Chiều 28/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp để nghe Bộ VHTTDL và UBND TP. Đà Nẵng báo cáo về việc tiếp thu các kiến nghị của Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng về bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tinh thần của Thủ tướng, Phó Thủ tướng là rất cầu thị lắng nghe và đặc biệt chúng ta phải và công khai minh bạch vì sự thật bao giờ cũng là sự thật. Nếu chúng ta làm đúng thì nhân dân, công luận sẽ đánh giá đúng.
Phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm môi trường sinh thái
Theo Phó Thủ tướng, bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2013. Bộ VHTTDL chủ trì nhưng Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình xây dựng bản Quy hoạch này. Bản Quy hoạch này được phê duyệt ngày 9/11/2016, được chính thức công bố ngày 15/2/2017. Bản Quy hoạch này chưa được triển khai trên thực tế.
Trước tháng 5/2013, thực tế có 18 Dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được UBND Thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đã làm các bước, thậm chí có những dự án đã cấp phép. Trong số đó có 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú. Từ năm 2013 tới nay không cấp thêm dự án nào nữa. Có nghĩa tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi bản Quy hoạch được lập.
“Việc quản lý, xây dựng các dự án này thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm giải quyết của Đà Nẵng. Các dự án mà Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng. Như vậy quy mô phòng lưu trú so với các dự án đã được đồng ý chủ trương trước khi bản Quy hoạch được xây dựng chỉ bằng 1/3”, Phó Thủ tướng nói.
Dù vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay sau khi bản Quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị và một nội dung quan trọng trong bản kiến nghị là giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà.
Như vậy, theo Hiệp hội này, trên bán đảo Sơn Trà chỉ nên có số cơ sở lưu trú hiện nay, tức là khoảng 300 phòng. Khi lập bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, các dự án đã được chấp thuận là 5.000 phòng, tương đương là 10 phần thì bản quy hoạch giới hạn chỉ được 1.600 phòng, tức là 3 phần nhưng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị chưa tới 1 phần (giữ nguyên khoảng 300 phòng).
Để giải quyết kiến nghị của Hiệp hội, Theo Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã giao Bộ VHTTDL, TP. Đà Nẵng báo cáo. Bộ VHTTDL, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc với Hiệp hội, có mời các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, môi trường để trao đổi trên một tinh thần khoa học trong đó sẽ lưu ý kinh nghiệm làm tốt trên thế giới đối với trường hợp tương tự.
“Đặc biệt, đối với UBND TP. Đà Nẵng cần chủ động xem xét tất cả các vấn đề để có báo cáo chính thức với Thủ tướng về kiến nghị của Hiệp hội, báo cáo đó cần có kiến nghị rất cụ thể. Thay vì trước đây cấp phép là 10, bây giờ Hiệp hội giảm xuống 1 thì UBND TP Đà Nẵng có chấp nhận không. Nếu không xuống 1 thì giảm xuống bao nhiêu, đương nhiên phải xuống dưới 3 phần như Quy hoạch rồi. Như tôi đã nói, nếu có đề nghị trên 1.600 phòng thì tôi cũng không chấp nhận và Đà Nẵng cũng khẳng định không có đề nghị hơn vì đã đồng ý với Quy hoạch rồi”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Chia sẻ với Đà Nẵng về vấn đề này, Phó Thủ tướng đề nghị trước 30/8, Đà Nẵng phải có văn bản chính thức trả lời, kiến nghị với Thủ tướng là có chấp nhận kiến nghị của Hiệp hội là giữ nguyên trạng, không xây dựng cơ sở lưu trú không, nói cách khác là có chấp nhận giảm tiếp nữa số phòng lưu trú trên bán đảo Sơn Trà không và giảm tới mức nào một cách cụ thể.
Đối với Bộ VHTTDL, về các khía cạnh liên quan tới khoa học khác, cần thời gian để tổ chức hội nghị, buổi làm việc và đồng ý 3 tháng để tổ chức hội nghị. Trên thực tế, Quy hoạch này chưa hề được triển khai.
Trong 3 tháng đó, Phó Thủ tướng đề nghị chưa triển khai Quy hoạch này để việc tiếp thu ý kiến được khách quan.
“Chúng ta cũng không lo ngại rằng trong 3 tháng tới, khi bản Quy hoạch này chưa được triển khai, thì liệu rằng các dự án đã được cấp phép trước đây sẽ ồ ạt làm để cho xong hết không. Bởi vì lãnh đạo Đà Nẵng đã thống nhất từ 16/5, tất cả mọi quyết định liên quan đến các dự án đều phải được thông qua Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về đều được chúng ta giám sát”, ông Đam nói.
Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái. Sau khi các đồng chí báo cáo thì lúc đó Thủ tướng sẽ xem xét.
Phó chủ tịch Đà Nẵng: Rất khó khả thi, không thực tế
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng đề nghị giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng rất khó khả thi và không thực tế. Còn con số 1.600 phòng lưu trú theo quy hoạch đã thống nhất rồi, Đà Nẵng không có ý kiến.
Ông cũng khẳng định Thành phố xác định vấn đề an ninh, quốc phòng với Sơn Trà rất quan trọng. Chính vì vậy không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào đây.
"Chính quyền và nhân dân Đà Nẵng luôn coi Sơn Trà là tài sản vô giá, là một trong những địa linh có môi trường thiên nhiên đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, có vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh. Mọi tác động lên thực thể bán đảo Sơn Trà đều phải được nghiên cứu trên cơ sở khoa học, đặc biệt chú trọng yếu tố nhân văn, đảm bảo tính công khai, dân chủ và cầu thị", ông chia sẻ.
Theo ông Tuấn, quy hoạch Sơn Trà phục vụ cho phát triển văn hoá, du lịch, dịch vụ gắn với quốc phòng, an ninh.
"Bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hoà các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng kiến nghị không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà đã được đặt ra từ khi các cơ quan chức năng lập quy hoạch, thông qua việc xem xét đánh giá quy mô phát triển, mức độ tác động đến môi trường cảnh quan tự nhiên. Các cơ quan chức năng nhận thấy giải pháp hợp lý là điều chỉnh cấu trúc không gian du lịch kết hợp với việc kiểm soát quy mô hệ thống cơ sở lưu trú, như đã nêu trong quy hoạch để bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Theo ông Ái, kiến nghị nêu trên có thể dẫn đến một số hệ quả là với những dự án đang xây dựng dở dang thì phải tháo dỡ toàn bộ, những dự án đã phê duyệt nhưng chưa được triển khai thì phải huỷ bỏ. "Đây là vấn đề phức tạp, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được chấp thuận trước thời điểm quy hoạch ra đời", Thứ trưởng Bộ VHTTDL nói./.