Aa

Phó Thủ tướng chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Thứ Tư, 31/01/2018 - 06:01

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về đánh giá tác động môi trường Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, bao gồm cả đánh giá tác động môi trường của dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

 

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông dự kiến hoàn thành năm 2021 - Ảnh: TT - Tuổi Trẻ.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông dự kiến hoàn thành năm 2021 - Ảnh: TT - Tuổi Trẻ.

Trước đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải và tăng cường sự kết nối giữa các thành phố lớn trên trục Bắc - Nam (nhất là việc kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) bằng hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao, an toàn; đồng thời, phát triển hài hòa các phương thức vận tải; trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015) và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015); theo đó, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với các giai đoạn như sau:

Đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Căn cứ lộ trình nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Ngày 22/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Tổng mức đầu tư dự án trên 118.000 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư và hơn 63.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách.

Trước đó, ngày 5/10/2017, Bộ Chính trị đã có Kết luận về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông; ngày 01/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW, trong đó khẳng định “đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top