Aa

Phó Thủ tướng: Thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Sáu, 22/09/2017 - 04:30

Thông tin được Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Cựu Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, cung cấp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với các bên liên quan đến quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Buổi làm việc có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy (Vivaso), đại diện Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS). Trao đổi nhanh với Reatimes sau buổi làm việc, bà Ngát hồ hởi: "Thắng lợi giòn giã rồi!". 

Theo bà Ngát, kết luận sau cuộc làm việc chiều nay, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo phải thanh tra lại quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam và việc định giá thương hiệu gần 60 năm của hãng phim này. 

Quyết định này phần nào giải tỏa nỗi bức xúc của tập thể các nghệ sỹ hãng phim truyện Việt Nam suốt nhiều tháng qua. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

Trước đó, sáng cùng ngày, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã tổ chức buổi họp báo để cung cấp thông tin về sự việc này. Buổi gặp mặt có sự tham dự của NSND Đạo diễn Đặng Xuân Hải - Chủ tịch  Hội Điện Ảnh Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, cùng nhiều thế hệ nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó có nhiều nghệ sỹ kỳ cựu mà tên tuổi gắn liền với Hãng như NSND Đức Lưu, Đạo diễn Xuân Sơn, Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn... 

Tại buổi làm việc, các nghệ sỹ đã bày tỏ nỗi bức xúc liên quan đến quá trình cổ phần hóa VFS. Trong đó, chủ yếu xuất phát từ việc các nghệ sỹ cho rằng việc cổ phần hóa hãng phim không minh bạch, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có nhiều uẩn khúc. Việc định giá giá trị của VFS cũng khiến các nghệ sỹ chua xót khi một thương hiệu gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước chỉ được định giá 0 đồng, ngoài ra là quyền sử dụng các mảnh đất "vàng" hàng nghìn mét vuông cũng chung số phận. 

Chưa kể việc ban lãnh đạo mới của CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam sau khi tiếp quản đã có những hành động được các nghệ sỹ đánh giá là "không có ý định làm phim", "xúc phạm lịch sử lâu đời của nền điện ảnh nước nhà", "không tôn trọng các nghệ sỹ cả những người còn sống và những người đã khuất". 

NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã nói lên suy nghĩ của ông về tiến trình cổ phần hóa VFS, một tiến trình mà ông cho là sự minh bạch dối trá. Theo ông Vân, việc đưa ra giá trị thương hiệu và giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 là một sự ngu dốt và xúc phạm. Điều này dẫn đến hệ lụy là Tổng Công ty vận tải Thủy với chỉ 32,5 tỷ đồng đã có thể nắm giữ 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, cổ đông chiến lược sau khi VFS thành CTCP. 

NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân giơ tờ báo với mẩu tin

NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân giơ tờ báo với mẩu tin với "khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi" đăng tin tìm cổ đông chiến lược

Ngoài ra, ông Vân cũng cho rằng việc Ban Cổ phần hóa (Bộ VHTT & DL) cho phép ông Vương Tuấn Đức, cựu giám đốc VFS, Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa, làm Đại hội cổ đông lần 1 vào ngày 20/5/2017 và 23/6/2017, sau đó Bộ có văn bản thành lập CTCP là một sự khẩn trương đáng nghi. Bởi ngày 16/3/2017, Bộ Tài chính đã công bố về Dự thảo nghị định mới về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, sửa đổi một số điều ở Nghị định 59 vì Nghị định này có nhiều thiếu sót, đặc biệt là việc cho phép đặt giá trị đất và ưu thế sử dụng vị trí đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Ông Vân cho rằng, Ban cổ phần vì lo ngại Nghị định mới có hiệu lực nên khẩn trương phải thành lập nên CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. 

"Trong việc cổ phần hóa này, chắc chắn phải có những đơn vị độc lập, có tâm hơn rà soát lại những việc đã làm của những đơn vị cũ thì mới hòng mong có một kết quả minh bạch, hợp lý, tương xứng với giá trị một doanh nghiệp là Hãng phim truyện Việt Nam", NSND - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top