“Công trình mang nét đặc trưng là sự hoài cổ. Người ta nói những cái mới thì sẽ cũ, những cái cũ rồi thì sẽ cũ trường tồn, ngụ ý với mong muốn sức khỏe con người cũng trường tồn theo thời gian”, đó là sự trải lòng của kiến trúc sư Nguyễn Đức Trọng khi nói về công trình phòng khám tại Vinhome Ocean Park.
Không gian chữa lành, đánh thức mọi giác quan
Công trình là sự kết hợp hoàn hảo từ vẻ lãng mạn tinh tế của Pháp và nét trầm mặc, hoài cổ của phương Đông. Trải lòng về bản thiết kế, KTS. Nguyễn Đức Trọng cho biết: “Mỗi một khách hàng đến phòng khám trải nghiệm đều đánh thức được tất cả các giác quan”.
Đồng quan điểm với KTS, bác sĩ Bùi Ngọc Trung, chủ đầu tư cho biết thêm" “Không theo số đông, không sao chép, tôi muốn phòng khám tạo được sức hút và dấu ấn riêng trong lòng người đến, người đi”.
Phòng khám gồm 5 tầng, trong đó: Tầng 1: Sảnh đón tiếp - Khu vực chờ; Tầng 2: Phòng khám cá nhân; Tầng 3: Phòng khám từ hai người trở lên; Tầng 4: Phòng làm việc; Tầng 5: Phòng nghỉ nhân viên.
Bản thiết kế gồm 5 tầng của phòng khám
Khác với các không gian khám chữa bệnh thông thường, tầng 1 sẽ được sử dụng kết hợp để khám và chữa thì tại đây khu vực này chỉ giống như một nơi tiếp khách dù có diện tích khá rộng.
Việc sử dụng chất liệu thuần Việt kết hợp với phong thái Châu Âu cùng các họa tiết, màu sắc được chế tác tỉ mỉ, phong cách Indochine đã mang đến cho công trình vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, hoài cổ, riêng biệt.
Xuất phát từ điển tích Hai Bà Trưng, hai bức tượng voi xuất hiện trong gian phòng với mong muốn thu hút tài lộc và kinh doanh cho gia chủ. Họa tiết con rồng trên thân đèn đem lại nét đẹp cá tính và đặc trưng của dân tộc Việt.
Đặc biệt, yếu tố hoa sen - quốc hoa của Việt nam được xuất hiện xuyên suốt 5 tầng tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, mềm mại. Không gian phòng khám không chỉ đơn giản để khám, mà gợi nhắc về các nét đẹp văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Có thể nói, mỗi góc thiết kế đều khiến bệnh nhân giảm đi cảm giác đi khám bệnh, mà trở thành trải nghiệm nghỉ dưỡng, chữa lành từ trong tâm hồn.
Khi phân tích về lý do vì sao chỉ thiết kế một vệt sáng rọi thẳng vào bức tượng Phật, anh Trọng nêu quan điểm: “Tôi chỉ chiếu sáng vào nơi cần được chiếu sáng, không phải tất cả. Vệt sáng rọi vào bức tượng cũng theo điển tích Phật giáo”.
Tại phòng khám, mỗi vị trí đều có ý đồ, và sách cũng vậy. Theo anh Trọng, tầng cao nhất là những quyển sách liên quan đến Phật giáo, tầng tiếp theo là sách mang kiến thức về y học, tầng thứ ba bao gồm sách chữa những nội dung liên quan đến dịch vụ, phòng khám, bác sĩ, quảng cáo… Sách được xếp theo thứ tự giá trị đem đến cho xã hội.
Tầng 2 bao gồm các phòng bệnh đơn, tầng 3 chứa phòng cho các cặp đôi và phòng cho đại gia đình, mang lại trải nghiệm trọn vẹn với mọi đối tượng.
Anh Trọng chia sẻ thêm: “Phòng vệ sinh là cần cực kỳ lưu tâm khi yêu cầu thiết kế, vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất. Bác sĩ kỳ vọng nơi đây phải thật sạch sẽ”.
Phòng nghỉ cho nhân viên được chăm chút tỉ mẩn đến từng đường nét. Bác sĩ cho rằng, nhân viên cần hạnh phúc thì mới có thể chăm sóc bệnh nhân chu đáo, khi đó, bệnh nhân sẽ hạnh phúc.
Những gam màu trung tính, mang hơi hướng hoài cổ như đen, vàng, nâu, trắng,… kết hợp với màu sắc của các chất liệu thô như gỗ, tre, mây, gạch,... khơi gợi nét đẹp riêng biệt không dễ nhầm lẫn, tạo dấu ấn thẩm mỹ riêng biệt từ phong cách nội thất Indochine.
Kiến trúc từ tâm, tâm hướng Phật
KTS. Nguyễn Đức Trọng và bác sĩ Bùi Ngọc Trung rất hòa hợp trong quá trình triển khai ý tưởng thiết kế và thi công công trình.
Về phía bác sĩ, anh Trung tâm sự: “Tôi không đi theo phương thức thương mại hóa chữa bệnh mà mong muốn người sử dụng phòng khám có thể trải nghiệm phương pháp chữa bệnh khép kín, chữa lành từ tâm trí nhiều hơn”.
Khi được hỏi tại sao thiết kế phòng khám cầu kỳ như vậy, bác sĩ cho biết, chữa bệnh là phải chữa từ trong ra ngoài: “Tại nơi điều trị, cần có hai yếu tố, ngoài thuốc và phương pháp trị liệu, yếu tố còn lại chính là không gian, cách giao tiếp, cách phòng khám phục vụ”.
Bác sĩ cho biết bản thân rất thích tinh thần của đạo Phật, hướng con người đến sự bình an và mong muốn ngoài sử dụng Tây y chữa bệnh, việc “mang các giá trị về Phật giáo chữa bệnh cho người, hướng thiền, chữa bệnh từ tâm” cũng rất quan trọng.
“Người bệnh một trong những vấn đề của họ là sự bất an. Phong cách kiến trúc, các đồ vật sắp xếp thông minh sẽ đem lại cho khách hàng một tâm thái dễ chịu nhất trước khi điều trị. Khi bước vào phòng khám, họ cũng khỏe lên 3-4 phần, chữa bệnh là chữa từ bên trong kết hợp với bên ngoài”, bác sĩ khẳng định.
Trong công trình 5 tầng cực kỳ đặc biệt của mình, nơi bác sĩ thích nhất chính là phòng đọc sách, nằm trên tầng 4 - Phòng làm việc. Tại đây, anh Trung có thể mời bạn bè đến chơi cờ, đánh mạt chược và trò chuyện, tâm tình.
Về phía KTS, anh Trọng cũng cho biết, quan điểm thiết kế của mình được ảnh hưởng nhiều bởi các triết lý Phật giáo, mà điển hình nhất là anh luôn tâm niệm: “Phải thiết kế bằng cái tâm. Tâm ở đây là sự tỉ mẩn trong từng chi tiết, sự theo sát công trình đến từng những điều nhỏ nhất, có trách nhiệm với từng thiết kế mình làm ra. Định hướng phong cách thiết kế tốt nhất và phù hợp nhất cho khách hàng”.
KTS luôn kỳ vọng, thiết kế phải riêng biệt, thân thiện với sức khỏe con người, thân thiện với cả xã hội, thông minh phù hợp với người sử dụng và tối ưu hóa khả năng sử dụng. Trong công trình này, anh không sử dụng các loại gỗ quý gây phá hoại rừng mà sử dụng gỗ tự nhiên được lấy từ rừng sản xuất, được tái tạo từ 20-30 năm một lần. Bên cạnh đó, phòng khám cần sử dụng các loại gỗ nội thất thiên hướng tự nhiên, có lợi cho sức khỏe thay vì gỗ công nghiệp có chứa Formaldehyde là loại hóa chất độc hại cho sức khỏe của con người. Đồng thời, sử dụng một số chất liệu khác để hạn chế nhất chất độc hại ngấm vào tường, gỗ gây ảnh hưởng đến bệnh nhân.
“Một không gian nội thất tuyệt vời không dựa trên hình thức màu sắc của KTS đưa ra mà dựa trên sự thỏa mãn, hài lòng của khách hàng sống trong không gian đó”, KTS Nguyễn Đức Trọng tâm sự./.