Một khu đô thị sống là khi có người dân về ở
Ông Vũ Mai Phong, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark đã bắt đầu bài tham luận tại Toạ đàm Lý luận phê bình về kiến trúc cảnh quan các khu đô thị mới tại Việt Nam bằng nhận định: "Một khu đô thị hình thành và sống được phải mất 10 năm, tính từ lúc bắt đầu mở bán. Nhiều khu đô thị hoang hoá đến 10 năm và để lấp đầy nó rất lâu. Có những khu đô thị phải làm mới lại khi xuất hiện nhiều ngôi nhà cũ, bỏ hoang. Nhiều khu đô thị chết xuất hiện khi người ta mua về nhưng không ở”.
Ông Phong cũng cho biết, Ecopark đã mất tới 10 năm để lấp đầy cư dân như hiện nay. Sự hình thành của Ecopark bắt đầu từ 17 năm về trước. Ngay từ khi hình thành, người đứng đầu của Ecopark đã định hướng, đây là dự án đô thị xanh, bền vững, hướng tới đối tượng con người.
Theo vị lãnh đạo Tập đoàn Ecopark, từ thời điểm đặt bút xuống thiết kế và thẩm định phê duyệt dự án, nhà đầu tư đã phải tính tới sự kết nối với khu cư dân hiện hữu ra sao? Sự giao tiếp giữa khu đô thị mới sẽ được hình thành với khu dân cư hiện hữu là một bài toán phải đặt ra.
Minh hoạ cho mối liên hệ này, ông Phong cho rằng, tại khu đô thị, những căn nhà phố hay biệt thự phải kinh doanh. Nhưng sự xuất hiện của cư dân khu đô thị tới sinh sống sẽ chưa đủ để tạo ra kết quả kinh doanh tốt. Điều này khiến chủ đầu tư sẽ phải tốn nhiều chi phí quản lý hơn. Nhưng nếu khu đô thị mới được kiến tạo theo hướng mở, đón dân cư hiện hữu xung quan tới thì kết quả kinh doanh của những nhà phố, biệt thự gia tăng. Lợi ích cộng sinh của sự kết nối này là giá trị của những toà nhà trong khu đô thị tăng mạnh.
Quan điểm "Không để đất được nghỉ"
Thông thường, chủ đầu tư tính đến tối đa hoá lợi nhuận nhưng để làm được điều này thì phải tối đa hoá giá trị của con người trong khu đô thị trước. "10 năm sau, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu sự tối đa hoá giá trị cho con người từ khi xây dựng một cộng đồng cư dân thân thiện, yêu thiên nhiên, muốn bảo vệ môi trường. Với quá trình xây dựng và kiến tạo cảnh quan với hệ thống cây xanh lớn, Ecopark được đầu tư lượng cây xanh lớn hơn so với quy hoạch ban đầu với nhiệt độ trung bình thấp hơn Hà Nội từ 2-3 độ" - Vị phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark nhấn mạnh.
Để tạo được sự thu hút cho Ecopark, ông Phong cho rằng, kiến trúc cảnh quan là một chìa khoá quan trọng. Kiến trúc cảnh quan sẽ tạo nên sự hấp thụ sản phẩm bất động sản và tính được điểm rơi của thị trường. Theo đó, thiết kế cảnh quan đi trước và thiết kế cây xanh đi sau. Từ ngôn ngữ thiết kế cảnh quan sẽ lựa chọn chủng loại cây phù hợp.
“Trong tạo dựng cảnh quan, hạ tầng đi trước, cây xanh đi sau. Nhưng với một nhà đầu tư, họ phải tính toán đến câu chuyện kinh doanh vì không thể xong hạ tầng rồi mới trồng cây. Chúng tôi tạo dựng cảnh quan thông thường hạ tầng sẽ đi trước. Làm xong hạ tầng, chúng tôi mới trồng cây. Nhưng với nhà đầu tư thì phải tính toán câu chuyện kinh doanh, không thể làm hạ tầng rồi mới trồng cây được.
Vì như vậy, khách hàng tới mua nhà sẽ không thấy hấp dẫn vì thiếu cảnh quan. Ecopark đã phải làm đồng bộ cả hạ tầng và cây xanh để khi bàn giao, cảnh quan đẹp sẽ hấp dẫn khách hàng. Giá trị của sản phẩm bất động sản cũng gia tăng” - CEO Ecopark cho hay.
Cũng theo ông Phong, ngôn ngữ thiết kế cảnh quan sẽ có sự khác biệt giữa các vùng miền với vị trí địa lý, khí hậu khác nhau. Chính vì vậy, với mỗi dự án, Ecopark đều có sự nghiên cứu, tính toán xây dựng các ngôn ngữ thiết kế cảnh quan khác nhau.
Ông Phong tiết lộ thêm, để khu đô thị Ecopark luôn xanh, quan điểm của nhà phát triển bất động sản này là không được để đất ngủ. Chính vì vậy, tất cả các diện tích chưa xây dựng sẽ trở thành vườn ươm cây. Đến hiện tại, Ecopark đã có một rừng ươm nhỏ để cung cấp cho toàn bộ dự án. Hiện tại, doanh nghiệp này cũng tính toán tới việc đưa vườn cây lên tầng cao.