so với không gian chung như không gian ven biển; không gian đồi núi gắn với vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; khu vực đồi núi các huyện A Lưới, Nam Đông. Xác định các không gian chống chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan hàng năm như vùng ngập lũ theo lưu vực sông Hương, sông Bồ; các khu vực có địa chất yếu dễ hình thành điểm sạt lở mùa mưa bão để kiểm soát hoạt động xây dựng.

Nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch sử dụng đất

Về nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất, Quyết định 1261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra việc xác định vị trí, chỉ tiêu, quy mô, quỹ đất phát triển cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh và các khu chức năng phù hợp với mô hình đô thị ở Thừa Thiên - Huế; xác định các khu vực cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu (phố cũ, dân cư hiện hữu, làng xóm, làng chài, làng nghề...), bảo tồn, hạn chế phát triển; các khu vực xây dựng hệ thống công trình phúc lợi xã hội như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa lịch sử, hành chính; các khu vực phát triển hệ thống dịch vụ thương mại đô thị và hạ tầng du lịch; các khu vực không gian mở như quảng trường, cây xanh, công viên, mặt nước; các khu vực bảo tồn giá trị thiên nhiên như hành lang thoát lũ, rừng ngập mặn; các khu vực dành cho phát triển công nghiệp, công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp; bố trí và phân bổ đất đai cho không gian khu vực kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp công nghệ cao; xác định các khu vực an ninh quốc phòng; đất phát triển hệ thống giao thông, các khu vực phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị khác; các khu vực dự trữ phát triển; các khu chức năng đặc thù của đô thị; tính toán phân bổ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế; xác định các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn dài hạn đến năm 2045 và định hướng đến năm 2065, trong đó nghiên cứu đối với việc bảo vệ rừng để bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thị trấn Lăng Cô, địa phương của Thừa Thiên - Huế giáp Đà Nẵng. Quy hoạch phát triển Thừa Thiên - Huế được yêu cầu có mối tương hỗ về không gian với đô thị Đà Nẵng. (Ảnh: M.Đ.T)

Ngoài ra, Quyết định 1261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ của Thủ tướng cũng nêu định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Cụ thể, trên cơ sở đánh giá thực trạng phân bố và phát triển hạ tầng xã hội, dự báo các nhu cầu sử dụng, đề xuất giải pháp xây mới và cải tạo cho các khu chức năng (cấp quốc gia, cấp vùng, cấp đô thị), bao gồm: Nghiên cứu bố trí các khu trung tâm hành chính cho đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, giải pháp hình thành khu hành chính tập trung nếu cần thiết; nghiên cứu mạng lưới bệnh viện và trung tâm giáo dục và đào tạo cấp quốc gia, cấp vùng và các trung tâm y tế giáo dục cấp đô thị. Hình thành khu chức năng y tế và giáo dục phục vụ cho liên kết vùng Đông Nam Á; nghiên cứu và xác lập vị trí, quy mô mạng lưới công trình văn hóa, thể dục thể thao...; nghiên cứu, rà soát quy mô Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt; định hướng phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghiệp tập trung; phân bổ các cụm công nghiệp, khu vực làng nghề trong mối tương quan với các đô thị kế cận...

Liên quan đến xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật, Quyết định 1261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Thừa Thiên - Huế phải đảm bảo về cao độ nền và thoát nước mặt. Cụ thể đề xuất các giải pháp cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý cho các đô thị và các khu vực xây dựng khác; đảm bảo an toàn về lũ, úng; phòng tránh các hiểm họa thiên tai... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Khoanh vùng các khu vực cấm hoặc hạn chế xây dựng do cấu tạo về địa chất, địa hình, do nguy cơ lũ quét, các khu vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển rừng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top