Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia: PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trưởng bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội; Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luận, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc Nhà Việt; Thượng tá Hoàng Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Hà Tĩnh.
PV: Cháy nổ chung cư đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều cư dân sinh sống ở các cao ốc. Nhưng điều người dân thực sự lo lắng là xe thang chữa cháy cao nhất của Việt Nam mới chỉ vươn được đến 50m (tương đương với tầng 13, 14), nhưng rất nhiều cao ốc hiện nay được quy hoạch xây dựng đến 50 thậm chí 70 tầng, điều này gây khó khăn như thế nào trong công tác PCCC cao ốc thưa các chuyên gia?
Thượng tá Hoàng Văn Long: Lực lượng cảnh sát PCCC chưa được trang bị trực thăng để chữa cháy, nói vậy, nghĩa là khi xảy ra cháy ở các tầng cao trên 50m, lực lượng cảnh sát PCCC rất khó tiếp cận đám cháy.
Tuy nhiên, các nhà cao tầng đều phải trang bị thang máy chữa cháy (thang máy vận chuyển người và phương tiện để phục vụ chữa cháy), đây là quy định bắt buộc, nên lực lượng cảnh sát PCCC có thể tiếp cận được các đám cháy trên cao nhờ phương tiện này. Vì vậy, khi đầu tư xây dựng các nhà cao tầng, chủ đầu tư phải trang bị các thang máy chữa cháy đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật.
Ngoài ra, đối với nhà cao tầng, lực lượng Cảnh sát PCCC có thể dập tắt đám cháy bằng cách sử dụng các phương tiện chữa cháy được lắp đặt trong nhà như: cấp nước vào bên trong, qua hệ thống đường ống lắp đặt cố định cho các đầu phun chữa cháy tự động được bố trí tại các điểm cháy…
Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luận: Ở nước ngoài, khi có hoả hoạn xảy ra, người ta sẽ di chuyển lên phía trên vì có trực thăng. Bởi khi quy hoạch và xây dựng, gần như 100% họ đều đã tính toán đến trường hợp có sự cố xảy ra để thiết kế hệ thống PCCC cùng những biện pháp phù hợp.
Còn đối với Việt Nam, do quá trình đô thị hóa nóng, tạo ra nhiều bất cập, nên mình phải có những giải pháp khác là xuống tầng gần nhất mà thang cứu hỏa có thể vươn tới.
PV: Như KTS Nguyễn Cao Luận vừa nhận định, trực thăng chữa cháy được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Với Việt Nam, có thể tính đến phương án này không thưa Thượng tá Hoàng Văn Long?
Thượng tá Hoàng Văn Long: Hiện nay, giải pháp mua trực thăng cứu hộ là một giải pháp khả thi. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia trang bị trực thăng cho lực lượng cứu hộ, chữa cháy. Sử dụng trực thăng để cứu hộ, chữa cháy rất hiệu quả, vì tính cơ động nhanh, tiếp cận được các tầng cao, nhanh chóng tiếp cận được hiện trường để cứu người, đưa lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường để tổ chức chữa cháy.
Tuy nhiên, hạ tầng cho trực thăng cũng chưa có: thủ tục pháp lý, chi phí mua sắm, vận hành, bảo quản, bảo dưỡng đắt…
Việc quy hoạch nhà cao tầng tại nước ta tôi xin phép không có ý kiến gì, để nhường lời cho các nhà chuyên môn trong quy hoạch. Tuy nhiên, dưới góc độ PCCC thì có mấy vấn đề sau:
Hiện tại có rất ít tòa nhà cao tầng của Việt Nam có bãi đỗ riêng được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực về tải trọng, độ cao và diện tích. Trong khi đó ở nhiều nước khác, các tòa nhà lớn thường có sân bay và nếu xảy ra cháy, trực thăng có thể đỗ trên nóc tòa nhà bên cạnh, từ đó phun nước dập tắt đám cháy.
Ở Việt Nam, các thành phố bị bao bọc bởi các tòa nhà cao tầng, hệ thống dây cáp, cột sóng di động và nhiều thiết bị khiến máy bay hoạt động không an toàn; nhất là vào ban đêm.
PV: Vâng, như Thượng tá Hoàng Văn Long vừa phân tích, công tác cứu hộ chữa cháy cho các cao ốc ở Việt Nam thực sự quá khó khăn, đặc biệt khi xảy ra vào ban đêm. Thiết bị có hiện đại đến đâu cũng không thể lọt qua được những “ma trận” cao ốc, và lỗi này nằm ở khâu quy hoạch, KTS Nguyễn Cao Luận nghĩ sao về điều này?
Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luận: Đúng là ở Việt Nam, với mật độ xây dựng cao ốc quá sát nhau sẽ gây cản trở, khó khăn cho việc trực thăng có thể di chuyển, dừng đỗ. Ở các đô thị như Hà Nội và TP.HCM, đối với những tòa nhà thật sự cao, khoảng cách giữa các toà nhà an toàn, thì điểm đỗ trực thăng không hạn chế. Nhưng với những tòa nhà thấp hơn, nếu có thiết kế điểm đỗ ngay từ đầu thì trực thăng cũng không thể đi qua được “ma trận” dây điện, cây cối, cáp, cột ăng-ten, thu sóng hoặc những tòa nhà khác.
Mà chưa nói đến câu chuyện dùng trực thăng, chỉ riêng việc chữa cháy thông thường cũng gặp khó khăn. Ở các nước phát triển và những đô thị văn minh, người ta quy hoạch trước và xây công trình sau. Nhưng ở Việt Nam, do điều kiện quá độ, hình thành đô thị một cách tự phát nên sẽ diễn ra việc xây dựng trước, quy hoạch sau. Do đó, khi các công trình xây dựng lên rồi mới nhận thấy không có đường đi. Khi đó, chúng ta mới bắt đầu quy hoạch giao thông và phá nhà.
Câu chuyện này rất ít nước trên thế giới mắc phải. Chúng ta cứ mãi luẩn quẩn trong vòng tròn xây dựng trước, xong bắt đầu lại mở đường, rồi lại đền bù, lại phá nhà và cứ lộn xộn như thế, chỗ nào đất trống thì chen vào làm. Do đó, với yêu cầu tòa nhà phải có đường bao xung quanh để vòi rồng của xe cứu hoả có thể phun được lên thì không phải tòa nhà nào cũng đáp ứng được.
PV: Dưới góc độ chuyên gia quy hoạch, theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, nguyên nhân vì đâu dẫn đến việc chúng ta cứ rơi vào vòng luẩn quẩn xây dựng trước, xong bắt đầu lại mở đường, rồi lại đền bù, lại phá nhà và xây lại để cuối cùng "quên" mất quy chuẩn cho PCCC như KTS Nguyễn Cao Luận phân tích…?
PGS.TS Phạm Hùng Cường: Theo tôi, không phải là quy hoạch trước rồi mới xây sau hay là xây trước rồi mới quy hoạch. Quá trình phát triển đô thị là một quá trình liên tục và luôn luôn có những sự thay đổi. Bao giờ cũng quy hoạch xong mới làm dự án, xây dựng công trình. Tuy nhiên, ở nước ta quy hoạch lại dễ được điều chỉnh, ví dụ có những giai đoạn, chúng ta không nghĩ chỗ này sẽ được xây dựng nhà 50 tầng, nhưng sau đó quy định tầng cao, mật độ lại được điều chỉnh.
Trong quá trình phê duyệt các dự án, vấn đề mật độ xây dựng và khoảng cách giữa các toà nhà đã bị coi nhẹ, còn vấn đề kinh tế thì lại được chú trọng hơn chăng?
Xem xét trên một số góc độ, quan trọng nhất là vấn đề môi trường tổng thể bị ảnh hưởng. Sức tải quá lớn, thông thoáng gió kém thì hạ tầng khu vực đó bị nén một cách cục bộ. Kéo theo môi trường, cảnh quan cũng trở nên ngột ngạt, công tác cứu hộ, cứu nạn, PCCC khó khăn…
Trong sự phát triển đô thị có rất nhiều mục tiêu khác nhau và cái khó nhất là cân bằng giữa các mục tiêu: lợi ích kinh tế, hiệu quả đầu tư, mật độ xây dựng,… Nhưng nếu lơ là sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.
PV: Nhưng phải chăng chúng ta chưa có những quy chuẩn rõ ràng về PCCC khi phê duyệt quy hoạch và xây dựng nhà cao tầng thưa các chuyên gia?
KTS. Nguyễn Cao Luận: Tôi nghĩ vấn đề chính là quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ, bị buông lỏng, có những thoả hiệp nhất định với những mong muốn lợi ích của chủ đầu tư. Do đó có những công trình không đủ điều kiện về PCCC mà vẫn được cấp phép. Nhà quản lý tốt sẽ ngăn chặn đến 90% tất cả trường hợp ảnh hưởng đến PCCC.
PGS.TS Phạm Hùng Cường: Theo tôi, có hai nguyên nhân. Thứ nhất về vĩ mô, quy chuẩn Việt Nam chưa chặt chẽ nên đã tạo ra những kẽ hở.
Thứ hai, công tác quy hoạch của nước ta đang bị chi phối nhiều bởi lợi ích cục bộ nên những lợi ích cộng đồng bị xem nhẹ.
Thực ra, chúng ta phải nhìn nhận một đô thị theo hướng phát triển. Mỗi khu vực luôn có sự cải tạo, lấp đầy rồi lại cải tạo để phát triển nhưng quan trọng là, đi kèm với nó, hệ thống pháp luật và chính sách quản lý phải phát triển song hành để không tạo ra những lỗ hổng, giống như khi những tòa cao ốc đua nhau mọc lên, chúng ta phải đưa ra được quy chuẩn chính xác để quản lý.
PV: Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để đảm bảo công tác PCCC, khâu quy hoạch nhà cao tầng nên được kiểm soát như thế nào?
Thượng tá Hoàng Văn Long: Khi quy hoạch các nhà cao tầng phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về khoảng cách ngăn cháy, hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC. Do đó, các nhà cao tầng nên được phê duyệt tại các khu vực có sẵn hệ thống giao thông, cấp nước và đảm bảo khoảng cách ngăn cháy theo quy định.
Vừa qua, một số nhà, công trình cao tầng được phê duyệt đã bỏ qua khâu lấy ý kiến về điều kiện an toàn PCCC trong quy hoạch, do đó, điều kiện ngăn cháy, hệ thống giao thông phục vụ chữa cháy chưa tốt; điều kiện đó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động chữa cháy sau này.
Trước khi phê duyệt quy hoạch nhà cao tầng cần quan tâm lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhất là về hạ tầng kỹ thuật.
KTS. Nguyễn Cao Luận: Mỗi tòa nhà đều có niên hạn sử dụng nhất định, để cho tồn tại hay thay đổi hiện trang đã có là câu chuyện rất dài của nhà quản lý. Nhưng công trình đến hạn thì phải trùng tu, cải tạo. Còn những công trình mới xây nên thắt chặt quản lý và các cơ quan chức năng nên có những giải pháp trong quy trình cấp phép ngay từ đầu. Bởi hiện nay, tốc độ ra đời của các dự án chung cư cao tầng rất nhanh. Con số thống kê tăng theo cấp số nhân chứ không còn là cấp số cộng. Chính vì thế, chúng ta nên siết chặt công tác quản lý quy hoạch ngay từ ban đầu để tránh những hậu quả về sau.
PGS.TS Phạm Hùng Cường: Hiện nay, quy chuẩn không rõ ràng tạo ra kẽ hở cho những người muốn tăng thật cao hiệu quả kinh tế của dự án, nhưng làm suy giảm chất lượng môi trường.
Theo tôi, phải rà soát, xây dựng lại thật nhanh những quy chuẩn đó, không chỉ ở khía cạnh PCCC hay mật độ tối thiểu mà còn về hệ thống hạ tầng tổng thể như: thông gió, môi trường, cảnh quan đô thị,.. thì mới đảm bảo chất lượng sống. Còn nếu quy chuẩn còn càng sơ sài, thì những công trình thiếu cơ sở pháp lý sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Buộc lòng chúng phải mất thêm công sức cho việc phát hiện để kịp thời điều tiết sự phát triển bền vững của không gian đô thị.
Xin cảm ơn các chuyên gia!