Giao ban Báo chí đầu Xuân trở thành truyền thống mở đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước.
Tại giao ban, các đại biểu đã nghe những nội dung về thông tin nổi bật trên báo chí dịp Tết Quý Mão; hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới... Lãnh đạo một số cơ quan báo chí chia sẻ về những khó khăn, thách thức phải vượt qua, nhất là trong hoạt động kinh tế báo chí, để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể là triển khai các nội dung theo sát các đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, hoạt động của Chính phủ, Quốc hội.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có sự phối hợp nhịp nhàng để các cơ quan báo chí triển khai thông tin bảo đảm sự phong phú, tuân thủ chỉ đạo và quan trọng nhất là đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần sâu sát, gắn với đời sống xã hội, bám sát thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân; truyền năng lượng, cảm hứng tích cực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ghi nhận các ý kiến tại giao ban, nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan thông tấn - báo chí, các nhà báo lão thành và toàn thể những người làm báo cả nước.
Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2022, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí là những thách thức có tính sống còn, mang tính toàn cầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn chế của các mô hình phát triển hiện nay… từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động để phát triển.
Phó Thủ tướng chia sẻ, những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, khi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ các con đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, ông cảm nhận được không khí hồ hởi, phấn khởi của người dân, chính quyền, doanh nghiệp trước những cơ hội phát triển mới được mở ra từ những tuyến cao tốc.
"Dù phải nhường nhà, nhường ruộng đất để làm đường, nhưng người dân vẫn thể hiện sự tin tưởng, gắn bó, ủng hộ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, vì sự phát triển của đất nước", Phó Thủ tướng bày tỏ và tin tưởng với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2022 cùng nhiều bài học sâu sắc rút ra từ quá trình phát triển đất nước, chống dịch Covid-19 và trong cả hoạt động báo chí, bước sang năm 2023, dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta sẽ có một năm kiến tạo, cùng đồng hành để phát triển.
Phó Thủ tướng khẳng định giao ban báo chí đầu xuân hằng năm là cơ chế hết sức quan trọng để định hướng cho các cơ quan báo chí đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Trao đổi với lãnh đạo các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng cơ hội, quyết tâm của các cơ quan báo chí đã có, sự ủng hộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và cơ chế cũng đã có nhưng trong thế giới biến đổi rất mạnh mẽ hiện nay cũng đặt ra những thách thức rất to lớn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí phải đổi mới để có đủ sức mạnh, năng lực để cạnh tranh với các loại hình, phương thức truyền thông mới, mạng xã hội,... nhằm thu hút, đáp ứng được yêu cầu của độc giả.
Theo đó, báo chí phải nhanh, nhạy, chính xác, chuyên nghiệp, sát với thực tiễn hơn. Không chỉ đơn thuần thông tin, phản ánh mà các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số. "Các đồng chí cần đề xuất cụ thể. Nhà nước phải làm gì. Các cơ quan báo chí phải làm gì", Phó Thủ tướng nói.
Thứ hai là phải làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí. Đồng thời, các cơ quan báo chí phải xây dựng nhiều tác phẩm, ấn phẩm; đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành "món ăn tinh thần hằng ngày" không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý.
"Đơn cử như các bản tin dự báo thời tiết nếu tiếp tục được nâng cấp về chất lượng, phục vụ mọi đối tượng ở mọi khung giờ; hoặc trong hoạt động tuyên truyền, áp dụng các chính sách pháp luật vào cuộc sống, các cơ quan báo chí cần hợp tác với những chuyên gia luật pháp, luật sư để trở thành người bạn tin cậy của độc giả thì sẽ góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu", Phó Thủ tướng gợi mở.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng "đặt hàng" các cơ quan báo chí có thêm nhiều phương thức, hình thức chuyển tải thông tin, nhất là qua mạng xã hội, để đến được với người dân nhiều hơn, với sự thống nhất về tư tưởng, chính trị, chủ trương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan báo chí không chỉ thông tin thuần tuý mà cần chủ động phản ánh những bất cập, khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý có phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; có các chuyên đề, nghiên cứu rất hệ thống, đồng bộ, đưa ra những mô hình, cách làm hay, nhân rộng những cơ chế, chính sách mới, thậm chí đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc.
Mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan "chọn mặt gửi vàng", gắn bó hơn nữa với báo chí - "cầu nối" để chuyển tải thông tin về định hướng, nhiệm vụ, công việc thuộc lĩnh vực quản lý tới người dân.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong năm 2023, các cơ quan báo chí tập trung thực hiện tốt, hiệu quả kế hoạch lấy ý kiến, phản hồi của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để chúng ta có thể xây dựng được một đạo luật đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, trở thành nền tảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.