Ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”.
Hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì, với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức tín dụng, hiệp hội, doanh nghiệp… Hội thảo là diễn đàn khoa học cho cho các đại biểu trao đổi cởi mở, thẳng thắn, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trước tình hình đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Mặc dù thời gian qua ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6. Tính chung cả 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực trọng tâm của quá trình phục hồi, ổn định nền kinh tế, an toàn hệ thống tài chính bởi hiện nay 21% tín dụng dành cho bất động sản tương đương 2,6 triệu tỷ đồng. Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch thường trực thứ 2 Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đã chỉ ra khó khăn chung hiện nay và các giải pháp tháo gỡ cụ thể cho lĩnh vực bất động sản.
Theo Phó Chủ tịch VNREA , trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng đều đang rất khó khăn. Ông Chiến chỉ ra điểm khác nhau giữa giai đoạn khủng hoảng của thị trường bất động sản 2008 - 2014 và giai đoạn hiện nay:
"Đặc điểm của giai đoạn 2008 - 2014 là nguồn cung và cầu mất cân đối, đặc biệt, phân khúc bất động sản cao cấp hàng tồn rất lớn, dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu. Nhưng ngược lại, giai đoạn hiện nay cầu đang rất lớn, nhưng cung lại không có. Thời gian vừa qua rất ít những dự án mới được mở bán dẫn đến nguồn cung thị trường hiếm, giá không hề giảm và có xu hướng còn tăng lên”.
Theo ông Chiến, khó khăn của lĩnh vực bất động sản có thể quy tụ ở 3 vấn đề chính: Pháp lý, nguồn vốn và thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Phó Chủ tịch VNREA phân tích sâu hơn những vướng mắc pháp lý, là nút thắt của mọi khó khăn liên quan đến lĩnh vực bất động sản"
"Thứ nhất là tính thực thi của các Văn bản quy phạm pháp luật: Trong quá trình quá trình áp dụng thường gặp khó khăn, vướng mắc bởi tính khả thi. ngay cả với những văn bản mới ban hành
Thứ hai: Sự đan xen chồng chéo giữa các Văn bản quy phạm pháp luật. Ở Luật này thì cho phép, nhưng ở Luật kia lại không. Làm theo Luật này thì đúng nhưng đem so với Luật kia lại chưa đúng. Việc này dẫn đến tính rủi ro rất lớn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh, mà ngay cả đối với đội ngũ công chức thực thi nhiệm vụ cũng gặp rất nhiều rủi. Vậy nên dẫn đến hệ lụy là tâm lý né tránh sợ trách nhiệm.
Thứ ba: Một số loại hình bất động sản mới ra đời nhưng chưa được định danh. Ví dụ: Căn hộ Condotel có mặt trên thị trường hàng chục năm nay và phủ khắp các tỉnh thành, việc tồn kho ở lĩnh vực này không phải là nhỏ, có thể nói đó là những vấn đề đi trước nhưng pháp luật vẫn chưa kịp thời dự liệu. Thậm chí hiện nay trong phần sửa đổi Luật Đất đai, Luật kinh doanh Bất động sản, nhà ở,… vẫn đang đề nghị đưa vào để chính thức định danh những sản phẩm đó trên thị trường.
Với riêng bất động sản nông nghiệp cũng xuất hiện thêm nhiều loại hình mới như: Famstay, Orestay, EcoStay, Garden Stay,… Đây đều là những sản phẩm được hình thành trên đất nông nghiệp và cũng chưa được pháp luật điều tiết.
Có thể nói rào cản lớn nhất cần tháo gỡ hiện nay là khâu pháp lý. Theo thống kê hiện nay, 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp lại là vấn đề pháp lý. Ngay cả khi doanh nghiệp có vốn trong tay nhưng vướng quy định pháp luật thì sẽ không triển khai được dự án. Điều này làm nản lòng các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội".
Theo ông Chiến hiện nay, Chính phủ, các Bộ ngành đang vào cuộc rất quyết liệt để hoàn thiện bổ sung sửa đổi 3 Luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, đó là Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh Bất động sản.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: