Lời tòa soạn:
Đầu tháng 12/2018, tại kỳ họp thứ 7, khóa 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Tiếp đó, ngày 10/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 hệ thống di tích kinh thành Huế. Đây là Khung chính sách đặc biệt chưa từng có, mở được nhiều nút thắt vốn làm tắc nghẽn hàng thập kỷ với công cuộc di dân, bảo tồn, tu bổ Kinh thành Huế.
Sau hàng thập kỷ sống tạm bợ trong Kinh thành Huế, từ cuối năm 2019 cuộc di dân lịch sử ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế được triển khai. Hàng ngàn hộ dân dần được chuyển đến nơi ở mới. Di tích được “cởi trói”, những ngôi nhà trong mơ trên thửa đất tiền tỷ được dựng nên trên những khu dân cư mới mà chủ nhân là những người dân từng sống vá víu trên kinh thành…
Kết thúc để… bắt đầu
Theo kế hoạch, trong tuần đầu tháng 10/2020 này gần 700 hộ dân (521 nóc nhà) ở vùng Eo Bầu của Kinh thành Huế thuộc các phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Tây Lộc bắt đầu bốc thăm nhận đất để di dân đợt thứ 2. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9, rất nhiều người dân đã tự nguyện dỡ nhà, tài sản bàn giao mặt bằng sớm cho UBND TP. Huế.
UBND TP. Huế cũng đã bố trí kinh phí cho đợt di dân thứ 2 vùng Eo Bầu là 528,2 tỷ đồng, trong đó tính đến cuối tháng 9 đã có 261 tỷ đồng đã được chi.
Để tạo nơi ăn chốn ở cho bà con, gần 78ha đất (chủ yếu đất nông nghiệp) ở phường Hương Sơ và An Hòa được thu hồi để xây dựng các khu dân cư mới phục vụ “đại dự án” di dân Kinh thành Huế với tổng số hộ di dời trong giai đoạn 1 của dự án khoảng 2.900 hộ (khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Tuyến Phòng Lộ, Hộ Thành hào).
Ngoài khu dân cư số 1, 2 đã hoàn tất với hơn 500 lô đất đã bàn giao và người dân đã xây nhà vào ở, hiện hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư còn lại từ số 3 đến 8 đã và đang được đẩy mạnh thi công. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ có hàng ngàn lô đất bàn giao cho người dân vùng Kinh thành Huế đến làm nhà ở.
Cả một vùng đất rộng lớn phía Bắc Hương Sơ hiện đang là đại công trường hối hả. Những khu dân cư mới với hạ tầng kỹ thuật điện, đường, trường, viễn thông ngầm, cây xanh, vỉa hè lát đá… đã và đang được hoàn thiện.
“Nghe được đến nơi ở mới chúng tôi rất mừng. Gia đình tôi đến nay đã 4 thế hệ sinh sống trên Kinh thành này. Tôi đã có cháu nội, cháu ngoại. Biết bao nhiêu buồn tủi, bao nhiêu khổ ải đã từng trải, giờ chỉ mong đời con tôi, cháu tôi được thay đổi, an cư mới lạc nghiệp. Chúng tôi kết thúc cuộc sống ở Thượng Thành nhưng lại bắt đầu một cuộc sống khác, một tương lai khác có được từ những ưu đãi của tỉnh, Chính phủ. Cứ nghĩ mai này về già cùng với con cháu quay lại nơi đại gia đình từ ông cha, con cháu, anh em nhà mình sống để cùng với du khách tham quan, chiêm ngưỡng từng di tích được phục hồi, từng viên gạch được khôi phục thì quá mãn nguyện”, ông Đoàn Thuận (kiệt 52, đường Xuân 68) bộc bạch.
Kỳ quan dần rõ hình hài
Bị khuất lấp hàng thập kỷ do những yếu tố lịch sử, nhất là tình trạng lấn chiếm di tích, Kinh thành Huế đang dần rõ diện mạo, hình hài. Cuối tháng 6/2020, báo chí đưa tin việc xuất lộ hai chiếc cổng rất đẹp trên hệ thống Kinh thành Huế. Tuy với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hai chiếc cổng này không lạ vì họ đã từng khảo sát, nhưng với giới học thuật thì không phải ai cũng từng biết đến.
Theo sử liệu, trong 27 năm xây dựng, số nhân công huy động xây dựng kinh thành Huế có khi lên đến 8 vạn người. Chu vi của vòng thành hơn 10km, xây bó bằng gạch. Bề dày trung bình của thân thành khoảng 21,5m, bao gồm bề dày của phần mô thành đắp bằng đất ở giữa khoảng 18,5m và lớp gạch xây bó ở mặt ngoài 2m, lớp gạch xây bó ở mặt trong là 1m. Trên thành (thường được gọi là Thượng Thành) được đắp đất giật cấp, tạo thành 3 dải đất thấp dần kể từ mặt ngoài thành vào phía trong thành - nội thành.
Kinh thành Huế được xây dựng dựa trên các nguyên tắc kiến trúc của phương Đông với kỹ thuật theo kiểu thành lũy của Vauban (tên kiến trúc sư người Pháp, Sébastien Le Prestre de Vauban, 1633 - 1707); vận dụng linh hoạt với điều kiện địa lý, địa mạo tại chỗ nên nó đã trở thành một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật quân sự độc đáo, được đánh giá là một kỳ quan văn hóa của dân tộc.
Đó là hai cổng thành bằng gạch vồ, nằm hai bên của đông thành Thủy Quan, lối vào sông Ngự Hà ở khu vực cống Lương Y (cuối đường Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP. Huế). Cổng thành thứ nhất nằm bên phía trái cống Lương Y, dày 60cm, rộng 80cm, cao 100cm. Cả hai chiếc cổng đã bị che lấp bởi nhà người dân xây dựng, ăn ở và xuất lộ sau khi người dân giải tỏa theo đại dự án di dân kinh thành Huế.
Theo hướng xây dựng cả hai chiếc cổng hình mái vòm rất đẹp và giá trị này ẩn đằng sau xó bếp nhà người dân hàng thập kỷ. Thậm chí, chiếc cổng phía bên phải cầu Lương Y đã bị người dân trám (bít) lại bằng bờ lô phòng chống trộm cắp vào nhà.
Ngay sau khi xuất lộ hai chiếc cổng, giới nghiên cứu Huế có nhiều nhận định chưa thống nhất về công năng của chúng. Có người cho rằng chiếc cổng dành cho đội vệ binh đi kiểm tra khu vực đông thành Thủy Quan. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế dẫn liệu lịch sử cho biết, nơi đây có đặt xưởng đại bác, vị trí này có vệ binh 20 người ở để canh giữ đông thành Thủy Quan, là một vị trí rất quan trọng trên hệ thống Ngự Hà và Kinh thành Huế. Công năng thực sự của hai chiếc cổng này ắt hẳn sẽ được các nhà nghiên cứu có câu trả lời xác đáng nhất, nhưng ngay từ sau khi phát lộ, hai chiếc cổng lập tức trở thành điểm check-in thú vị của những người muốn khám phá kinh thành Huế.
Không chỉ hai chiếc cổng nói trên, nhiều công trình quân sự khác cũng đã lộ diện ở khu vực Kinh thành Huế - công trình được đánh giá là kỳ quan thuộc triều Nguyễn. Đấy là hàng trăm pháo nhãn, cùng nhiều pháo đài, hỏa dược khố (nơi đựng đạn dược, diêm tiêu) lộ diện và được chỉnh trang. Ánh sáng dần thay bóng tối. Công tác nghiên cứu, lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị toàn bộ di tích Kinh thành Huế đã và đang được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành.
Theo TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế, để những giá trị của khu vực 1 di tích Kinh thành Huế nói chung và vùng Thượng Thành nói riêng phát huy cần chú trọng vấn đề xã hội hóa trong việc nghiên cứu, trùng tu và phát huy giá trị di tích gắn liền du lịch, trong đó, xây dựng những không gian, những điểm đến mang đặc trưng của xứ Huế, trước mắt là tái tạo cảnh quan chú trọng về thảm cây xanh, hoa và rau quả, lối đi dành cho xe đạp, người bộ hành...
“Mình ước là khi dự án di dân Kinh thành Huế hoàn tất mình sẽ mang xe đạp lên Thượng Thành đạp một vòng cho thỏa thích. Đạp xe vòng quanh trên di tích ấy, chao ơi, mới tưởng tượng thôi đã thấy thú vị biết mấy rồi”, Nguyễn Đình Anh Khoa, doanh nhân trẻ mê đạp xe ở Huế xuýt xoa.
“Vòng quanh” mà Khoa nói có chu vi gần 10km bao quanh một phần rộng lớn vùng đất nội thành Huế, nhưng nó là cả một câu chuyện dài từng trôi theo hàng thập kỷ. Nay thì mọi thứ như là giấc mơ, nhưng là một giấc mơ có thật...