Sáng 27/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định, quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản rất quan trọng, liên quan đến người dân, doanh nghiệp, công tác quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương. Việc tổ chức các cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc để các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp… góp ý trực tiếp, hoàn thiện theo quy trình chặt chẽ nhất để khi ban hành nghị định không để xảy ra vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực thi luật.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 78 điều nhằm hướng dẫn chi tiết 18 nội dung trong Luật Nhà ở năm 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội. Nghị định kế thừa các quy định hiện hành vẫn đang thực hiện hiệu quả, đồng thời thể chế hoá những chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong thời gian qua, quy định chi tiết về thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội, trong đó cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất, miễn thủ tục xác định và thẩm định giá đất với các dự án nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nhân dân. Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các chi phí hợp lý, hợp lệ được tính vào giá bán, giá thuê mua, thời điểm xác định giá để đảm bảo minh bạch, thuận tiện trong quá trình kinh doanh. Quy trình mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội được rút ngắn và đơn giản hóa nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp và đơn vị quản lý, ví dụ như quy định việc bốc thăm có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến.
Các đại biểu đã thảo luận, đồng thuận với quy định nộp tiền sử dụng đất được tính tại thời điểm chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê; người mua nhà ở xã hội là căn hộ chung cư sau 5 năm được bán và không phải nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, với quy định trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ (được xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) phải nộp tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét, tính toán, quy định cụ thể bảo đảm quyền lợi của bà con đồng bào dân tộc tộc thiểu số, người dân ở vùng khó khăn.
Đối với các nội dung liên quan đến phát triển nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, các đại biểu kiến nghị cho phép chủ đầu tư được đề xuất hình thức thực hiện là dành một phần diện tích, bố trí quỹ đất thay thế, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội với tỷ lệ tối thiểu là 20%.
Về quy định các giai đoạn của dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị không quy định riêng nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội, đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Các nội dung khác nhận được các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ thêm về chính sách tín dụng ưu đãi, diện tích, hệ số sử dụng đất tối thiểu đối với nhà ở xã hội riêng lẻ; quy định thêm trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước đối với nghĩa vụ xây nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại; xem xét lại quy định bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được quy định tại Chương VI Luật Nhà ở và được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.
Nghị định cần có thêm các quy định mang tính chính sách có tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho các dự án nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội là vấn đề ưu tiên của ưu tiên trong vấn đề nhà ở, cần được tính toán từ khâu quy hoạch cũng như cách xác định các đối tượng chính sách được sử dụng nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội…
Trước đó, ngày 26/5/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 53/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các Tổ chức tín dụng theo thẩm quyền và trách nhiệm đã được giao trong các Luật nêu trên, hoàn thành trong tháng 6/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024, số 202/TTg-NN ngày 26/3/2024. Quá trình xây dựng, ban hành cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật./.