Aa

Đại biểu Quốc hội bức xúc khi "đất vàng" trụ sở di dời dùng xây chung cư, văn phòng

Thứ Tư, 05/06/2019 - 05:41

Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng việc này gây ra những hệ lụy về quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quy mô dân số, đi ngược với mục tiêu ban đầu đã đề ra khi thực hiện việc di dời.

Chiều 4/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) nêu câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trong việc chậm di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội, chưa thực hiện nghiêm theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực từ năm 2015; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho TP. Hà Nội để quản lý theo quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên). Ảnh: Như Ý

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Dung, Bộ trưởng Xây dựng cho biết vấn đề di dời trụ sở các cơ quan ban ngành ra khỏi nội thành Hà Nội đã được quy định tại Luật Thủ đô, Quy hoạch chung của TP. Hà Nội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng dẫn ra những căn cứ và quy trình thực hiện, trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Tài chính, TP. Hà Nội… về việc lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cụ thể trình Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó là tổ chức lập các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng đất sau khi di dời, xác định bố trí quỹ đất để phục vụ cho công tác di dời; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích thực hiện việc khai thác sử dụng quỹ đất, tạo nguồn vốn cho các cơ sở di dời.

Mặc dù Hà Nội đã bố trí một số khu vực, địa điểm và một số danh mục thuộc UBND TP. Hà Nội phải di dời nhưng Bộ trưởng thừa nhận công tác thực hiện vẫn còn diễn ra rất chậm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Như Ý

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Như Ý

Lắng nghe giải trình của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Tóm lại là việc này rất chậm. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan là phải ngồi lại với nhau, đánh giá lại vì sao chậm và đưa ra được giải pháp sắp tới”.

Trước câu trả lời của Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Trần Thị Dung đưa ra ý kiến tranh luận cho rằng, Luật Thủ đô được thông qua vào năm 2012 và đã có hiệu lực được 8 năm. Mặc dù Luật đã quy định nhưng việc di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô TP. Hà Nội vẫn chưa thực hiện được.

Theo quy định của Luật Thủ đô, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sẽ được ưu tiên phát triển các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế sau di dời thì phần lớn biến thành chung cư cao tầng, ít có công trình công cộng, phục vụ người dân.

9 cơ quan, bộ ngành đã được bố trí quỹ đất di dời nhưng lại có đến 7 cơ quan giữ lại trụ sở cũ và 2 cơ quan chuyển đổi mục đích xây dựng sang chung cư, văn phòng cao tầng. Không có khu đất nào được sử dụng để xây dựng công trình công cộng.

Ngoài ra, cũng chưa có cơ sở giáo dục nào di dời ra khỏi nội thành vì chưa có cơ sở hạ tầng và chưa được giao đất. Điều này gây ra những hệ lụy về quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quy mô dân số, đi ngược với mục tiêu ban đầu đã đề ra khi thực hiện việc di dời các nhà máy, xí nghiệp, trụ sở bộ, ngành.

Bà Dung đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ liên quan xem xét lại trách nhiệm của mình và quan tâm thực hiện việc di dời một cách nghiêm túc.

Việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997, 8 bộ, ngành đã di dời sang trụ sở mới từ năm 2012.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 10 bộ, ngành chưa di dời ra khỏi khu vực nội đô. Hiện các cơ quan bộ, ngành Trung ương này đang sở hữu những vị trí được coi là “đất vàng” của nội đô. Bên cạnh việc kêu khó trong kinh phí di dời, nhiều chuyên gia còn cho rằng, sở hữu vị trí vàng, có giá trị bất động sản cao cũng là lý do các bộ, ngành chậm trễ di dời.

Bên cạnh đó, điều mà dư luận quan tâm là những khu “đất vàng” của các trụ sở bộ, ngành sau khi di dời sẽ được sử dụng vào mục đích gì hay lại trở thành các dự án chung cư, văn phòng gây áp lực cho nội đô Thủ đô?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top