Khập khiễng giữa Quy chuẩn - Tiêu chuẩn
Những năm gần đây, cùng với sự sôi động của thị trường trong nước, các chủ đầu tư liên tiếp đưa ra thị trường nhiều dự án mới với sự đa dạng trong thiết kế và chất lượng hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, ngoài những tấm "băng rôn" phản đối chủ đầu tư của các gia đình ở nhiều dự án liên quan đến các yếu tố như tiện ích, thiết kế tòa nhà... chính các chủ đầu tư và nhà tư vấn thiết kế cũng gặp khó khăn và lúng túng do thiếu các hướng dẫn thực hiện cụ thể, đặc biệt là với hệ thống Quy chuẩn và Tiêu chuẩn thiết kế liên quan đến phòng chống cháy nổ nhà ở cao tầng.
Ths.KTS.Trần Thanh Ý - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đô thị cho biết, trước đây việc thiết kế PCCC trong nhà cao tầng nói chung và chung cư nói riêng được áp dụng theo TCXDVN 323:2004. Tuy nhiên, 169 tiêu chuẩn ngành xây dựng, trong đó có TCXDVN 323:2004 nhanh chóng bị bãi bỏ khi Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 212/QĐ-BXD ngày 25/02/2013 do Tiêu chuẩn “TCXDVN 323:2004. Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế” có các quy định không phù hợp với đối tượng tiêu chuẩn (theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).
Từ đó đến nay đến nay, đã hơn 5 năm trôi qua nhưng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ đối với nhà chung cư xây mới hoặc cải tạo lại và phần nhà chung cư nằm trong tòa nhà có kèm các chức năng khác) vẫn chưa được ban hành dẫn đến nhiều bất cập trong công tác thiết kế, thẩm tra, cấp phép xây dựng.
Về phòng chống cháy, có một số quy chuẩn trong QCVN 06:2010/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành. Bên cạnh đó có một số tiêu chuẩn đi kèm như TCVN 6160 -1996 cho nhà cao tầng và TCVN 6161- 1996 cho trung tâm thương mại và chợ. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề trong lĩnh vực phòng chống cháy còn có tiêu chuẩn về lắp đặt các thiết bị phòng chống cháy trong tòa nhà; các tiêu chuẩn về kiểm tra, giám sát bảo dưỡng công trình này.
Tuy nhiên, điểm bất cập cần đặc biệt lưu ý ở đây là, trong quá trình đưa các tiêu chuẩn, quy chuẩn này vào thực tế thì tiêu chuẩn có tính pháp lý thấp hơn quy chuẩn và khi làm thì phải phải tuân theo quy chuẩn. Tiêu chuẩn được coi là giải pháp thiết kế còn quy chuẩn là quy định bắt buộc phải tuân thủ. Nhưng ở đây có sự mâu thuẫn khi quy chuẩn được ban hành vào năm 2010 còn tiêu chuẩn lại có từ 1996, khi những tòa nhà thời điểm đó cao nhất chỉ đến 9 tầng.
Theo KTS.Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu tái định cư thì nếu chỉ dựa vào quy chuẩn này thì chưa đủ mà cần phải có hệ tiêu chuẩn cụ thể. Bà nhận định: “Chúng ta đã bỏ lửng khung pháp lý về an toàn cháy nổ. Nếu quy chuẩn là đường dẫn thì tiêu chuẩn chính là hệ thống các giải pháp kỹ thuật về đường cứu hộ. Chỉ khi xây dựng được hệ tiêu chuẩn thì mới thiết lập được quy chế cho các chung cư để mọi người nắm rõ hệ thống thoát hiểm của toà nhà khi xảy ra hỏa hoạn”.
KTS.Nguyễn Hồng Thục đặc biệt nhấn mạnh vai trò quản lý của nhà nước trong việc sớm đưa ra quy định tiêu chuẩn chi tiết mới về phòng chống cháy để làm “kim chỉ nam” cho cơ quan thẩm định, cấp phép cũng như các kiến trúc sư, đội ngũ kỹ thuật và mỗi cư dân.
Chủ đầu tư thà chấp nhận chịu phạt
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Reatimes, PGS.TS.Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhìn nhận: “Quy chuẩn về PCCC của nước ta tuy chưa hoàn chỉnh được như nước ngoài nhưng nếu thực hiện đúng những quy định hiện hành thì vẫn đảm bảo yêu cầu tối thiểu là giữ được an toàn sinh mạng cho người dân khi cháy nổ xảy ra”.
Ths.KTS.Trần Thanh Ý thì cho rằng: “Lĩnh vực PCCC tương đối đầy đủ đi từ luật đến nghị định, quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bộ Xây dựng cũng thường xuyên ban hành văn bản đối với yêu cầu quản lý vận hành nhà chung cư, ko chỉ phòng cháy chống cháy mà còn yêu cầu an toàn cho công trình. Nhưng việc thực thi, giám sát những nội dung đó, thưởng phạt, chế tài thường không nghiêm".
Ví dụ, đối với các chủ đầu tư, ngay khi lập dự án, phải đáp ứng đủ quy chuẩn về PCCC mới được cấp giấy phép xây dựng. Theo Luật Phòng cháy chữa cháy, chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về PCCC và chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn PCCC của công trình đã được duyệt. Khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư phải được thẩm duyệt về PCCC. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều chủ đầu tư đưa dân vào ở trong các chung cư cao tầng khi chưa được nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng; thay đổi công năng các hạng mục trong chung cư, không tổ chức duy tu, bảo dưỡng hệ thống, thiết bị PCCC, cơi nới, lấn chiếm lối thoát nạn…
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho biết, ngay trong thiết kế ban đầu của công trình hay dự án được duyệt đã có hệ thống PCCC. Trong giá bán nhà, chủ đầu tư đã tính cả chi phí bảo đảm an toàn về PCCC. Luật Phòng cháy và Chữa cháy cũng quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý trực tiếp, tuy nhiên các chủ đầu tư thường cố tình "phớt lờ" các quy định của pháp luật để trục lợi.
Trong khi đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về PCCC theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ từ 50 - 80 triệu đồng, còn chi phí hoàn thiện hệ thống PCCC lên tới hàng tỷ đồng. Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư chọn phương án chấp nhận chịu phạt.
PGS.TS.Trần Chủng đánh giá: “Có thể khá nhiều khu chung cư khi nghiệm thu đưa vào khai thác rất hoàn chỉnh nhưng sau một thời gian hệ thống trang thiết bị phòng chống cháy không hoạt động. Chủ đầu tư chung cư vì muốn tiết kiệm, có lãi tối đa nên xài thiết bị chất lượng không đảm bảo, tuổi thọ thấp nên sau một thời gian sử dụng thì bị hư hỏng, không hoạt động, cháy không báo, dẫn đến các vụ việc đau lòng".
Theo quy định hiện hành, mỗi năm cơ quan cảnh sát PCCC chỉ được phép kiểm tra chung cư, nhà cao tầng một lần. Còn lại trách nhiệm thuộc về ban quản lý, quản trị chung cư phải tự kiểm tra thường xuyên.
Để hạn chế tối đa việc cháy nổ, ngoài việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ ban quản trị tòa nhà, PGS.TS.Trần Chủng khuyến nghị, mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình cần nâng cao ý thức trong việc PCCC. “Trách nhiệm đầu tiên là mỗi cư dân, từng nhà một sau đó đến ban quản lý tòa nhà. Quản lý chung cư hiện nay cần có những đơn vị chuyên nghiệp chứ không phải ai giơ tay cũng làm được!”