Phong cách kiến trúc Neoclassical là gì?
Thuật ngữ Neoclassical xuất hiện đầu tiên trong các tài liệu học thuật tại Pháp vào giữa thế kỷ XVIII khi mà các kiến trúc sư bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ điển tiêu biểu. Phong trào kiến trúc Neoclassical làm sống lại những hình ảnh cổ điển mang lại hơi thở Âu - Mỹ trong thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX thông qua những nghệ thuật tạo hình kiến trúc đặc trưng. Vì thế mà nó còn được gọi bằng cái tên là phong cách Tân cổ điển. Phong cách Tân cổ điển là sự đơn giản hóa kiến trúc cổ điển, nó lấy những bức tường, cột hàng làm trọng tâm và làm nổi bật bản chất chi tiết của bộ phận đó.
Lịch sử hình thành của phong cách kiến trúc Neoclassical
Tân cổ điển là một cái tên của trào lưu nghệ thuật thị giác, nghệ thuật trang trí, âm nhạc, văn học và kiến trúc lấy cảm hứng từ nghệ thuật và văn hóa cổ điển từ La Mã cổ đại và Hy Lạp cổ đại. Trào lưu này đã thống trị Bắc Âu từ giữa thế kỷ XVIII tới cuối thế kỷ XIX.
Phong trào Neoclassical trong nghệ thuật, văn hóa và kiến trúc, nó phát triển như một lời đáp trả đối với trào lưu Rococo. Về mặt kiến trúc, kiến trúc Tân cổ điển có nét tương đồng với kiến trúc Phục Hưng và kiến trúc cổ điển, nó giữ nguyên tính trật tự của hai kiến trúc nó kế thừa nhưng giản đơn hơn. Về mặt nghệ thuật, trào lưu này được cho là theo khuôn mẫu những tác phẩm của thế giới cổ điển, thường bao gồm các đề tài chính trị về chiến tranh và lòng dũng cảm. Trên thực tế thì các tác phẩm mang phong cách Neoclassicism rất phong phú, linh hoạt và khó có thể tìm ra được điểm đồng nhất tuyệt đối.
Vào giữa thế kỷ XVIII phong trào kiến trúc Tân cổ điển nổ ra và có sức ảnh hưởng lớn của Hy Lạp cổ đại và cổ điển. Kiến trúc Tân cổ điển bắt đầu từ những năm 1750, nó như là một phong trào kiến trúc hồi tưởng lại kiến trúc cổ điển. Trong các công trình kiến trúc mang phong cách này người ta thường thấy có cách thức cột cơ bản như Doric, Corinth, Ionic đó là cách người Hy Lạp cổ đại tìm kiếm đến cái đẹp lý tưởng. Những thức cột Hy Lạp đã mang đến cho kiến trúc một sức sống, một hình thức, chịu đựng được thử thách của thời gian, nó là biểu tượng cho vẻ đẹp trong sáng, tinh tế và khỏe mạnh của kiến trúc cổ điển.
Đặc điểm của phong cách thiết kế nội thất Neoclassical
Thực tế, có nhiều người còn mơ hồ và đánh đồng phong cách nội thất bán cổ điển với cổ điển. Hai kiểu thiết kế này mặc dù cũng có điểm chung nhưng hoàn toàn không giống nhau. Thiết kế nội thất phong cách Neoclassical có những đặc trưng riêng của nó:
Tinh tế nhưng không cầu kỳ
Nội thất tân cổ điển đẹp tinh tế nhưng lại không hề cầu kỳ như những gì trường phái Rococo. Phong cách này không có những bức phù điêu chạm trổ kỳ công, không sử dụng hệ thống phào chỉ dày đặc ở các trụ cột, trần nhà, chân tường... Thay vào đó, những ngôi nhà xây dựng theo phong cách này sử dụng các đường cong nhẹ nhàng, mềm mại ít xoắn ốc. Thậm chí sử dụng cả những đường nét thẳng mạnh mẽ được tìm thấy ở phong cách hiện đại.
Chủ yếu không gian theo lối kiến trúc Neoclassical được chia thành các ô, mảng có “tỷ lệ vàng” và điểm xuyến những điểm nhấn vào đúng các vị trí đó để đem lại ấn tượng mạnh cho người xem. Không cần thiết phải rườm rà, sử dụng quá nhiều họa tiết trang trí ở khắp nơi, tân cổ điển dựa trên sự tính toán khoa học để sắp xếp những điều hợp lý nhất đem lại sự tinh tế cho không gian.
Màu sắc luôn toát lên vẻ sang trọng
Màu sắc trong phong cách tân cổ điển nhẹ nhàng sử dụng thường là các màu đen, xám, đỏ đô, xanh rêu, vàng, xanh dương đậm,... Các gam màu tối là lựa chọn hoàn hảo thể hiện sự quý phái, đây là những màu sắc thể hiện cho sự giàu sang, quý tộc. Bạn có thể bắt gặp những màu sắc này trong bất kỳ trang phục nào của giới quý tộc phương Tây cũ. Do vậy, tầng lớp thượng lưu ở nhiều nền văn minh khác nhau rất đề cao những màu sắc này.
Nếu bạn còn đang băn khoăn trong lựa chọn nâng tầm đẳng cấp cho căn nhà thì không thể nào bỏ qua phong cách tân cổ điển. Sự kết hợp các màu sắc này lại với nhau và linh động giữa màu chủ đạo với màu nền sẽ đem lại cho bạn nhiều bất ngờ vì hiệu ứng của chúng đem lại.
Hoa văn họa tiết hài hòa
Họa tiết trang trí của phong cách này là sự giao thoa hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Lựa chọn những đường cong, uốn lượn nhẹ nhàng vừa đủ, không quá cầu kỳ nặng nề kết hợp với các đường thẳng đơn giản làm trung hòa được thị giác người chiêm ngưỡng. Không quá duy mỹ cũng không quá cứng nhắc. Đây là sự kết hợp hoàn hảo đem lại giá trị thẩm mỹ cao chinh phục được nhiều người yêu cái đẹp.
Về chất liệu
Chất liệu được ưu tiên, thường là các các đồ nội thất cao cấp như sàn gỗ, da, đá tự nhiên - những chất liệu thể hiện được đẳng cấp và giá trị của gia chủ. Sự hào nhoáng, bóng bẩy từ những chất liệu cao cấp này chính là sự thu hút tự nhiên và choáng ngợp đối với những người đòi hỏi tính thẩm mỹ cao. Không một ai có thể cưỡng lại được vẻ sang trọng và đẳng cấp khác biệt mà chúng mang lại./.