Aa

Phối hợp để kiểm soát lạm phát

Thứ Năm, 07/03/2019 - 06:00

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng tới 0,8% so với tháng trước. Mặc dù theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mức tăng của CPI tháng 2 là mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 9/2017 và là mức tăng cao nhất của CPI tháng 2 kể từ năm 2014 đến nay, đã làm sống dậy những lo ngại về áp lực lạm phát năm 2019.

Còn nhớ, trước khi bước vào năm 2019, không ít chuyên gia đã cảnh báo áp lực lạm phát năm nay sẽ không hề vơi bớt so với năm 2018, đặc biệt giá dầu vẫn là một ẩn số. Trong khi trong nước, giá nhiều loại hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quản lý được dự báo sẽ tăng theo lộ trình, đặc biệt là giá điện. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc giữ mức lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là một thách thức nếu như việc điều chỉnh giá dịch vụ công không tính toán kỹ về mặt liều lượng và thời điểm. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lường trước những sức ép đó, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Thống đốc NHNN đặt ra mục tiêu tổng quát của ngành Ngân hàng trong năm 2019 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Với tinh thần đó, năm 2019 định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% là thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây cũng đã phần nào cho thấy sự thận trọng của NHNN đối với áp lực lạm phát năm nay. Sự thận trọng của NHNN còn được thể hiện ở chỗ, vừa bung tiền ra để mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, cơ quan quản lý đã lập tức hút tiền về không chỉ vậy, để tránh tạo áp lực lên lạm phát.

Diễn biến giá cả những tháng đầu năm cũng đã phần nào cho thấy sự thận trọng của NHNN là hoàn toàn có cơ sở. Trong khi, CPI tháng 3 nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục tăng khi mà giá xăng dầu vừa được điều chỉnh tăng khá mạnh, tới gần 1.000 đồng/lít,kg và có thể còn tăng cao hơn nếu liên bộ không tăng mức sử dụng quỹ bình ổn; giá gas cũng tăng 17.000 đồng từ 1/3; giá lúa tại khu vực ĐBSCL cũng đang nhích lên sau khi các bộ, ban, ngành, địa phương vào cuộc mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong khi dịch bệnh trên lợn có thể đẩy giá các mặt hàng thực phẩm khác tăng…

Nay lại thêm thông tin giá điện có thể tăng 8,36% ngay từ cuối tháng 3 này. Do điện không chỉ là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mà còn là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên giá điện tăng chắc chắn sẽ đẩy CPI tăng. Theo ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương, việc tăng giá điện lần này có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP giảm 0,22%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,29%.

Không bàn tới lý do vì sao giá điện phải tăng và việc giá điện tăng tới 8,36% sẽ tác động cụ thể thế nào đến CPI cũng xin để cho các cơ quan chức năng và giới chuyên môn tính toán. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ băn khoăn về 2 vấn đề đó là mức độ và thời điểm. Rõ ràng mức tăng 8,36% là khá lớn, trong khi thời điểm tăng lại diễn ra ngay sau khi giá xăng dầu vừa tăng mạnh, giá lương thực, thực phẩm cũng đang có xu hướng tăng. Chắc chắn điều đó sẽ tạo lạm phát kỳ vọng và từ đó có thể khiến mức tăng thực tế của CPI lớn hơn nhiều.

Vấn đề là, trong khi NHNN đang căng sức để kiểm soát lạm phát, thậm chí tăng trưởng tín dụng, cung tiền cũng được siết lại, mà công tác điều hành giá lại không có sự “chia lửa” cần thiết, đơn giản nhất là không tăng giá dồn dập để không tạo lạm phát kỳ vọng…

TS. Cấn Văn Lực đã từng khuyến nghị, Chính phủ cân nhắc việc tăng giá điện trong năm 2019, nhưng cần tính toán kỹ để đảm bảo không tăng chi phí quá cao đối với doanh nghiệp và người dân, cũng như không tạo áp lực lên lạm phát.

Và để kiểm soát lạm phát năm 2019 theo đúng mục tiêu đề ra, theo TS. Lực, cần làm tốt ba việc quan trọng. Thứ nhất, phối hợp chính sách cần được thực hiện tốt hơn nữa, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả. Thứ hai, cần tính toán kỹ để có lộ trình tăng giá phù hợp cho những mặt hàng cơ bản, như giá điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội... Thứ ba, cần tiếp tục nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định mặt bằng lãi suất, quản lý tốt tỷ giá, qua đó giảm bớt lạm phát.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top