Aa

Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC: "Chúng tôi chọn cách biến đá thành vàng"

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Chủ Nhật, 18/02/2018 - 06:01

Nói về chiến lược phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, ông Lê Thành Vinh (Phó Chủ tịch thường Tập đoàn FLC) cho biết, việc biến những mảnh đất từng là bãi hoang, đầm lầy, hầu như không có giá trị kinh tế thành những quần thể nghỉ dưỡng cao cấp, mang ý nghĩa rất khác so với việc tiếp tục đổ vốn vào những nơi đã là điểm đến, FLC chọn cách biến đá thành vàng, chứ không chọn cách biến vàng thành trang sức.

PV: Điểm lại các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có thể thấy, FLC Sầm Sơn được xây dựng từ một vùng đất sình lầy; FLC Quy Nhơn được xây dựng trên vùng đất chỉ quanh năm là cồn cát; FLC Vĩnh Thịnh được xây dựng trên mảnh đất không nổi tiếng về du lịch… Tại sao FLC lại tự làm khó mình khi đầu tư vào những nơi luôn được gọi là “tiềm năng”, chưa thực sự tạo được sức hút về du lịch như thế?

Ông Lê Thành Vinh: Chính việc bạn có thể kể ngay tên những dự án nghỉ dưỡng của FLC trên khắp Việt Nam, và điểm chung của chúng, cho thấy chiến lược đầu tư độc đáo này đã tạo nên thương hiệu của tập đoàn.

Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, chỉ sự khác biệt mới tạo nên vị thế nổi bật của một doanh nghiệp.

Đầu tư vào những khu vực còn đang ở mức tiềm năng đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ là nhà đầu tư tiên phong. Mặc dù người dẫn đầu sẽ phải “ném đá dò đường”, chủ động khảo sát nghiên cứu, tìm hướng giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình phát triển dự án, nhưng đó cũng sẽ là người sở hữu những mảnh đất có vị trí đẹp nhất, có giá trị tăng bền vững theo thời gian, đem lại lợi thế cạnh tranh khó có thể so bì.

Ông :ê Thành Vinh, Phó Chủ tịch thường Tập đoàn FLC

Ông Lê Thành Vinh, Phó Chủ tịch thường Tập đoàn FLC

Việc biến những mảnh đất từng là bãi hoang, đầm lầy, hầu như không có giá trị kinh tế thành những quần thể nghỉ dưỡng cao cấp mang ý nghĩa rất khác so với việc tiếp tục đổ vốn vào những nơi đã là điểm đến. Nói ngắn gọn, chúng tôi chọn cách biến đá thành vàng, chứ không chọn cách biến vàng thành trang sức.

Chúng không chỉ là “vàng” đối với FLC, mà còn là “vàng” của địa phương nhận đầu tư. Tác động lan toả từ một dự án chủ đạo có tính tiên phong được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện cải thiện diện mạo du lịch, đóng góp cho ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm, mà nó còn thay đổi cả tư duy, văn hóa kinh doanh của cả một vùng đất, là luồng sinh khí mang tính khởi đầu mới lan tỏa, là tiền đề cho một sự phát triển bền vững, lâu dài.

PV: Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, FLC định hình thế nào cho sản phẩm của mình để tạo nên thương hiệu riêng?

Ông Lê Thành Vinh: Các dự án khơi dậy tiềm năng du lịch biển của FLC đều có quy mô lớn, và cấu thành một “hệ sinh thái” hoàn chỉnh.

Thứ nhất là về quy mô. Các quần thể nghỉ dưỡng của chúng tôi đều thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về diện tích, có thể kể đến như FLC Vĩnh Phúc 258 ha, FLC Sầm Sơn 200 ha, FLC Quy Nhơn 1.300 ha, FLC Hạ Long 157 ha, và quy mô sẽ ngày càng tăng với FLC Ngọc vừng 1.500 ha, FLC Quảng Bình 1.900 ha.

FLC Quy Nhơn

FLC Quy Nhơn

Sở hữu trong tay quỹ đất rộng lớn tại vị trí hấp dẫn cho phép FLC triển khai những phức hợp nghỉ dưỡng đồng bộ, hoàn thiện về mặt cơ sở hạ tầng, cung cấp mọi dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu du khách.

Các quần thể của FLC sở hữu đầy đủ mọi hạng mục với nhiều chức năng như bể bơi, sân golf dạng links, nhà golf club, trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cafe, bar rượu, karaoke, spa, phòng gym, khu đô thị gồm shophouse, shoptel, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí... đảm bảo cam kết “tất cả trong một”, mang lại cho khách một kỳ nghỉ 5 sao trọn vẹn mà không cần bước chân ra khỏi khuôn viên.

Đối với những nhóm khách muốn quan sát, trải nghiệm nền văn hóa đặc trưng của địa phương, các chuyến du lịch thực địa do ban quản lý quần thể tổ chức sẽ đưa du khách đến chiêm ngưỡng những điểm du lịch hoang sơ làm nên thương hiệu của vùng đất, hay cảnh sinh hoạt thường ngày nhưng đậm nét văn hóa bản địa như cảnh chài lưới, không khí phiên chợ hải sản sớm mai,…

Chiến lược đầu tư đồng bộ, bài bản này không chỉ kéo dài thời gian lưu trú của khách – vấn đề chung của toàn ngành du lịch Việt Nam, mà còn khởi xướng một làn sóng cải thiện cơ sở hạ tầng tại địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Luôn luôn vận động, không bằng lòng với những gì đang có là phương châm hoạt động của chúng tôi. Sắp tới, FLC sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm “có một không hai” tại Việt Nam, như tổ hợp liên hoàn sân golf tại Quảng Bình với các phong cách khác nhau, hay Tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại Vân Đồn mà FLC đang lập đề án nghiên cứu. Đây hứa hẹn sẽ là tổ hợp trong nước đầu tiên có casino phục vụ người chơi Việt Nam.

Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết khi công bố kế hoạch cụ thể.

PV: Câu chuyện bảo tồn di sản, các vùng đặc thù và phát triển du lịch đang gây nhiều tranh cãi, FLC có quan điểm thế nào về phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở những vùng cần phải bảo tồn?

Ông Lê Thành Vinh: Tôi thấy có một câu nói vui, nhưng không hề sai, rằng làm bất động sản nghỉ dưỡng là “bỏ ra vàng thỏi để thu về bạc cắc”. Tức là đầu tư vào ngành này đồng nghĩa doanh nghiệp phải có một tiềm lực tài chính vững mạnh để rót vốn ban đầu cực lớn, sau đó vận hành quần thể và thu dần cả vốn lẫn lãi trong dài hạn.

Như vậy, cần phải hiểu rằng đối với một sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là sản phẩm du lịch sinh thái như của FLC, vận mệnh của cảnh quan thiên nhiên cũng chính là vận mệnh của dự án. Nếu phong cảnh, môi trường xung quanh của dự án bị phá hủy, thì số phận của ngay chính quần thể cũng bị đe dọa.

PV: Quan điểm này được hiện thực hóa thế nào trong các dự án, thưa ông?

Ông Lê Thành Vinh: Bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường luôn là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra ngay từ khi hoạch định dự án. Bên ngoài, thiết kế của các quần thể hướng tới tránh tối đa việc làm gián đoạn, thay đổi cảnh quan tự nhiên. Bên trong, mọi nội thất, công nghệ được sử dụng đều được gắn mác thân thiện với môi trường. Trong quá trình vận hành, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên là bài học đào tạo đầu tiên mà ban quản lý, nhân viên các khu quần thể được lĩnh hội.

Tôi lấy một số ví dụ đơn giản để bạn có thể hình dung rõ hơn. Tại FLC Sầm Sơn, chúng tôi xây dựng bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam, diện tích hơn 5100 mét vuông, nước dẫn trực tiếp từ biển vào, qua hệ thống lọc công nghệ tối tân nhất để đảm bảo sự tinh khiết. Bể bơi hầu như kín khách quanh năm, đã giảm tải đáng kể áp lực về số khách xuống tắm trực tiếp tại biển Sầm Sơn. Ven quần thể, chúng tôi đầu tư trồng và chăm sóc gần 10 hectare rừng để tạo cảnh quan môi trường và phòng hộ ven biển.

Tại Bình Định, Quảng Ninh, những dự án sân golf 18 hỗ liên hoàn mà chúng tôi thiết kế đều tận dụng khu vực trước đây là đồi cát, đất hoang hóa, vừa không ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt của con người, vừa tạo nên các chướng ngại tự nhiên thách thức golf thủ, một “đặc sản” của các sân golf mang thương hiệu FLC.

Các sân golf của FLC đều áp dụng hệ thống tưới tiêu tuần hoàn, lượng nước ngọt còn dư sau khi tưới cỏ sẽ được sẽ được thu hồi để tái sử dụng. FLC cũng sử dụng loại cỏ sân golf được lai tạo tiên tiến nhất trên thế giới có khả năng chịu mặn và chịu hạn để hạn chế sử dụng nước ngọt. Đây cũng là những giống cỏ có khả năng miễn dịch tốt nhất với các loài nấm, côn trùng, giúp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

PV: Thời gian tới FLC sẽ tiếp tục dồn nguồn lực vào phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng?

Ông Lê Thành Vinh: Năm 2018, FLC sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự án đang triển khai, mở rộng đầu tư các dự án hiện có, và đầu tư mới tại những địa phương có đường bờ biển trên khắp Việt Nam.

Với các dự án đang triển khai, trong mảng bất động sản thương mại, trong năm, chúng tôi sẽ hoàn thiện và bàn giao nhà một số dự án ở tại Hà Nội như FLC Twin Towers 265 Cầu Giấy, FLC Garden City Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, FLC Star Tower Hà Đông…. Ngoài ra, FLC sẽ nghiên cứu triển khai dự án cải tạo khu chung cư Kim Giang.

Đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, tại FLC Vĩnh Phúc, Giai đoạn II - Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thinh – An Tường sẽ được triển khai trên diện tích gần 250 ha, bao gồm các hạng mục lớn như: Học viện golf, khu tâm linh, khu công viên giải trí theo mô hình Disneyland, khu vườn thú tự nhiên và khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao…

Tại FLC Sầm Sơn, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn II là dự án FLC Lux City với gần 1000 căn biệt thự và liền kề, tích hợp 70 tiện ích, bao gồm nhà hàng, siêu thị, công viên giải trí…, đưa khách sạn FLC Grand Hotel Sầm Sơn với 588 phòng vào hoạt động.

Tại FLC Quy Nhơn, Giai đoạn II sẽ bao gồm khu FLC Lux City Quy Nhơn, nằm ở trung tâm khu đô thị sinh thái Nhơn Hội , và khu tổ hợp khách sạn gần 1500 phòng mang tên FLC Coastal Hill, cũng sẽ được triển khai. FLC Lux City sẽ cung ứng ra thị trường hơn 1000 căn liền kề, biệt thự, shophouse, shoptel sầm uất trên khuôn viên 37,5 ha.

Tại Quảng Ninh, trong năm 2017, FLC sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị tại FLC Hạ Long. Quần thể được đánh giá là “kỳ quan đứng giữa kỳ quan” với quy mô 157 ha, tổng đầu tư 3.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ mở rộng quỹ dự án với nhiều dự án mới như FLC Đồ Sơn tại Hải Phòng, FLC Ngọc Vừng tại Quảng Ninh, FLC Quảng Bình tại Quảng Bình.

Đến cuối năm, FLC Group sẽ đưa ra thị trường hơn 2.500 căn condotel, 1.400 biệt thự biển, 3.500 phòng khách sạn, 4 sân golf 18 hố để khẳng định vị trí nhà đầu tư và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng dẫn đầu Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top