Sáng 5/6, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về nhóm vấn đề thứ hai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có phần trả lời và giải trình thêm về các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư
Trước câu hỏi về tình hình điều chỉnh quy hoạch ở đô thị hiện nay của các đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, Trần Văn Tiếp, Nguyễn Thanh Hồng,... Phó Thủ tướng thừa nhận tình trạng này đang diễn ra tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư; điều chỉnh nâng tầng cao, nâng mật độ xây dựng, giảm không gian công cộng, tăng mật độ dân cư dẫn đến tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, đô thị; gây búc xúc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, an toàn của người dân.
Để giải quyết tình trạng này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương thanh tra kiểm tra, rà soát lại tất cả các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm nếu có tình trạng vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch; cho dừng điều chỉnh quy hoạch với những quy hoạch vi phạm chưa thực hiện, đang thực hiện. Đồng thời, có những giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số.
Quy hoạch treo, dự án treo, đất bỏ hoang "làm khó" người dân
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Kim Thúy đoàn Đà Nẵng, đại biểu Trần Văn Tiến và nhiều đại biểu khác về tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, đất bỏ hoang đang diễn ra ở nhiều địa phương, Phó Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận việc này "làm khó" người dân, lãng phí nguồn lực, hiệu quả sử dụng đất đai.
Việc này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân như chất lượng quy hoạch kém, dự báo thiếu chính xác, khoa học; lập quy hoạch chưa gắn với xây dựng kế hoạch thực hiện để cân đối các nguồn lực đầu tư; nhà đầu tư thiếu năng lực; công tác thực hiện quản lý quy hoạch thiếu kế hoạch dẫn đến cấp phép tràn lan, không phù hợp nhu cầu của thị trường,...
Nếu thực hiện tất cả dự án đã cấp phép thì dẫn đến dư thừa nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Ngược lại, tình trạng dự án treo, bỏ hoang xảy ra khi hạn chế xây dựng.
Từ những nguyên nhân trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu ra một loạt những biện pháp khắc phục. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch; rà soát điều chỉnh bổ sung kịp thời quy hoạch không phù hợp; có cơ chế lựa chọn nhà đâu tư có năng lực.
Cần thường xuyên ra soát cập nhật thông tin, công khai quy hoạch, lắng nghe ý kiến người dân trong lập và điều chỉnh bổ sung quy hoạch. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, các địa phương cần chủ động lập kế hoạch thực hiện, xác định lộ trình, cân đối nguồn lực thực hiện đúng như Nghị định 11 của Chính phủ đã quy định rất rõ. "Việc này hầu hết các địa phương chưa làm tốt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng chính sách, công nhân các khu công nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, phát triển theo nhu cầu, đáp ứng thu nhập của nhiều đối tượng.
Không thể thiếu là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, phát hiện bất cập và xử lý kịp thời.
Dân số khu vực nội đô tăng cao trong khi phát triển hạ tầng chậm
Về vấn đề gia tăng dân số tại khu đô thị lớn gây áp lực lên hạ tầng giao thông, nội đô, Phó Thủ tướng nêu thực trạng đáng báo động khi mỗi năm một đô thị tăng khoảng 200.000 người, 5 năm tăng 1 triệu người tức là bằng một đô thị lớn của Việt Nam. Dân số khu vực nội đô rất cao, 4 quận nội thành Hà Nội có 1,2 triệu dân. Trong khi đó, đầu tư hạ tầng chậm không theo kịp quá trình gia tăng dân số, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Để hạn chế tình trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, thực hiện theo lộ trình mà trước mắt là cần kiểm soát chặt chẽ mật độ xây dựng tại nội đô; phải có quy hoạch để xây dựng các đô thị đối trọng, đô thị vệ tinh nằm trong vùng đô thị như vùng Hà Nội và vùng TP.HCM với hệ thống kết cấu hạ tầng chất lượng đủ để hấp dẫn người dân.
Về dài hạn, phải xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia và từng bước xây dựng các đô thị vùng, đô thị của mỗi địa phương có hệ thống hạ tầng đồng bộ, gắn với việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, để tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ đó giữ chân người dân ở lại những khu vực này và giảm áp lực dân số về các đô thị lớn.