Aa

Phiên họp thứ nhất Đoàn Giám sát chuyên đề về quản lý thị trường bất động sản và phát triển NƠXH

Thứ Ba, 08/08/2023 - 14:39

Ngày 8/8, tại Nhà Quốc hội, diễn ra Phiên họp thứ nhất Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Tham dự Phiên họp có: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực; các thành viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát;… 

Toàn cảnh Phiên họp

Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” được thành lập theo Nghị quyết số 95/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội.

Theo đó, Đoàn Giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm Phó Trưởng Đoàn Thường trực. Các Phó Trưởng Đoàn gồm: Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát 

Đoàn Giám sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 01/7/2015 đến hết ngày 31/12/023 trên phạm vi cả nước.

Về nội dung, Đoàn giám sát việc tập trung giám sát vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế xuất phát từ thể chế, quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…; Chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội ; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; quản lý, vận hành nhà ở xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực

Tại Phiên họp, Đoàn Giám sát đã Công bố Nghị quyết số 95/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Nghị quyết số 836/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát. Đồng thời, Phiên họp nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo - Tổ trưởng Tổ giúp việc báo cáo về dự thảo Kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo và phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát.

Theo đó, Đoàn Giám sát đã dự kiến kế hoạch chi tiết kèm thời gian cụ thể liên quan đến: Ban hành Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo; tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến về các nội dung giám sát; tổ chức làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành và tổ chức giám sát thực tế, làm việc với các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan để làm rõ một số nội dung của báo cáo; Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để hoàn thiện dự thảo Báo cáo;…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo - Tổ trưởng Tổ giúp việc

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến thành viên Đoàn Giám sát cơ bản tán thành Dự thảo Kế hoạch chi tiết, Đề cương của Đoàn giám sát. Đồng thời, thống nhất một số vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm các thành viên Đoàn giám sát và việc tổ chức thực hiện các hoạt động của Đoàn.

Bên cạnh đó, thành viên Đoàn Giám sát cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể liên quan đến: phương pháp giám sát; thời gian triển khai các hoạt động cụ thể trong quá trình  giám sát; lựa chọn địa phương giám sát thực tế;…Các ý kiến cũng lưu ý, cần tiếp tục rà soát, bổ sung chi tiết hơn nữa Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề nhằm cung cấp đầy đủ thông tin để minh chứng cho nhận định Đoàn giám sát; Nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước, bổ sung đề cương yêu cầu Kiểm toán báo cáo trọng tâm, trọng điểm đáp ứng yêu cầu đề ra của Đoàn giám sát;…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương - Ủy viên Đoàn giám sát ​​​​​​

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, đây là một trong 04 chuyên đề sẽ thực hiện giám sát trong năm 2024 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chuyên đề giám sát có nội dung, phạm vi giám sát rộng, là lĩnh vực khó, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, ngành, địa phương và nhiều đối tượng chịu sự tác động; thời gian tổ chức triển khai kế hoạch giám sát không nhiều, trong khi các thành viên Đoàn còn triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ song trùng khác.

Nhấn mạnh thị trường bất động sản hiện có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hiện nay thị trường bất động sản đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà yêu cầu cơ bản, xuyên suốt đó chính là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường.

Liên quan đến nhà ở xã hội, giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với lĩnh vực nhà ở xã hội, sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, song song với việc bảo đảm về chất lượng, đáp ứng được mức sống ngày càng cao của người dân và phù hợp xu hướng phát triển bền vững, là động lực phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu chỉ đạo

Khẳng định một trong những mục đích, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với Đoàn Giám sát, là phải đề cao trách nhiệm, góp phần “giải mã” được thực chất những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu: Rà soát, điều chỉnh về tiến độ làm việc với bộ, ngành, địa phương, không dồn lịch làm việc vào giai đoạn cuối, tránh bị động; tăng cường cơ chế xin ý kiến bằng văn bản; Bổ sung Đề cương một số cơ quan: Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính Phủ…; Thống nhất giám sát trực tiếp tại 12 địa phương và cân đối đến yếu tối vùng miền, vùng kinh tế…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ lưỡng nội dung trong từng Đề cương báo cáo của các chủ thể là đối tượng chịu sự giám sát ở trung ương (Chính phủ và các bộ, ngành) cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý của mỗi chủ thể được giao trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị  trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, rà soát Đề cương Báo cáo áp dụng cho HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với nội dung giám sát sao cho sát thực với vai trò, quyền, trách nhiệm về giám sát của các chủ thể tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các đơn vị được giao chủ trì, nòng cốt tham mưu cho Đoàn tiếp tục phát huy và làm tốt trách nhiệm được phân công, có cơ chế phối hợp chủ động; quan tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, Đoàn giám sát chuyên đề cần tiếp tục tinh thần đổi mới, cải tiến trong cách làm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động trong tư duy, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top