Aa

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Hành trình trắc trở đầy tai tiếng

Thứ Hai, 18/09/2017 - 09:12

Những ngày gần đây, câu chuyện cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam lại một lần nữa trở thành chủ đề gây xôn xao dư luận.

Đây không phải lần đầu tiên, đề tài này được mang ra bàn tán bởi dường như hành trình IPO của đơn vị này gặp khá nhiều trắc trở.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 4/2016, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng sau hơn 60 năm hoạt động, trong đó có tới hơn 20 năm hoạt động thua lỗ. Tuy nhiên, kết quả IPO sau đó được HNX công bố cho thấy VFS chỉ bán được 115.000 cổ phần, với giá bình quân 10.200 đồng một cổ phiếu để thu về gần 1,2 tỷ đồng. Dù theo kế hoạch, số cổ phần được chào bán là 525.000 (10,5% vốn điều lệ), tương đương số tiền thu về tối thiểu là 5,25 tỷ. Cũng căn cứ trên cơ cấu vốn, hãng phim được định giá khoảng 52 tỷ đồng.

Lý giải về sự ế ẩm của cổ phiếu VFS, giới đầu tư cho rằng tình hình tài chính khá bi đát của đơn vị này là lý do chính. “Điểm sáng” duy nhất khiến nhà đầu tư có thể tỏ ra quan tâm tới VFS là các lô “đất vàng” của hãng đang quản lý. Cụ thể là trụ sở đặt tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.500 m2. Ngoài ra, hãng còn có 905m2 đất có địa chỉ trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội); hơn 1.200m2 tại Khu đất số 6, Thái Văn Lung (Bến Nghé, TP HCM) làm trường quay phim… nhưng có thông tin cho rằng tất cả đất này đều là đất thuê hoặc đã hết hợp đồng từ lâu, không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Quá trình cổ phần hóa của VFS không chỉ dừng lại ở việc cổ phiếu ế ẩm mà còn khiến các nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu bức xúc là bởi, dù đã có tới gần 60 năm tuổi đời và là một trong những tên tuổi quen thuộc với rất nhiều người dân Việt Nam, đã sản xuất ra những bộ phim trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt nhưng thương hiệu của VFS chỉ được định giá bằng 0.

Chưa kể, theo kế hoạch cổ phần hóa VFS được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận, ngoài việc IPO 10,5% vốn, Nhà nước nắm giữ 20% và 4,5% bán cho cán bộ, nhân viên, có tới 65% vốn còn lại của VFS sẽ được bán cho một tên tuổi hoàn toàn lạ lẫm trong giới nghệ thuật và có phần “trái tay” là Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO).

Khu đất

Khu đất "vàng" ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) do VFS quản lý cũng là diện tích đi thuê.

Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khá “mập mờ” cũng khiến cộng đồng nghệ sỹ đặt nhiều nghi vấn. Theo tờ Tiền phong, Việc đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chỉ được thực hiện ở một tờ báo địa phương, có lượng phát hành nhỏ; việc lựa chọn chỉ chốt lại sau 10 ngày cũng hạn chế việc tìm ứng viên. Điều đó dẫn tới “bi hài”: Biểu tượng của ngành điện ảnh nằm trong tay một đơn vị chuyên về lái tàu, kinh doanh cảng sông (là Tổng Cty Vận tải Đường thủy VIVASO).

Bức xúc trước vấn đề này, nhiều nghệ sỹ đã cùng viết đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan Đảng, Chính phủ…

Đến tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất vàng do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để bảo đảm sát giá thị trường, tránh thất thoát tài sản Nhà nước...

Tuy nhiên, cuộc họp rà soát này vẫn do những người cũ trong ban Cổ phần hóa VFS và đơn vị tư vấn xác định giá trị VFS trước khi CPH (Cty TNHH Kiểm toán quốc gia VIA) và tư vấn CPH (Cty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương) chủ trì.Tại cuộc họp này, nội dung về xác định giá trị thương hiệu VFS (theo chỉ đạo của Thủ tướng) được ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTTvà DL) cho biết, sẽ chuyển vào giai đoạn II và vẫn thừa nhận kết quả CPH như cũ, khiến cộng đồng các nghệ sỹ không chấp nhận.

Mới đây, Chi hội Điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu tới Hội Điện ảnh Việt Nam. Theo Tuổi trẻ Online, trong lá đơn, các thành viên Chi hội điện ảnh này khẳng định cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn, là điều mà cán bộ, công nhân viên hãng đều mong muốn. Tuy nhiên, họ không đồng tình với cách thức cổ phần hóa.

Trong đơn kêu cứu, ngoài những vấn đề đã nêu ở trên, Chi hội Điện ảnh của VFS còn nêu một số bật cập như: việc ngày 23/6/2017 Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ra quyết định thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng; Cơ sở vật chất bị xáo trộn: Sát nhập 4 phòng vào một phòng để lấy đất kinh doanh chứ không để làm phim; Công ty cổ phần yêu cầu cán bộ, công nhân viên tự đi kiếm việc, tự trả lương. Nếu muốn được nhận lương từ công ty cổ phần thì phải đi làm đủ 8h như đi làm hành chính. Điều đó thể hiện sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo công ty cổ phần về đặc thù công việc của hãng…

Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 16/9/2017 mới đây, những nghệ sĩ đã và đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định cổ đông chiến lược hiện chỉ quan tâm tới đất chứ không phải làm phim.

Chi hội Điện ảnh VFS và các nghệ sỹ cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát chặt chẽ và có những giải pháp thay đổi căn bản về tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sao cho tài sản của nhà nước không bị thất thoát.

Sau đó tìm được cổ đông chiến lược chính xác sau khi thương hiệu và lợi thế vị trí đất của hãng được tính vào giá trị doanh nghiệp nhằm thực hiện đúng, đầy đủ, minh bạch quá trình rà soát lại việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top