Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp khó khăn do thời tiết hạn hán, nắng nóng và dịch bệnh kéo dài nhưng kinh tế - xã hội của Phú Yên vẫn cơ bản ổn định và có bước phát triển. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu đều trên 50% kế hoạch năm 2019 và tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP của Phú Yên tăng 9,2%, cao hơn nhiều so với mức 6,76% của cả nước.
Thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.330 tỷ đồng, đạt 61% dự toán của tỉnh, trong đó có khoảng 1.000 tỷ đồng thu từ tiền sử dụng đất. Giải ngân vốn đầu tư công khá, vào nhóm dẫn đầu cả nước với 69%.
Xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên cũng có nhiều kết quả tích cực khi hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Tây Hoà đạt chuẩn huyện nông thôn mới và Phú Hoà đang làm thủ tục để xét duyệt. Toàn tỉnh đạt bình quân 15,84 tiêu chí/xã, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Toàn tỉnh có 191 HTX và 1 liên hiệp HTX với 43% hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, 62 HTX ở Phú Yên đã đóng BHXH cho các thành viên, giúp cho người nông dân cũng sẽ có lương hưu, nâng độ bao phủ BHXH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay mới khoảng 25% số HTX đăng ký tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho thành viên là người lao động, tuy nhiên số lượng xã viên tham gia rất thấp do hiệu quả hoạt động còn nhỏ lẻ và kém hiệu quả. Việc 62 HTX ở Phú Yên thực hiện đóng BHXH có ý nghĩa xã hội lớn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, với 5.000km2 là đất rừng, nông nghiệp và 189 km đường bờ biển, nhưng kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản còn chưa hiệu quả. Người nông dân, ngư dân chủ yếu vẫn hoạt động nhỏ lẻ, tự phát. Phú Yên sẽ đẩy mạnh phát triển HTX kiểu mới.
Theo lãnh đạo Phú Yên, khó khăn lớn nhất đối với tỉnh là hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh và vùng lân cận, trong đó có Tây Nguyên còn yếu kém, cần sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương.
Đánh giá cao những nỗ lực của Phú Yên trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng kinh tế tập thể vẫn còn nhiều hạn chế, cần được coi trọng hơn và đi liền với đó là phát triển doanh nghiệp để khai thác các lợi thế về rừng, biển của địa phương.
Phó Thủ tướng cũng nêu vấn đề chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và đề nghị địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, khơi thông các động lực tăng trưởng của địa phương.
“Hơn 60% diện tích là rừng và đường bờ biển dài có rất nhiều lợi thế để làm nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch... Lãnh đạo Phú Yên phải có khát vọng để lan toả tới các cấp, sở, ngành, đưa Phú Yên phát triển đi lên mạnh hơn nữa”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh sớm tổng kết 15 năm triển khai Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển kinh tế tập thể, HTX; coi trọng phát triển doanh nghiệp gắn kết với kinh tế tập thể và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ hải sản.
Theo Bộ KH&ĐT, số lượng doanh nghiệp ra đời của Phú Yên giảm 9% và số vốn giảm tới 50% sau mức tăng trưởng cao của năm 2018 (tăng 20% cả về số lượng và vốn). Nguyên nhân là do các chỉ số PCI, PA index, PAPI của Phú Yên còn rất thấp so với các địa phương khác trong cả nước, ảnh hưởng tới việc cải thiện môi trường cạnh tranh và thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Để xử lý các vướng mắc trong kết nối vùng và phát triển hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng, hướng Phú Yên kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận và khu vực Tây Nguyên; triển khai kết nối hai khu vực Nam Phú Yên - Bắc Vân Phong sau khi hầm Đèo Cả đã hoàn thành. Tỉnh Phú Yên quy hoạch lại kinh tế - xã hội của địa phương trên nền tảng quy hoạch vùng và quốc gia.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên và đoàn công tác Chính phủ đã tới viếng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Phú Yên.