Aa

Phép thử khả năng phục hồi cho các đô thị Việt Nam mang tên Covid-19

Thứ Năm, 13/05/2021 - 06:00

Covid-19 không phải là thảm họa hay khủng hoảng duy nhất mà các thành phố Việt Nam hiện đang phải hứng chịu, mà đó là một dấu hiệu rõ ràng nhất để chúng ta buộc phải thay đổi tư duy “làm đô thị”.

Các đô thị - hiện thân cho những thành quả của nhân loại - luôn hấp dẫn bởi sự tập trung của những công trình kiến trúc độc đáo, những con đường tấp nập giao thông, những ánh đèn hào nhoáng, mang đến cho ta cảm giác choáng ngợp về những gì mà con người có thể tạo ra.

Tuy nhiên, các đô thị cũng dễ bị tổn thương, dễ bị thiệt hại trước những tác động của các hiểm họa từ tự nhiên hay do con người bởi tập trung một lượng lớn dân cư và tài sản vật chất xã hội. Hơn nữa, các thành phố luôn được xem là những động lực tăng trưởng kinh tế của các quốc gia nên cũng thể hiện rõ ràng nhất các hậu quả suy thoái sau mỗi thảm họa và khủng hoảng. Nhưng nhìn một cách tích cực, đô thị lại có khả năng phục hồi tốt hơn sau đó do có nhiều hơn các nguồn lực và kỹ năng mà người dân sở hữu để có thể huy động.

Sự “mong manh” của các đô thị trước những nguy cơ mới

Cùng với sự đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, các quốc gia thể hiện rõ mong muốn phần lớn dân số sẽ sống ở các đô thị. Các thành phố trở thành những cơ thể “béo phì”, tích tụ những căng thẳng đô thị. Nói cách khác, các thành phố ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với những rủi ro so với quá khứ. Những áp lực toàn cầu mới - biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, lan truyền dịch bệnh, suy thoái kinh tế và đe dọa khủng bố... đặt ra những thách thức mới.

Chẳng hạn như bên cạnh các vấn đề về biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt hơn, ô nhiễm môi trường có dấu hiệu trầm trọng hơn hay nguy cơ khủng bố hiển hiện rõ ràng hơn, những năm cuối thập niên thứ hai, đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI đã chứng kiến một đại dịch lớn khiến các thành phố chững lại sau một thời gian dài mải mê cạnh tranh, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng.

Đại dịch khiến đường phố vắng vẻ người qua lại
Phòng chống dịch, nhiều tuyến phố trở nên vắng vẻ hơn ngày thường.

Đại dịch Covid-19 đã mang đến những bất ngờ mà con người phải thốt lên “như trong phim”. Những đường phố vắng lặng vì giãn cách xã hội thay cho khung cảnh đông đúc nhộn nhịp người dân đi lại, vui chơi hay hoạt động. Những cơ sở thương mại, dịch vụ buộc phải đóng cửa, thậm chí phá sản, thay cho các hoạt động mua bán tấp nập. Những thành phố bị cách ly, biệt lập với thế giới, dù chỉ là tạm thời một vài tuần, thay cho việc hòa nhập vào mạng lưới các dòng chảy di chuyển mạnh mẽ của hàng hóa, của thông tin, của con người. Và ngược lại, các nghĩa trang trở nên “bận rộn” hơn thay cho vẻ tĩnh lặng thường thấy. Những cảnh tượng “ngược đời” đó đã khiến con người phải suy nghĩ lại về bản chất của các đô thị, cách các đô thị đối phó và thích ứng, đặc biệt là phục hồi thế nào sau mỗi thảm họa, mỗi khủng hoảng khó lường.

Theo các nghiên cứu gần đây, để có thể phục hồi sau thảm họa và khủng hoảng, một thành phố, cũng giống một con người, cần có các phẩm chất cần thiết tạo ra một sức đề kháng như (1) sự phản xạ, phản ứng kịp thời của đô thị trước những biến động, (2) sự mạnh mẽ, vững chãi của đô thị để có thể chịu được tác động, (3) sự dự phòng, dự báo đô thị một cách chủ động, (4) sự mềm dẻo, linh hoạt đô thị dễ dàng thích ứng với những hoàn cảnh mới, (5) sự tháo vát, nhanh nhẹn của đô thị để có thể nhanh chóng tìm ra các cách thức xử lý khác nhau, (6) sự đồng lòng, hòa nhập đô thị nhấn mạnh sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, sát cánh cùng nhau giải quyết các vấn đề, (7) sự tích hợp, liên kết giữa các hệ thống trong đô thị đảm bảo rằng tất cả đều có thể hỗ trợ lẫn nhau nhằm đạt được một kết quả chung tốt nhất.

Thành phố phục hồi sau các thảm họa và khủng hoảng

Covid-19 không phải là thảm họa hay khủng hoảng duy nhất mà các thành phố Việt Nam hiện đang phải hứng chịu, mà đó là một dấu hiệu rõ ràng để chúng ta buộc phải thay đổi tư duy “làm đô thị” nhằm thích ứng cho một tương lai đầy biến động. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy khả năng phản ứng kịp thời của các đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, sau cơn “bạo bệnh” này, liệu các thành phố có phục hồi lại được “như xưa” (nếu không muốn nói là “hơn xưa”) khi mà thực tế cho thấy nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại hay dịch vụ đã bị “tàn phá”.

Còn quá sớm để nói về sự kết thúc của đại dịch Covid-19, nhưng bài học được rút ra trong thời gian đối phó vừa qua đã cho thấy một số yếu tố cần được xem xét dưới góc độ quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị Việt Nam từ đây về sau.

TS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
TS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

Các đô thị cần hạn chế tình trạng dễ bị tổn thương của người dân trước những tác động của thảm họa và khủng hoảng thông qua việc có một nơi trú ngụ an toàn để chống chịu các thảm họa tự nhiên, và cao hơn là một môi trường sống tiện nghi tại chỗ để chống chịu các khủng hoảng xã hội hay dịch bệnh cần giãn cách và cách ly xã hội. Thành phố xây dựng hệ thống không gian thương mại, dịch vụ đa dạng và đầy đủ, gắn liền với các môi trường cư trú và được phân bổ với khoảng cách hợp lý để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo luôn sẵn sàng cho người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Những không gian vận động kế cận nơi ở thực sự là cần thiết để người dân có thể tự nâng cao sức khỏe vật lý lẫn tâm lý bên cạnh việc bố trí đầy đủ ngân sách và nguồn lực cho chương trình y tế dự phòng và theo dõi sức khỏe cộng đồng. Các khoảng xanh đô thị dưới dạng công viên, vườn hoa, mặt nước, sân thể thao... sẽ góp phần tạo cơ hội cho người dân cải thiện thể chất, tinh thần cũng như giúp đô thị cải thiện các điều kiện vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó các đô thị cần tái xem xét mạng lưới, hệ thống và tính chất các công trình y tế nhằm cung cấp các dịch vụ y tế dễ tiếp cận và mức giá phù hợp đến mọi người dân trong điều kiện bình thường và khi có sự cố thảm họa. Ngoài các cơ sở y tế công, cần phát triển các cơ sở y tế tư để phủ khắp các địa bàn, các khu dân cư, đảm bảo có thể huy động tất cả các cơ sở y tế công và tư cùng tham gia ứng phó các tình huống khẩn cấp.

Chính quyền các thành phố, kết hợp với các cơ quan chuyên môn, cần nhanh chóng soạn thảo các hướng dẫn về xây dựng có tính tới các vấn đề rủi ro thiên tai hay dịch bệnh được giới thiệu rộng rãi trên các kênh thông tin truyền thông, đặc biệt là chú ý đến các phương án xây dựng các công trình mang tính dã chiến hoặc tận dụng các công trình sẵn có để biến đổi công năng sử dụng kịp thời.

Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều thảm họa và khủng hoảng, đe dọa và tàn phá sức sống các đô thị. Tuy nhiên, một cách lạc quan, các thảm họa hay khủng hoảng này khiến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có động lực hơn trong việc đẩy nhanh những tiến bộ y khoa, dịch vụ xã hội, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như kích thích sự phát triển của hệ thống phúc lợi xã hội chuyên nghiệp.

Dù gây thiệt hại nặng nề trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhưng không thể phủ nhận rằng đại dịch Covid-19 cũng mở ra những cơ hội mới cho các thành phố Việt Nam như một thành ngữ mà chúng ta hay nói với nhau mỗi khi gặp chuyện không may - “sau cơn mưa trời lại sáng”. Nói cách khác, những nỗ lực ứng phó đại dịch sẽ làm giàu thêm các ý tưởng mới về kiến tạo đô thị bằng cách xây dựng các phẩm chất đề kháng cần thiết. Điều này giúp các thành phố trở nên nhân văn hơn, con người hơn để phục hồi mạnh mẽ hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top